HẬU GIANG: PHÁT HUY NỘI LỰC, TẬN DỤNG THỜI CƠ, XÂY DỰNG KHÁT VỌNG ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NHANH VÀ BỀN VỮNG

28/09/2023 | 15:12 GMT+7

Tóm tắt: Hậu Giang đang phát huy độ xuân thì của tuổi đôi mươi cho động lực phấn đấu vươn lên bằng khát vọng từ đôi tay và khối óc, bằng ý chí tự lực, tự cường. Phương pháp mới nhất chính là thay đổi cách nghĩ, dám làm, dám đột phá. Cơ sở lý luận là định hướng, dẫn dắt đúng đắn của Đảng và quản lý chặt chẽ của chính quyền các cấp. Cơ sở thực tiễn là thành quả của từng bước đi vững trãi, tinh thần quyết tâm, tự tin, chủ động, tích cực của toàn thể Đảng bộ và Nhân dân đã xây dựng một Hậu Giang với những quả ngọt và “quả” mới nhất chính là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 tăng 14,21%, cao nhất cả nước. Để duy trì thành quả này đảm bảo tăng trưởng ổn định, phát huy tối đa những ưu thế của tuổi 20 với nhiều khát vọng lớn Hậu Giang xác định nhiều động lực từ nguồn lực nội sinh.

 

Từ khóa: nguồn lực nội sinh; tự lực, tự cường, Hậu Giang.

 

Hậu Giang “xưa” và “nay” – bứt phá lớn trong phát triển kinh tế

 

Gần 20 năm thành lập, Hậu Giang mất 10 năm củng cố, ổn định để đảm bảo cuộc sống ấm no cho gần gần 35.000 hộ gia đình chính sách, 24.500 hộ nghèo, xây dựng 263/317 trường từ mầm non đến Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trạm y tế đạt chuẩn nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho hơn 730.000 dân. 10 năm tiếp theo, nhất là 5 năm gần đây, Hậu Giang ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển; Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng tỷ trọng khu vực II, từ 16% GRDP năm 2010 lên 27% năm 2020, đây là mức tăng rất cao; Thu ngân sách tăng trưởng khá tốt 16%/năm trong giai đoạn 5 năm qua; Tốc độ tăng trưởng của Hậu Giang tương đối nhanh (đứng thứ 5 toàn vùng) với mức tăng trung bình 5,85%/năm giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, GRDP của Hậu Giang là 4,53%, cao thứ hai toàn vùng, trong khi vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ tăng 2,96%, cả nước 2,91%[1].

 

Tuy nhiên, những cơ sở về “nguồn lực nội sinh” của Hậu Giang còn nhiều nỗi lo, như: Năng suất lao động khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) rất thấp, chỉ bằng 70% khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Không có các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn, có giá trị kinh tế cao; Năng suất lao động khu vực II (công nghiệp và xây dựng) sụt giảm và chưa thu hút được các dự án đầu tư có hiệu quả cao, đóng góp lớn cho ngân sách. Nguồn thu ngân sách địa phương chỉ đáp ứng 70% nhu cầu chi thường xuyên nên nguồn lực đầu tư của tỉnh rất hạn chế; Chưa có sản phẩm du lịch hiệu quả, nông nghiệp công nghệ cao chưa định hình rõ nét; Lượng người di cư của Hậu Giang chiếm tỷ lệ cao trong vùng, chủ yếu là lượng lao động trẻ nên đây là một trở ngại lớn trong việc cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Tất cả những ưu điểm, hạn chế đó, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành nhận định: “nút thắt” lớn nhất và cũng là quan trọng nhất hiện nay chính là chất lượng nguồn nhân lực và quyết tâm chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đủ cho một khát vọng lớn.

 

Đây cũng là điểm nghẽn được Đảng bộ tỉnh nhìn nhận và đang có những giải pháp đột phá để tạo động lực phát huy nguồn lực nội sinh cho sự phát triển chung đi từ phát triển kinh tế.

 

Là một tỉnh thuần nông có điểm xuất phát thấp, đi lên từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh tế nhỏ lẻ với quy mô không tập trung. Cơ sở kết cấu hạ tầng thấp kém, nguồn nhân lực chất lượng cao không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu. Hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy hành chính của tỉnh lúc bấy giờ cũng chưa hoàn thiện. Nhiều hoạt động của tỉnh còn phải chịu sự hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Cần Thơ. Nhiều điểm nghẽn về nhân lực, vật lực còn chưa được tháo gỡ, vì thế hơn 10 năm trước Hậu Giang là tỉnh nghèo của đồng bằng sông Cửu Long.

 

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng: xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần và là động lực để phát triển kinh tế xã hội, tỉnh đã nhận thức về tư duy đổi mới chiến lược, tập trung phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo dựa trên nền tảng sẵn có cùng nội lực đi lên. Đến nay, Hậu Giang đã trở mình để cất cánh bay cao, vươn xa. Hậu Giang - Một bức tranh mới được vẽ sinh động, sắc nét, khoác trên mình chiếc áo mới như chào đón mùa xuân về! 

 

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Hậu Giang đạt 14,21%, dẫn đầu khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long và đứng đầu cả nước; trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 34,97%; khu vực dịch vụ đạt 7,73%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,19%. Một số chỉ số kinh tế Hậu Giang tăng trưởng nổi bật như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,91%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,06%; doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi tăng 12,45%, xuất nhập khẩu hàng hoá trực tiếp tăng 6,44%[2]. Cùng với chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao...tạo được niềm tin và phấn khởi trong Nhân dân.

 

Hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương đã được hoàn thiện. Pháp luật, pháp chế được thực hiện kỷ cương, an ninh chính trị được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được thực hiện tốt, trong sạch vững mạnh. An sinh xã hội được bảo đảm.

 

Nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng được tăng lên. Toàn tỉnh có 582 thạc sĩ, 11 tiến sĩ, 60 chuyên khoa II; 305 chuyên khoa I; 13.205 đại học ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau đảm bảo xây dựng đảng hệ thống chính trị vững mạnh[3]. Vật lực, tuy có khó khăn nhưng toàn Đảng, toàn dân Hậu Giang đã phát huy nội lực vốn có như tinh thần đoàn kết toàn dân, truyền thống văn hóa con người Hậu Giang, nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, về lịch sử dân tộc mà đặc biệt là đức tính chịu thương, chịu khó, dám vượt qua khó khăn thử thách để đi lên.

 

8 huyện thị thành của tỉnh có đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, đường cao tốc được đầu tư chất lượng cao thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật được đầu tư, các công trình lớn được xây dựng theo hướng phát triển đô thị. Với quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang là: “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm”[4]. “Một tâm” là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn. “Hai tuyến” là tập trung khai thác phát triển theo 02 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.“Ba thành” là ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. “Bốn trụ” là phát triển 04 trụ cột gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. “Năm trọng tâm” là hoàn thiện thể chế, chích sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về quyền được hưởng thụ thành quả kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

Từ Nghị quyết chuyên đề, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chú trọng đến việc: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, gắn với Chính phủ điện tử, chính quyền số, nhằm tăng chỉ số cạnh tranh IPCI cấp tỉnh.

 

 Cả hệ thống chính trị và Nhân dân Hậu Giang có thêm niềm tin, động lực để cùng nhau hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Hậu Giang đang đón làn gió mới với khí thế hùng hồn, vui tươi đầy sinh lực.

 

Hiện nay, Hậu Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, đó là:

 

Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà là 3 yếu tố tạo nên thế mạnh, tiềm năng phát triển của Hậu Giang trong tương lai. Thiên thời: của vùng đất Chín Rồng được thể hiện rõ nét.Địa lợi: Đó là, vị trí địa lý thuận lợi, những dự án cao tốc sắp được thành hình, dư địa đất đai lớn, cùng hệ thống giáo dục ngày càng nâng chất. Nhân hòa: Chính là tinh thần đoàn kết tạo sức mạnh tổng hợp trong toàn thể nhân dân, thể hiện con người Hậu Giang “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”[5].

 

Nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cùng với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng. Nhiều cơ chế chính sách thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời là một địa phương đang được hưởng cơ chế ưu đãi cao nhất.

Những yếu tố mà Hậu Giang có được là sức mạnh “nội sinh” của tỉnh sẽ tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, sớm hiện thực hoá tối đa các dự án cam kết đầu tư khi đến với Hậu Giang.

 

( Kênh Xà No – thành phố  Vị Thanh – tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Trung Quân)

 

Để Hậu Giang tiếp tục phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng góp phần xây thực hiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững cần chú trọng một số nội dung sau đây:

 

 Cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

 

Trước nhu cầu hội nhập quốc tế và tiến độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cán bộ trẻ qua các nhiệm kỳ đã có sự trưởng thành về nhận thức, phát huy khả năng liên hệ giữa lý luận và thực tiễn, làm tốt hơn nhiệm vụ tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp để thực thi nhiệm vụ một cách có hiệu quả, thể hiện tinh thần làm hết việc chứ không hết giờ. Tuy nhiên, hiện còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cấp trình độ, năng lực chưa ngang tầm với nhiệm vụ; đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ giỏi để dẫn dắt các ngành trọng điểm của tỉnh thì còn thiếu, chính sách thu hút nhân tài của tỉnh tuy có nhưng hiệu quả chưa cao.

 

Để đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngày 01 tháng 6 năm 2022, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực công có đủ phẩm chất, năng lực, thi hành công vụ cũng như xây dựng nguồn nhân lực có tay nghề cao, chuyên môn sâu trong khu vực tư thích ứng với nhu cầu lao động của thị trường và xã hội. Phát biểu tại Kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đã nêu ra điểm nghẽn lớn nhất về chất lượng nguồn nhân lực cần kiên quyết, kiên trì tháo gỡ. Cụ thể, Nghị quyết đề ra nhiều chỉ tiêu về phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025. Cụ thể, có 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, được bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo quy định; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định. Trình độ sau đại học đạt tỷ lệ: 8% cán bộ, công chức, viên chức các cấp; 25% cán bộ chủ chốt các cấp, phấn đấu đến năm 2030, trình độ sau đại học tăng thêm 5% [6].

 

Thực tế cho thấy, cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương đã cụ thể, rõ ràng. Việc quan trọng là các cơ quan, ban, ngành bằng nội lực của chính mình để xây dựng lộ trình, đề án sắp xếp theo vị trí việc làm, tinh giản biên chế, và cần tập trung giải quyết 3 khâu quan trọng: đào tạo, sử dụng và phát huy sở trường, năng lực của từng người; Từng bước tiếp cận xu thế mới để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực ở khu vực I, sang khu vực II và khu vực III; Đảm bảo và tạo sự cân bằng giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cho khu vực công. Khuyến khích cán bộ, đảng viên nâng cao năng lực nổi bật và tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung[7]. Do đó, điểm gấp rút quan trọng là chăm lo đến nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, tìm kiếm tài năng, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên 4.0...

 

Cần tháo gỡ điển nghẽn về cơ sở hạ tầng và phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có theo mô hình 4S: “Sông - Sạch - Số - Sáng làm trụ cột phát triển kinh tế

 

 Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Tỉnh cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, sông nước của mình; phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, không trông chờ, ỷ lại. Phát huy nội lực dựa trên ba trụ cột chính đó là Con người - Thiên nhiên - Văn hóa, lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng. Xác định truyền thống đoàn kết, văn hóa, lịch sử, cách mạng là một nguồn lực, động lực, xung lực và cảm hứng phát triển.

 

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, nhận thức về sự tăng trưởng kinh tế, tỉnh Hậu Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế về nội lực, ngoại sinh. Đặc biệt là địa danh Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa. Con người Hậu Giang hiền hòa, nhân hậu, văn hóa văn minh , kết hợp phát triển kinh tế sông và du lịch sinh thái cộng đồng xanh – sạch – đẹp, an ninh chính trị an toàn xã hội ổn định. 

 

Với lợi thế địa hình sông nước Cửu Long, nhưng Hậu Giang lại đang gặp khó về cơ sở hạ tầng - đây là yếu tố đặc thù của tỉnh cần được tháo gỡ. Vì vậy, Hậu Giang cần tận dụng thời cơ, biến không thành có, biến khó thành dễ tiếp tục xây dựng Hậu Giang trở thành một thành phố đáng sống. Bằng những tiềm năng, lợi thế Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa, Hậu Giang cần phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có:

 

Sông: Tỉnh nằm ở hạ lưu sông Hậu, giữa một mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như: sông Hậu, sông Cần Thơ, sông Cái Tư, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Xà No, sông Cái Sắn, Sông Nước Đục, Sông Nước Trong, Kênh Sóc Trăng.. Đây là những con sông lớn chảy qua tuyến đường lớn chạy qua tỉnh là quốc lộ 1A, quốc lộ 61, quốc lộ 61B và qua huyện, lỵ của địa phương rất thuận lợi thành lập các bến cảng lớn để chuyển hàng hóa, khai thác du lịch sông, phát triển kinh tế sông   một cách có hiệu quả. Khai thác kinh tế sông phải gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Cần nhấn mạnh hai cơ hội vượt trội của Hậu Giang là phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và đường thuỷ tạo điểm nhấn quan trọng để phát triển kinh tế sông của tỉnh Hậu Giang.

 

Sạch: Sạch: trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên - cán bộ, đảng viên phải trong sạch thì đảng mới vững mạnh. Sạch: trong hoạt động văn hóa tư tưởng, an toàn trong tiếp cận thông tin để tránh những thông tin xấu, bẩn, độc hại ảnh hưởng đến Nhân dân. Sạch: trong sản xuất kinh tế nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm nông sản sạch xuất khẩu mang lại kinh tế cao vừa là tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sạch về môi trường: thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; xử lý tốt chất thải ra môi trường, bảo đảm môi trường sốngsức khỏe cho nhân dân. Nếu sông xanh gắn với môi trường sạch sẽ là điều kiện thuận lợi cho du lịch sinh thái phát triển mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp không khói ở Hậu Giang hiện nay. 

 

Số: Thực hiện chuyển đổi số, chính quyền số, số hóa, ở các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số, để thu hút doanh nghiệp, phục vụ người dân,  tăng năng suất lao động và phục vụ cho công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành nhanh chóng và chính xác. Cần tiếp tục chuyển đổi số trong khởi nghiệp sáng tạo, quản lý vận hành tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương nhằm tạo ra những cơ hội giúp loại hình kinh tế cá nhân, kinh tế tập thể, các loại hình Hợp tác xã phát triển bền vững…

 

Vấn đề đặt ra là: tập trung cho đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung theo đúng vị trí việc làm và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, phải thay đổi tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản trị. Thay đổi thái độ phục vụ và phải xem khách hành các doanh nghiệp là “thượng đế”. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

 

Sáng: không chỉ là có nghĩa là Điện sáng mà “sáng” còn có nghĩa là Hậu Giang sẽ là “điểm sáng” của vùng đồng bằng và của cả nước ở tất cả các lĩnh vực, kinh tế - văn hóa – xã hội; là nơi hội tụ những tinh hoa của thời đại đến với tỉnh Hậu Giang; Để là điểm sáng, tỉnh cần đầu tư cơ sở kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm” từ nông thôn đến đô thị, hướng tới hình thành xây dựng tuyến phố đêm, tuyến phố đi bộ ở đô thị để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh du lịch, dịch vụ, thúc đẩy hoạt động kinh tế ngày càng phát triển góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

 

 Cần thay đổi tư duy cho người dân về chuyển phát triển du lịch sinh thái cộng đồng dựa trên nội lực địa phương

 

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra quan điểm mục tiêu về phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”[8] là tư duy mới về quản lý và phát triển “tam nông”. Tuy nhiên, để có thể thay đổi tư duy về nhận thức, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp phải tuyên truyền, vận động Nhân dân, trước hết phải giải phóng khỏi những tư duy từ “tam nông” truyền thống sang tư duy phát triển văn minh, hiện đại, để Nhân dân từng bước tiếp cận với nền kinh tế thị trường, đầy đủ, hội nhập quốc tế; tiếp cận dần dần với các dịch vụ công cộng cơ bản, hiện đại và khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong nền kinh tế thị trường. Với nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước Nam bộ Hậu Giang đã và sẽ là điểm dừng chân thú vị của du khách gần xa trong chương trình du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Tận dụng những lợi thế sẵn có, du lịch Hậu Giang sẽ có bước khởi sắc góp phần nhất định vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đang mở ra triển vọng phát triển mới, dẫn dắt ngành du lịch sinh thái cộng đồng phát triển thành ngành công nghiệp mũi nhọn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại chỗ vừa mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh.

 

Tuy nhiên, nếu địa phương chỉ chú trọng đầu tư phát triển văn hóa mà không tập trung đến việc phát triển kinh tế thì và ngược lại, nếu chúng ta chỉ tập trung quan tâm đến phát triển kinh tế mà không lo đến duy trì, bảo vệ xây dựng nền văn hóa của địa phương thì kinh tế - xã hội sẽ không thể phát triển bền vững. Do đó, cấp ủy, lãnh đạo phải thực sự thấu hiểu và thấu cảm, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, lấy Nhân dân là chủ thể để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Kết hợp các chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi sinh kế, phân bổ hài hòa lợi ích thu được từ nguồn lực sẵn có. Phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết nông thôn dựa trên mẫu số chung là cùng chung tay xây dựng tỉnh Hậu Giang thực hiện khát vọng là tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đó là hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao đời sống nông dân khá giả, văn minh; phát triển nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Kịp thời, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ gốc những nhân tố tiềm ẩn có nguy cơ gây mất ổn định ở nông thôn dựa trên vai trò cộng đồng kết hợp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân theo tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[9].

 

Những vấn đề cần giải quyết những “nút thắt” của tỉnh giúp huy động tối đa nguồn lực nội sinh góp nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết vấn đề này tỉnh sẽ tiếp tục có biện pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tài chính...đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức để thực hiện khát vọng tự lực, tự cường xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững.

 

Năm 2023 là năm bản lề của nhiệm kỳ, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt qua các khó khăn thách thức, tận dụng cơ hội, tiềm năng mới xuất hiện, với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng, trên cơ sở nghị quyết Đảng bộ tỉnh và Nhân dân, Hậu Giang hiện nay đang được nhiều nhà họa sĩ xây dựng nhiều ý tưởng để vẽ nên bức tranh đẹp, kết hợp nhiều màu sắc mới, hứa hẹn nhiều tương lai rạng rỡ. Trong bức tranh đó sẽ thấy thấp thoáng đất và người Hậu Giang sum vầy nở những nụ cười hạnh phúc. Với cái Tâm và cái Tầm của toàn thể Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, sự đoàn kết, chia sẻ, và khát vọng lớn sẽ tạo đà cho Hậu Giang vươn mình cất cánh bay cao hơn, như chú rồng vàng nhỏ của bồng bằng sông Cửu Long được hóa mình trên mảnh đất chín rồng trong tương lai./.

 

TUYẾT LOAN –  MỸ LỆ

 

* Bài viết được đăng phục vụ dự thi Giải Báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ II-năm 2023. Tòa soạn không tham gia biên tập, tôn trọng tuyệt đối chính kiến, nội dung, hình ảnh bài viết đã được cơ quan chủ quản thống nhất thông qua.

 

Tài liệu tham khảo

 [1], [2] Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang – Số 830/TCTK-TKQG ngày 29 tháng 5 năm 2023 về việc thông báo số liệu GRDP ước tính quý II, 6 tháng đầu năm 2023;

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Chương trình số 50-CTr/TU ngày 09-8-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025;

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 – 2025, tháng 10 năm 2020, tr.50;

[3], [6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 05 -NQ/TU ngày 01-6-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030;

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.187;

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn toàn quốc lần thứ XIII,  Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.124;

 [9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.27.

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>