Trừng phạt Iran, Mỹ sẽ phải đối đầu với nhiều quốc gia

10/08/2018 | 08:02 GMT+7

Ngay sau khi áp đặt một loạt đòn trừng phạt nhằm vào Iran vào ngày 7-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đi nước cờ “độc” đối với Tehran.

Mỹ vẫn đang kiên định với chiến lược gây càng nhiều sức ép về kinh tế và ngoại giao với Iran càng tốt. Nguồn: DAILYSTAR

Vài giờ sau khi các lệnh trừng phạt Iran có hiệu lực, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo những nước còn giao thương với Tehran. Trong dòng trạng thái đăng tải trên trang mạng cá nhân Twitter, Tổng thống Donald Trump viết: “Các lệnh trừng phạt chống Iran đã chính thức có hiệu lực. Đây là các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất và tháng 11-2018 sẽ được nâng lên một cấp độ mới. Bất kỳ ai giao dịch thương mại với Iran cũng đồng nghĩa với việc sẽ không làm ăn với nước Mỹ”.

Tuyên bố của ông Trump vô hình trung đã chặn đứng giao dịch kinh tế của Iran với các nước, đồng thời như gáo nước lạnh đổ vào các quốc gia liên quan. Nước cờ “độc” này đã làm khó không chỉ đối với Tehran mà còn gây bất bình với nhiều quốc gia.

Thực chất của tuyên bố trên nhằm vào Nga và các nước châu Âu muốn bảo vệ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) đã ký vào năm 2015 còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Những biện pháp của Mỹ đã không khỏi khiến nhiều nước tức giận, trong đó có Nga. Matxcơva khẳng định sẽ làm mọi việc cần thiết nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân và rằng cộng đồng quốc tế sẽ không để bị buộc phải chấp nhận hy sinh các thành quả ngoại giao đa phương vì những tham vọng của Mỹ.

Những nước châu Âu từng tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân cũng đồng thuận với Nga và khẳng định quyết tâm cứu vãn văn kiện và bảo vệ các hoạt động kinh tế hợp pháp với Iran. Như một minh chứng, mới đây Liên minh châu Âu (EU) đã kích hoạt một điều luật theo hướng này.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini cho biết: “Thỏa thuận hạt nhân gồm 2 phần: Iran từ bỏ chương trình hạt nhân và cộng đồng quốc tế khôi phục các quan hệ thương mại và kinh tế với Iran. Điều thứ 2 này cần phải được duy trì nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu thứ nhất và hơn hết muốn Iran thực hiện đầy đủ các cam kết của mình”.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của JCPOA như một trong những thành tựu ngoại giao then chốt trong những năm gần đây. Đồng thời khẳng định, LHQ sẽ tiếp tục ủng hộ việc thực thi thỏa thuận hạt nhân trên.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson nhấn mạnh JCPOA là thỏa thuận “khả thi nhất” và “có thể đạt được” để xóa tan những quan ngại của phương Tây về Iran. Anh thực sự khuyến khích Mỹ bắt đầu đối thoại với các đối tác và Iran để có thể tìm kiếm lộ trình tiếp theo.

Về phía Iran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chỉ trích Mỹ đang phát động “một cuộc chiến tranh tâm lý”, đồng thời bác bỏ mọi cuộc đàm phán về một thỏa thuận mới theo yêu cầu của nước này. Ông Rouhani đã cáo buộc Mỹ đang tìm cách chia rẽ người dân Iran. Ông đồng thời cho rằng, sẽ là “điên rồ” nếu chấp nhận đàm phán với Mỹ dưới sức ép của các lệnh trừng phạt mà theo ông là đang nhằm vào “các trẻ em Iran, những người bệnh và toàn dân tộc Iran”.

Theo chuyên gia Ali Vaez, thuộc Nhóm khủng hoảng quốc tế, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và khôi phục các lệnh trừng phạt chống Iran là một trong những sai lầm lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ cuộc chiến tranh tại Iraq.

Mặt khác, việc cấm đoán các quốc gia liên quan duy trì JCPOA và giao thương với Iran đã làm mất lòng với nhiều nước. Điều này sẽ gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Nga và EU. Nếu tình huống này xảy ra chắc chắn các nước sẽ trả đũa và như vậy bất lợi lớn nhất vẫn thuộc về Washington.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>