“Ăn miếng - trả miếng”

09/04/2018 | 07:57 GMT+7

Đối đầu thương mại Trung - Mỹ đang có nhiều dấu hiệu leo thang trong những ngày qua khi hai nước liên tục đưa ra hàng loạt động thái trả đũa lẫn nhau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục có chính sách cứng rắn về thương mại với Trung Quốc khi chỉ đạo giới hữu quan xem xét áp thêm gói thuế 100 tỉ USD lên hàng nhập khẩu từ đối tác.

Đối đầu thương mại Trung - Mỹ đang có nhiều dấu hiệu leo thang. Ảnh minh họa: KT

Đến nay, Trung Quốc đã hai lần tuyên bố trả đũa Mỹ. Lần đầu là kế hoạch đánh thuế 15% và 25% nhằm vào 128 mặt hàng (trong đó có trái cây, thịt heo và ống thép) với tổng trị giá 3 tỉ USD, nhằm đáp trả việc Mỹ muốn áp thuế suất 25% lên thép và 10% với nhôm đối với nhiều nước, trong đó có Trung Quốc. Ở lần hai, Trung Quốc áp thuế 25% với 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ (chủ yếu là đậu nành, xe hơi và máy bay) với tổng giá trị khoảng 50 tỉ USD. Có thể thấy đa số mặt hàng Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế lần này là nông sản. Đây là đòn bất lợi với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi việc tăng thuế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt bang Mỹ nằm trong “Vành đai nông sản” vốn ủng hộ ông Trump.

Lâu nay, chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc liên tục có các hoạt động thương mại không công bằng nhằm chiếm đoạt công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, đồng thời gây thâm hụt lớn giữa 2 nước. “Thay vì sửa chữa hành vi sai trái, Trung Quốc chọn gây thiệt hại cho nông dân và các nhà sản xuất của chúng tôi”, AFP dẫn lời Tổng thống Trump chỉ trích. Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng nói thêm ông sẵn sàng đàm phán nếu Bắc Kinh đồng ý hướng tới “thương mại tự do, công bằng và đôi bên cùng có lợi”.

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố: “Nếu phía Mỹ phớt lờ sự phản đối của Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế và cương quyết thực hiện chủ nghĩa đơn phương cùng chủ nghĩa bảo hộ thương mại, chúng tôi sẽ đáp trả đến cùng bằng mọi giá. Tuy không muốn chiến tranh thương mại song chúng tôi cũng chẳng e ngại nó”.

Theo dự kiến, ngày 9-4, ông John Bolton - người được mệnh danh “diều hâu hiếu chiến” sẽ chính thức nhậm chức Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. Trong khi đó, theo một số nguồn tin, ông Bolton có khả năng sẽ tới thăm Đài Loan vào tháng 6 tới đây. Đây được coi là ý đồ của Nhà Trắng, dùng Đài Loan làm “con bài” quan trọng để ép Bắc Kinh nhượng bộ về thương mại.

Thực tế trước đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đề cập song song vấn đề thương mại Trung - Mỹ và vấn đề Đài Loan nhưng sau đó các tuyên bố chìm xuống do tình hình bán đảo Triều Tiên nóng lên.

Giới phân tích nhận định, do cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ leo thang căng thẳng, cộng thêm sự tác động của các quan chức thuộc giới “diều hầu” trong Nhà Trắng nên không loại trừ khả năng Tổng thống Trump dùng “con bài Đài Loan” gây áp lực lên Bắc Kinh.

Đặc biệt, trụ sở mới của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) sắp khánh thành vào trung tuần tháng 6, trong khi Đài Loan đã gửi lời mời quan chức cấp cao thuộc Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ tới đảo này để dự lễ khánh thành trụ sở mới.

Từ chính quyền Tổng thống George W.Bush tới Barack Obama, Bộ Ngoại giao Mỹ luôn thực hiện theo chỉ thị “các quan chức Bộ Ngoại giao không được thăm chính thức Đài Loan”. Quốc hội Mỹ cho rằng, chính phủ nên xóa bỏ quy định này và cần tăng cường quan hệ với Đài Loan.

Theo đó, ngày 16-3 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký phê duyệt Luật lữ hành Đài Loan, cho phép các quan chức Mỹ ở các cấp tiến hành các cuộc gặp gỡ song phương hợp pháp với Đài Loan và ngược lại.

Dấu hiệu leo thang của cuộc chiến thương mại khiến giới đầu tư vô cùng bất an. Trong phiên giao dịch hôm qua, chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh giảm 0,3%, chỉ số Dax ở Đức tụt 0,56%, theo Reuters. Giá dầu thô Mỹ cũng giảm 0,5% xuống còn 63,22 USD/thùng và giá dầu Brent sụt 0,45% ở mức 68 USD/thùng. Các chuyên gia nhận định căng thẳng có thể sẽ kéo dài do Trung Quốc đã bắt đầu quy trình khiếu nại Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>