Nhiều quốc gia Đông Nam Á: Trả lại rác thải cho phương Tây

18/06/2019 | 08:28 GMT+7

Trả lại rác thải cho Mỹ và các quốc gia phát triển phương Tây là động thái tích cực đang được nhiều nước châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng quan tâm hiện nay.

Các xe container rác bị gửi trả lại. Nguồn: NAWACITA

Tiếp bước các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Philipines, Thái Lan và Việt Nam… cuối tuần qua, Indonesia đã trả lại một lượng rác thải nhập khẩu lớn cho các nước phương Tây.

Theo đó, Indonesia đã trả lại phía Mỹ 5 container rác bên trong chứa đầy chai nhựa và cả tã trẻ em, thay vì chỉ chứa giấy tái chế theo tờ khai hải quan. Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, ông Sayid Muhadhar cho biết, nước này đã niêm phong toàn bộ số container rác thải nhập từ Bắc Mỹ và châu Âu để kiểm định các mẫu rác thải và tuyên bố Indonesia “không phải là bãi rác”.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Công nghiệp Nhựa Indonesia, mỗi năm nước này sản xuất 64 tấn rác thải, trong đó 3,2 tấn rác sẽ theo các con sông đổ ra biển. Mặc dù được mệnh danh là quốc gia vạn đảo với 70% lãnh thổ là nước, tuy nhiên, quản lý rác thải trên biển, đặc biệt là rác thải nhựa, đang là thách thức lớn với chính phủ nước này khi hiện nay, Indonesia được mệnh danh là nhà máy sản xuất rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.

Hệ lụy của ô nhiễm rác thải ở quốc gia này đã làm đau đầu ngành chức năng và người dân nơi đây. Người dân Indonesia vẫn không quên hình ảnh một thợ lặn người Anh đang bơi trong biển rác thải nhựa ở Bali, đảo thiên đường du lịch của Indonesia. Ít lâu sau đó lại xuất hiện hình ảnh một chú cá voi khổng lồ, dài 10m chết trên bờ biển Sulawesi của Indonesia với hơn 6kg rác thải trong bụng. Có thể thấy, vấn nạn rác thải nhựa trong biển đang là thách thức lớn với quốc gia vạn đảo này.

Trên thực tế, rác thải nhựa có thể phải mất hàng chục tới hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Nguy hiểm hơn khi rác thải nhựa sẽ phân rã thành các mảnh vi nhựa là mối đe dọa tiềm tàng cho hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Một nghiên cứu của Trường Đại học Georgia, Mỹ đã chỉ ra rằng có khoảng 28% số cá đang tiêu thụ tại Indonesia có chứa hạt vi nhựa.

Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti báo động: “Nếu chúng ta tiếp tục xả rác ra biển thì tới năm 2030, nhựa sẽ nhiều hơn cá. Hơn nữa chúng ta cũng cam kết với thế giới sẽ giảm 70% số rác nhựa vào năm 2025. Tôi đề nghị chúng ta hạn chế sử dụng nhựa trong cuộc sống hàng ngày một cách tối đa. Chính phủ kết hợp chính quyền địa phương kêu gọi thay vì sản xuất nhựa 1 lần, hãy sản xuất nhựa có thể tái chế hoặc sử dụng các sản phẩm giấy sẽ tốt hơn rất nhiều”.

Để đạt được mục tiêu này, năm 2019 Indonesia đã quyết định chi 10.000 tỉ Rupiah (hơn 700 triệu USD) cho các địa phương có thành tích và nghiêm túc trong việc quản lý và xử lý rác thành năng lượng điện dựa trên công nghệ xanh. Hiện nay, tại Indonesia có 12 thành phố đã thành công trong việc xây dựng nhà máy điện năng lượng rác thải. Dự kiến, các nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay và đặt mục tiêu có thể sản xuất ít nhất 234 megawatt (MW) điện từ khoảng 16 nghìn tấn rác thải mỗi ngày trong giai đoạn 2019-2022.

Năm ngoái, Việt Nam đã tạm ngưng cấp mới giấy phép nhập khẩu rác thải, trong khi Thái Lan đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa. Vào tháng trước, Philippines đã trả lại 69 container rác cho Canada sau căng thẳng ngoại giao kéo dài giữa hai nước liên quan đến rác thải. Gần đây nhất, Malaysia cũng tuyên bố sẽ trả lại hàng trăm tấn rác thải về lại nơi chúng đến.

Làn sóng trả lại rác thải nhập khẩu dấy lên sau khi Trung Quốc đóng cửa không nhận rác khiến cho các nước phương Tây vốn thiếu năng lực tái chế rác thải đổ xô vào thị trường mới ở khu vực Đông Nam Á.

Giới phân tích nhận định, việc trả lại rác thải đáng lẽ được các quốc gia Đông Nam Á tiến hành nhiều năm trước đây vì mức độ ô nhiễm và tác hại của nó. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển vì nhiều lý do khác nhau lại nhập rác thải làm cho sự ô nhiễm gia tăng theo thời gian. Đã đến lúc, các quốc gia này cần nói không với việc nhập rác thải mặc dù đã muộn nhưng vẫn còn có thể cứu vãn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>