Kịch bản nào cho Brexit ?

20/05/2019 | 05:30 GMT+7

Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Anh với Công đảng đối lập nhằm tháo gỡ bế tắc cho thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, gọi tắt là Brexit đã chính thức đổ vỡ khi hai bên không tìm được tiếng nói chung.

Một người dân Anh cầm tấm biển phản đối Brexit trên đường phố. Ảnh: REUTERS

Cả Thủ tướng Anh Theresa May và thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn đều lên tiếng đổ lỗi cho nhau về sự đổ vỡ này.

Phát biểu với báo giới sau khi cuộc đàm phán với Chính phủ Anh thất bại, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn nhấn mạnh, lập trường giữa Công đảng và Chính phủ của Thủ tướng Anh ngày càng đi xa nhau. Theo ông Jeremy Corbyn, cuộc đàm phán với chính phủ không đạt kết quả mong muốn là do về cơ bản Chính phủ Anh không thay đổi lập trường của mình và đàm phán đổ vỡ, cho thấy sự yếu đuối và không ổn định của Chính phủ Anh. Ông Corbyn cảnh báo sẽ phản đối kịch liệt thỏa thuận Brexit khi thỏa thuận được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội Anh vào tháng tới.

Về phần mình, Thủ tướng Anh Theresa May cùng ngày cho biết, việc bất đồng quan điểm với Công đảng về việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới đã khiến đàm phán giữa hai bên trở nên khó khăn hơn. Bà đang cân nhắc đàm phán với các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của bà và đảng Bắc Ireland nhỏ hơn nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đối với thỏa thuận này tại Quốc hội: “Chúng tôi muốn ra khỏi Liên minh châu Âu. Nếu Quốc hội ủng hộ thỏa thuận Brexit của chúng tôi, chúng ta đã ra khỏi Liên minh châu Âu. Chúng tôi mong muốn mọi người hãy bỏ phiếu ủng hộ chúng tôi vì chỉ có đảng Bảo thủ mới có thể chuyển giao Brexit và đưa nước Anh tiến tới một tương lai tươi sáng hơn”.

Cho đến nay, đã gần 3 năm sau khi cử tri Anh bỏ phiếu về việc có hay không việc Anh rời Liên minh châu Âu, với tỷ lệ ủng hộ ra đi là 52%, song đến nay, vẫn chưa rõ là bằng cách nào và khi nào Anh sẽ rời ngôi nhà chung châu Âu mà nước Anh đã gia nhập từ năm 1973.

Thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May từng bị bác bỏ 3 lần tại Quốc hội Anh, buộc bà phải xin gia hạn Brexit hai lần và hạn chót là ngày 31-10 tới Anh sẽ phải chính thức rời Liên minh châu Âu. Tháng trước, bà May quyết định tổ chức đàm phán với Công đảng đối lập với hy vọng tìm ra lối thoát cho những bế tắc hiện tại. Tuy nhiên, mong muốn của Công đảng duy trì mối quan hệ thương mại gần gũi với Liên minh châu Âu đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền và đây cũng là một trong những trở ngại rất lớn với mục tiêu đàm phán. Việc đàm phán đổ vỡ càng khiến hy vọng tháo gỡ bế tắc và tìm kiếm ủng hộ của Quốc hội với thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May trở nên mong manh hơn.

Trong nỗ lực cuối cùng, bà May có thể đưa ra một “đề xuất táo bạo” trước các nghị sĩ với “một gói các giải pháp cải tiến”  hy vọng đạt được sự phê chuẩn của Quốc hội đối với thỏa thuận Brexit. Chính phủ Anh hiện tiếp tục thúc đẩy dự luật trước Quốc hội để đưa ra bỏ phiếu vào đầu tháng 6.

Trong bài viết trên tờ Sunday Times, Thủ tướng Anh cho biết: “Tôi sẽ không đơn giản yêu cầu các nghị sĩ cân nhắc lại. Thay vào đó, tôi sẽ đề nghị họ xem xét một thỏa thuận mới và được cải tiến với một cặp mắt tươi mới, và quyết định ủng hộ”.

Với kết quả thất bại trong cuộc đàm phán vừa qua, ông Hilary Benn, Chủ tịch Ủy ban Brexit của Quốc hội Anh, cho biết nếu đàm phán chả đi đến đâu, điều này sẽ chỉ dẫn đến 2 kết quả. Một là Quốc hội Anh phải thông qua thỏa thuận Brexit. Hai là nước Anh phải trao lại quyền quyết định cho người dân Anh thông qua một cuộc trưng cầu mới. Với tình hình hiện nay, tổ chức trưng cầu ý dân mới là kịch bản khả thi hơn với nước Anh.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>