Quan tâm đầu tư hạ tầng cấp nước sạch nông thôn

14/10/2016 | 07:55 GMT+7

Thời gian qua, hàng loạt công trình cung cấp nước sạch tập trung đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện, từ đó góp phần từng bước giải bài toán về nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.

Trạm cấp nước tập trung xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện các bể chứa.

Theo Nghị quyết năm 2016 của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn (NS&VSMTNT), trung tâm sẽ tiếp tục tích cực tuyên truyền vận động người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, góp phần nâng tỷ lệ từ 1-2%/năm. Đến cuối năm 2016 đạt 94,2% người dân nông thôn trên toàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh, 55% người dân nông thôn trên toàn tỉnh được sử dụng nước sạch theo QCVN:02/2009/BYT của Bộ Y tế. Phấn đấu cuối năm 2016, lắp đặt tăng thêm 3.000 bộ đồng hồ nước trong hộ dân.

Để làm được điều này, trung tâm đã tranh thủ sự quan tâm đầu tư từ Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hỗ trợ từ Dự án cấp nước sạch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, trong năm 2016 này, Trung tâm NS&VSMTNT Hậu Giang tiếp tục triển khai thi công 2 trạm cấp nước tập trung ở xã Đông Thạnh (huyện Châu Thành), Thạnh Hòa (huyện Phụng Hiệp); đồng thời đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp Trạm cấp nước tập trung Trà Lồng (thị xã Long Mỹ). Song song đó, hoàn thành các thủ tục, xây dựng thiết kế bản vẽ thi công dự toán 3 trạm cấp nước tập trung tại xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy), xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A), xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp).

Đến nay, Trạm cấp nước tập trung xã Thạnh Hòa đang được đơn vị thi công triển khai xây dựng hoàn thiện các bể chứa. Theo thiết kế, trạm có công suất 30m3/h với hệ thống đường ống dài 19,5km dẫn nước và cung cấp nước sạch cho khoảng 1.200 hộ dân. Chị My, ở ấp 3, xã Thạnh Hòa, tâm sự: “Hiện bà con ở đây đa phần sử dụng nước từ trạm cấp nước mini, nước giếng khoan và cả nước sông. Riêng gia đình tôi đang xài nước giếng khoan do ở xa trạm cấp nước mini và nước sông bị ô nhiễm. Có nước thì xài, chứ nước giếng cũng bị phèn nhiều lắm. Vì thế, chúng tôi mong trạm cấp nước của xã sớm hoàn thành. Nếu chất lượng đầu ra đảm bảo, chúng tôi sẽ chuyển sang sử dụng nước của trạm này nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho người thân trong gia đình”.

Theo chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ tiến hành xây dựng mới các hệ thống cấp nước tập trung quy mô lớn ở nông thôn, có công nghệ xử lý nước đạt quy chuẩn quốc gia; tất cả các công trình cấp nước tập trung phải có hệ thống lọc nước đảm bảo tiêu chuẩn; mở rộng, nâng cấp và nối mạng cấp nước cho các xã thuộc khu vực đã có công trình cấp nước được xây dựng trong giai đoạn trước; loại bỏ dần loại hình giếng khoan nhỏ để bảo vệ chất lượng nguồn nước ngầm.

Ông Nguyễn Văn Lòng, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh, cho rằng: Để thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2020 là đầu tư xây dựng 60 trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác các công trình. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn khó khăn nên ngoài việc đầu tư một số trạm bằng nguồn vốn ngân sách thì cần đa dạng hóa các loại hình đầu tư, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích sự tham gia của nhân dân và các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp vào việc phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức nhân dân trong việc sử dụng nước sạch.

Mặt khác, không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, lựa chọn công nghệ và xây dựng trạm cung cấp phù hợp với từng địa phương, đảm bảo chất lượng nước, tăng tính bền vững cho công trình theo hướng đơn giản trong quản lý, vận hành, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và tiết kiệm đầu tư. Ngoài ra, rất cần sự quan tâm đầu tư của Trung ương trong việc tiếp tục thực hiện hoàn thiện các mục tiêu chiến lược quốc gia đến năm 2020 trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng gây hiện tượng xâm nhập mặn ở cửa sông, góp phần giải quyết nước sạch cho người dân và nâng cao năng lực quản lý cấp nước nông thôn bền vững.

Hiện toàn tỉnh có 29 trạm cấp nước sạch tập trung ở nông thôn được đầu tư hoàn thiện và giao cho Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh quản lý, khai thác. Hầu hết các trạm hoạt động đã phát huy tốt vai trò cấp nước cho nhân dân, nhất là các hộ dân ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả điều tra năm 2015, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93,16%, trong đó số dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế đạt gần 54%.

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%. Để đạt mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư 60 trạm cấp nước tập trung có công suất 10-50m3/h, nâng cấp mở rộng, cải tạo đường ống 104 trạm, đầu tư bộ lọc, lu chứa 2.296 cái. Đến năm 2020, sẽ có 75% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% số hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp quy cách, xử lý được chất thải.

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>