Hội nghị thượng đỉnh G20: “Nóng” vấn đề biến đổi khí hậu

10/07/2017 | 08:17 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 tại Đức đã kết thúc vào tối 8-7, sau hai ngày làm việc căng thẳng. Các nhà lãnh đạo G20 đã cùng đưa ra thỏa hiệp về tự do thương mại và chống chủ nghĩa bảo hộ, cũng như tuyên bố chung về ngăn tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, hội nghị lần này vẫn còn tồn tại bất đồng trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự G20 chụp ảnh lưu niệm.   Ảnh: TÂN HOA XÃ

Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của kinh tế toàn cầu như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, tài chính quốc tế, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, năng lượng, hỗ trợ châu Phi, di cư, y tế, việc làm, số hóa và phụ nữ...

Trong ngày làm việc đầu tiên, các nhà lãnh đạo G20 đã đạt được sự đồng thuận mạnh mẽ trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo đó, hội nghị đã đưa ra tuyên bố chung về ngăn tài trợ khủng bố, đồng thời cam kết hành động để ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm và tổ chức trái pháp luật. Bước sang ngày làm việc thứ hai, hội nghị đã nhất trí trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến thương mại, bao gồm tự do thương mại và chủ nghĩa bảo hộ. Ngoài ra, nhiều chủ đề nóng khác như vấn đề Triều Tiên, cuộc khủng hoảng người nhập cư, đảm bảo sức khỏe, nền kinh tế số hóa, vai trò của phụ nữ... cũng được lãnh đạo các nước G20 thảo luận trong các phiên họp chính và các cuộc tiếp xúc bên lề.

Vấn đề chống biến đổi khí hậu vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà lãnh đạo G20 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cương quyết không thay đổi quan điểm trong việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Theo thông lệ, Tuyên bố chung phải được tất cả chấp thuận. Nhưng việc đạt được quan điểm chung về ứng phó với biến đổi khí hậu lại trở nên hết sức phức tạp, khi mà phải viết sao cho thể hiện được quan điểm của cả Mỹ và các nước vẫn theo đuổi Thỏa thuận Paris.

Chuyện cắt giảm khí thải làm cho trái đất nóng lên tưởng như đã được định đoạt tại Paris. Lúc đó không ai nghĩ rằng, chỉ sau có một năm rưỡi, vấn đề lại phải đưa ra thảo luận lại. Nước Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận. Chống biến đổi khí hậu bất đắc dĩ lại trở thành một đề tài nóng tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

G20 là diễn đàn, các kết luận đưa ra tại đây không ràng buộc bất cứ nước nào. Nhưng một khi 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã định hình một hướng đi, các nước khác, dù không muốn, cũng sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng. 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới có đại diện tại đây không muốn đàm phán lại Thỏa thuận Paris. Riêng nước Mỹ muốn đưa vào Tuyên bố chung một ý: “Tạo thuận lợi trong tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch”. Một ý mà các nước còn lại không muốn thấy trong Tuyên bố chung sắp được công bố.

Trái với truyền thống của tuyên bố chung chỉ nhấn mạnh sự đồng thuận của các bên tham gia, tuyên bố chung lần này của G20 “lưu ý quyết định của nước Mỹ rút ra khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu”. Dù vậy, tuyên bố chung cho biết Hiệp định Paris là “không thể đảo ngược” và các lãnh đạo khác “tái xác nhận cam kết mạnh mẽ đối với hiệp định”.

Giới quan sát nhận định tuyên bố chung của G20 là một thắng lợi đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, mở đường cho người đứng đầu Nhà Trắng theo đuổi các chủ trương về thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và bảo hộ các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài. Đồng thời, tuyên bố này cũng mở cửa cho các nước tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vốn bị cho là nguyên nhân gây ấm lên toàn cầu.

Trong khi đó, sau hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn và Thủ tướng Merkel đã đạt được một “thỏa hiệp” tốt. “Dù nước Mỹ đã rút ra, họ vẫn chuẩn bị để tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận về vấn đề này. Đối với tôi đây là một điểm rất tích cực và có thể xem là một thành công của bà Angela Merkel”, CNN dẫn lời ông Putin.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>