Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” của ngành bảo hiểm xã hội

02/11/2017 | 08:16 GMT+7

(HG) - Để thực hiện tốt phong trào này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố và yêu cầu, phối hợp với bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến các chương trình giảm nghèo, thoát nghèo; kế hoạch hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, HSSV, người thuộc diện chính sách xã hội; kế hoạch vận động phát triển BHXH tự nguyện đối với từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, khám chữa bệnh (KCB) BHYT, đặc biệt hướng đến nhóm đối tượng là người nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân tộc thiểu số, HSSV và người thuộc diện chính sách xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức đại lý thu, phát hành thẻ BHYT điện tử theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo thuận lợi cho đơn vị và người tham gia BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, là gắn kết quả tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua với việc đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân của đơn vị. Theo đó, tiêu chuẩn thi đua đối với tập thể được xác định thông qua các yếu tố: Có xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các chỉ tiêu trong chương trình, kế hoạch giảm nghèo của địa phương; tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua có hiệu quả, thiết thực, gắn với kết quả thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; hàng năm hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ được giao và hoàn thành tỷ lệ bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao; tích cực tham gia, hưởng ứng các đợt phát động, huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tổ chức vận động, quyên góp để mua thẻ BHYT cho các đối tượng; vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đối với cá nhân, tiêu chí dựa trên các yếu tố: Có nhiều thành tích trong việc bám sát cơ sở; có sáng kiến, giải pháp hữu ích xây dựng, ban hành hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, HSSV…; tham gia hưởng ứng tích cực phong trào thi đua, luôn phấn đấu thực hiện tốt công việc được giao, có nhiều đóng góp về vật chất và tinh thần trong các chương trình vì người nghèo. Hình thức khen thưởng hàng năm do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng BHXH tỉnh lựa chọn; khen thưởng sơ kết (dự kiến cuối năm 2018) và tổng kết (dự kiến cuối năm 2020) do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng BHXH Việt Nam lựa chọn.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>