Iran khó khăn tứ phía

25/09/2018 | 07:50 GMT+7

Kinh tế Iran đang chững lại kể từ sau khi Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân vào đầu năm nay và châu Âu đang ý định sẽ không tiếp tục kinh doanh tại Tehran nữa.

Kinh tế Iran chững lại từ vòng vây trừng phạt. Ảnh: Bloomberg

Tình trạng mất giá của đồng rial được dự báo sẽ trở nên trầm trọng hơn khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran liên tục duy trì. Mặc dù Iran cùng các nước châu Âu hiện đang tìm cách duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, hy vọng giúp kiềm chế những tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, song mọi việc dường như không có kết quả như kỳ vọng của Tehran. Các chuyên gia cho rằng với tình hình hiện nay người dân sẽ mất dần niềm tin vào tất cả mọi thứ và sẽ có khủng hoảng kinh tế. Iran có thể sẽ phải đối mặt với bất kỳ cuộc biểu tình bạo lực ngoài tầm kiểm soát trong tương lai. Dự báo của IMF về tăng trưởng kinh tế của Iran trong năm nay khoảng 4%, nhưng những gì xảy ra khiến mức tăng trưởng có thể giảm tới dưới 2%.

Trong khi đó, quan hệ giữa Iran với châu Âu, vốn đang trong giai đoạn nhạy cảm, có nguy cơ đổ vỡ khi Iran triệu đại diện các nước Hà Lan, Đan Mạch và Anh sau vụ tấn công tại lễ diễu binh ở thành phố Ahvaz ở tỉnh Khuzestan khiến hàng chục người thiệt mạng. Vụ xả súng diễn ra tại thành phố Ahvaz hôm 22-9. Các tay súng cải trang thành binh sĩ đã nổ súng tại cuộc diễu binh hàng năm ở thành phố Ahvaz - bị xem là cuộc tấn công đẫm máu nhất tại Iran trong gần một thập kỷ qua.

Theo cáo buộc của Tehran, các nước Hà Lan, Đan Mạch, Anh đang hỗ trợ những nhóm đối lập Iran hoạt động ở các nước châu Âu và những kẻ chống đối này chính là tác giả của vụ tấn công tại Ahvaz. Ông Bahram Qasemi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, tuyên bố: “Điều không thể chấp nhận đó là Liên minh châu Âu (EU) không liệt những nhóm này vào danh sách khủng bố với lý do chưa gây ra vụ tấn công nào tại châu Âu”.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), quan hệ giữa Iran và châu Âu bước vào giai đoạn không suôn sẻ. Dù không phá bỏ thỏa thuận như Mỹ nhưng châu Âu cũng giảm bớt trao đổi kinh tế với Iran bởi không muốn mất lòng Washington.

Với Iran, sự thay đổi thái độ của châu Âu bị coi như hành động phản bội với những cam kết hạt nhân. Theo ông Javad Zarif, Ngoại trưởng Iran, với sự rút lui của Mỹ, kỳ vọng của công chúng Iran vào EU tăng lên nhằm duy trì những thành quả đạt được của thỏa thuận. Vì thế ông cho rằng, sự ủng hộ chính trị của châu Âu là chưa đủ, EU phải thực hiện “các bước đi thiết thực” để tăng cường quan hệ kinh tế với Iran.

Chưa dừng ở đó, Iran và châu Âu bất đồng sâu sắc về hoạt động của các nhóm đối lập Iran ở châu Âu. Hồi tháng 3-2018, một số cá nhân liên quan tới một nhóm tôn giáo cực đoan đã tấn công Đại sứ quán Iran ở London. Tháng 9-2018, Đại sứ quán Iran tại thủ đô Athens của Hy Lạp lại bị một nhóm chống Chính phủ Iran tấn công nhằm phản đối chính sách của chính quyền Tehran đối với cộng đồng người Kurd tại Iran. Tháng 7-2018, quan hệ châu Âu - Iran thực sự nổi sóng khi 6 người bị bắt giữ tại Bỉ, Pháp và Đức, trong đó có một nhà ngoại giao Iran, với cáo buộc có âm mưu đánh bom nhóm người biểu tình do một nhóm đối lập Iran lưu vong tại Pháp tổ chức. Trong khi châu Âu coi các nhóm đó chỉ là lực lượng đối lập ôn hòa, thì Tehran liệt chúng vào thành phần khủng bố đang âm mưu lật đổ chính quyền Iran.

Chưa biết diễn biến tiếp theo thế nào nhưng thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với Nhóm P5+1 và Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng hiện nay giữa châu Âu và Iran.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>