Sẽ giám sát chặt chẽ hơn mà !

16/11/2017 | 08:15 GMT+7

Cà phê sáng, lướt web điểm tin rồi, sao ông suy tư vậy?

Thấy trên Báo Hậu Giang có vụ ông Bùi Tự Lập, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, kiện tụng đòi đất tới 20 năm mà chưa được, tôi lo lo sao!

Ông ơi, Tòa án cấp cao hủy án phúc thẩm, yêu cầu xử lại rồi.

Biết là vậy, mà sao có mấy ngàn mét vuông đất, rõ như ban ngày sao để dân đeo bám 20 năm nay?

Nội tình thì chưa rõ lắm nhưng tôi cũng đọc báo rồi, như có gì đó ông Tự Lập… vô phúc nên đáo tụng đình suốt. Chắc đợt này phải xử sớm thôi. Chờ đi!

Chờ 20 năm rồi còn gì! Mà cũng hy vọng vậy, nhưng tôi chưa hết lo.

Gì nữa vậy?

Chuẩn bị kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nói các báo cáo tư pháp cái gì cần công khai thì phải công khai chứ không phải cái gì cũng mật. Theo bà, việc cứ đóng dấu mật sẽ hạn chế tiếp cận thông tin của cử tri. Tôi nghĩ vậy nên có những vụ kiện tụng kéo dài quá chừng.

Cái đó chắc theo quy định. À quên! Kỳ họp này của Quốc hội có đại biểu nói rất thẳng về báo cáo tư pháp; nêu thực trạng lót tay trong hệ thống tư pháp gồm các ngành tòa án, viện kiểm sát, công an. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, đa số cử tri khi đến các cơ quan tư pháp không hài lòng khi hiện tượng lót tay, chung chi tương đối phổ biến; nhấn mạnh, sự chậm trễ trong bộ máy tư pháp hiện nay “là một điều khủng khiếp đối với người dân”. Ông Nghĩa còn nói: “Có những vụ án đơn giản cũng phải kéo dài, nhiều đơn từ, giấy phép; có những lúc người ta biết lãnh đạo đã ký nhưng mấy tuần vẫn chưa đến được dân. Điều này đòi người dân phải chạy, phải bôi trơn, phải lót tay, thông qua "cò" hoặc nhân viên nào đó thì nó lại chạy”.

Tôi còn nghe ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bày tỏ chưa thực sự yên tâm trước những vụ việc khiếu nại của công dân dai dẳng năm này qua năm khác; không ít người đi khiếu nại phải bán hết tài sản để theo đuổi trong thời gian dài, có những người đời cha mẹ khiếu nại chưa xong lại chuyển sang đời con. Đây là mũi kim đâm vào da thịt, là sự nhức nhối nếu chúng ta đặt địa vị mình vào người dân đi khiếu nại.

Thấy tôi với ông đi hơi xa rồi đó!

Xa gì, đây cũng là chuyện của dân của nước mà! Tôi nghĩ đại biểu Quốc hội mình biết rồi chắc không bỏ qua đâu. Vì dân họ sẽ giám sát, kiểm tra chặt chẽ hơn nghĩa vụ chấp pháp của cơ quan tư pháp mà!…

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>