Gấp rút tìm giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19

27/10/2020 | 17:49 GMT+7

Dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp khiến nhiều quốc gia quay lại phong tỏa và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Đi tìm giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh đang được WHO nỗ lực thực hiện.

Ảnh minh họa: Yonhap

Bức tranh tổng thể trên toàn thế giới là ảm đạm do dịch Covid-19 tiếp tục lây lan nhanh và tác động ngày càng xấu hơn. Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 27-10, tổng số cas mắc Covid-19 trên toàn thế giới là hơn 43,7 triệu trường hợp, trong đó có 1,1 triệu trường hợp tử vong. Số cas bệnh đã phục hồi là 32,1 triệu trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, 5 quốc gia đứng đầu bảng thống kê dịch bệnh Covid-19 gồm Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Pháp.

Mỹ, Nga, Pháp và nhiều quốc gia khác đang ghi nhận kỷ lục về cas nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 khi làn sóng dịch bệnh tái bùng phát, buộc một số quốc gia phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.

Dịch bệnh cũng đang hoành hành dữ dội nhất ở Mỹ Latinh. Trong đó, Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Mỹ Latinh, và là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 15.7000 cas mắc và 234 cas tử vong, nâng tổng số lên hơn 5,4 triệu cas bệnh và hơn 157 ngàn cas tử vong. Tiếp đến là Colombia với hơn 1 triệu cas mắc và hơn 30.000 cas tử vong.

Tại châu Âu, bức tranh càng ảm đạm hơn khi một loạt quốc gia thông báo mức gia tăng kỷ lục mới về số cas mắc Covid-19, dẫn đầu là Pháp với 1,1 triệu cas mắc và 35.018 cas tử vong. Giáo sư Jean-François Delfraissy, người đứng đầu một hội đồng tư vấn cho Chính phủ Pháp, cho biết, nước này thậm chí có thể chứng kiến 100.000 cas mắc mới mỗi ngày trong thời gian tới. Chính phủ các nước đã cố gắng tránh biện pháp phong tỏa lần thứ hai vì lo ngại thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Nhưng sự gia tăng số cas mắc mới đã buộc nhiều nước châu Âu thắt chặt hạn chế.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây Trung Quốc đã phát hiện 137 trường hợp nhiễm Covid-19 không triệu chứng tại thành phố Kashgar, khu tự trị Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc. Các cas bệnh mới nói trên đánh dấu dịch Covid-19 tái xuất hiện trong cộng đồng ở Trung Quốc đại lục kể từ ngày 14-10, khi 1 cas bệnh được phát hiện ở Thanh Đảo. Tân Cương đã phát sinh ổ dịch Covid-19 vào tháng 8, nhưng không có trường hợp mới nào được phát hiện thêm ở khu vực này kể từ ngày 15-8. Điều này cho thấy sự phức tạp và mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19.

Mới đây, tại Berlin, Đức, Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới năm 2020 diễn ra theo hình thức trực tuyến. Gần 300 đại biểu là các chính trị gia và nhà khoa học sẽ thảo luận về những biện pháp đưa thế giới thoát khỏi đại dịch.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, không ai được an toàn trước đại dịch Covid-19 cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn. Ông hối thúc các nước hợp tác để ứng phó với đại dịch một cách hiệu quả hơn thay vì xu hướng một số quốc gia dự trữ số lượng lớn vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trong nước. Tổng thống Đức cũng kêu gọi Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch, tham gia sáng kiến Cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 (COVAX) nhằm giúp đỡ phát triển và phân phối vắc-xin cho toàn thế giới.

Còn Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, trong đó yêu cầu các nước công nghiệp phát triển hỗ trợ hệ thống y tế cho những nước đang thiếu nguồn lực. Trong thông điệp gửi đến hội nghị, nhiều nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác xuyên biên giới.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghenreyesus nhấn mạnh, hợp tác là cách duy nhất để thế giới thoát khỏi dịch bệnh này. Ông Ghenreyesus cho rằng, cách duy nhất để khôi phục sau đại dịch là bảo đảm các quốc gia nghèo hơn được tiếp cận vắc-xin một cách công bằng.

Những lời kêu gọi trên cũng là mong muốn của nhiều quốc gia và người dân trên toàn thế giới.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Mặc dù chúng tôi đồng ý với kế hoạch của nhiều quốc gia khi chú trọng quan tâm đến những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội và tăng cường phát triển vắc-xin phòng bệnh, song việc từ bỏ kiểm soát dịch bệnh là rất nguy hiểm. Chính quyền các nước nên đặt việc kiểm soát cũng là một phần quan trọng trong chiến lược ứng phó với dịch Covid-19”.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>