Phận đời mưu sinh theo rác

20/03/2018 | 09:52 GMT+7

Chuyện mưu sinh ở bãi rác đã nói đến không ít lần, nhưng vì sao nhiều người phải bám bãi rác để sống?, “dân cư” ở bãi rác Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, lâu lâu lại có “thành viên” mới và mỗi người là một câu chuyện kiếm sống riêng...

Mỗi ngày chị Liên đều đi nhặt bọc ni lông, chai nhựa, giấy vụn... ở bãi rác..

Mới hơn 5 giờ sáng, vợ chồng anh Lý Hoàng Dũng, ở trọ tại xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, đã đến bãi rác để nhặt từng bọc ni lông, chai nhựa, lon sữa bò, dây đồng, dây kẽm, giấy vụn… Tuy đó là những thứ mà mọi người bỏ đi, nhưng với vợ chồng anh lại là những “chiến lợi phẩm” có thể giúp gia đình lo miếng cơm manh áo hàng ngày. “Làm công việc này, suốt ngày mình mẩy toàn mùi hôi, về nhà dù tắm rửa sạch sẽ nhưng vẫn cảm thấy còn mùi của rác”, chị Huỳnh Thị Kim Liên, vợ anh Dũng nói với chúng tôi. Vợ chồng anh Dũng làm công việc nhặt rác ở bãi rác Tân Tiến tuy mới được 5 năm, nhưng anh chị có đến gần 10 “kinh nghiệm” trong nghề. Anh Dũng chia sẻ: “Vợ chồng tôi quê ở xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy. Trước đó, chúng tôi nhặt phế liệu ở bãi rác Tân Long. Sau khi bãi rác này đóng cửa, vợ chồng tôi đi Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân. Tuy đồng lương cũng đỡ, song chi phí đắt đỏ, rồi con cái ở quê nhà. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định đến nơi này để mưu sinh”.

Vợ chồng anh Dũng có 3 người con, bé lớn 13 tuổi, bé nhỏ nhất mới 2 tuổi đầu. Không kể mưa nắng, dù mệt mỏi vợ chồng anh vẫn có mặt đều đặn hàng ngày tại bãi rác từ 5 giờ sáng đến tận chiều tối, bình quân mỗi ngày cũng kiếm trên 200.000 đồng. Những ngày nhức mỏi, anh chị cũng mua thuốc uống rồi tiếp tục đi làm, bởi nếu nghỉ thì ngày đó tiền đâu mua gạo nấu cơm, rồi còn chi phí học hành và tiền sữa cho đứa con nhỏ. Vừa phân loại phế liệu, chị Liên cho biết: “Dẫu công việc hôi hám, vất vả, nhưng chưa bao giờ vợ chồng tôi có suy nghĩ sẽ từ bỏ công việc này, chỉ mong nhặt được nhiều phế liệu, kiếm tiền về nuôi con”.

Một ngày mưu sinh của vợ chồng anh Dũng cũng như những người khác bắt đầu từ lúc sáng sớm cho đến tận chiều tối. Hàng ngày họ phải đối diện với hàng tấn rác thải bốc mùi nồng nặc. Song càng nhiều rác, cơ hội kiếm tiền của họ càng nhiều. Nhanh tay lượm bọc ni lông cho vào bao, nhìn chúng tôi, bà Ngô Thu, ở ấp Mỹ Hiệp 2, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cười nói: “Cô mới vô thấy hôi lắm phải không, chúng tôi làm riết rồi quen. Bình quân mỗi ngày tôi cũng kiếm được 100.000 đồng. Cái hay của nghề này là không lo “thất nghiệp””. Đã hơn 5 năm nay, ngày nào bà Thu cũng vào đây nhặt rác. Trước khi làm công việc này, bà bán rau cải, nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, bởi buôn bán ế ẩm. Cuộc sống túng thiếu, trong khi con gái còn nhỏ, nên chẳng thể đi làm công ty ở xa. Vì vậy, bà quyết định đi nhặt phế liệu để lo cơm áo hàng ngày. Theo bà Thu, khi đào bới nhặt phế liệu, nếu chẳng may tay chân bị trầy xước là chuyện thường, bởi trong bãi rác ấy đâu chỉ có rác mà còn có cả mảnh chai, xác động vật, kim tiêm… Trong khi đó, mọi người chỉ trang bị dụng cụ sơ sài như bao tay mỏng, giày ống. Khi được hỏi, cũng chẳng ai quan tâm đến chuyện khám sức khỏe, bệnh chút chút là đi cộng thuốc ngoài tiệm uống hoặc mua vài viên nhức đầu, chóng mặt cho xong.

Trò chuyện với chúng tôi ít câu, nghe thấy tiếng xe rác mới cập bãi, bà Thu cùng một số người vội vã chạy thật nhanh tới điểm xe rác đổ. Trong ánh mắt mọi người lúc ấy toát lên sự hy vọng, vui mừng, mong mỏi là sẽ nhặt được nhiều phế liệu, hoặc chí ít cũng tìm được đôi thứ còn dùng được từ số rác ấy.

Chia tay những người mưu sinh ở bãi rác xã Tân Tiến, chúng tôi thầm tự hỏi không biết nếu như không có bãi rác như thế này thì cuộc sống của những hoàn cảnh khó khăn ấy sẽ dựa vào đâu khi trong tay không nghề nghiệp, không ruộng nương… Chuyện không còn lạ, nhưng mỗi lần nhắc đến, lại thấy mủi lòng.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>