Thi tốt nghiệp từ năm 2025 đúng mục tiêu học gì thi nấy

15/11/2023 | 10:00 GMT+7

Việc tổ chức phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 đảm bảo đơn giản, khoa học, đúng mục tiêu học gì thi nấy.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Hội đồng) - tại phiên họp Hội đồng, diễn ra ngày 14-11 tại trụ sở Chính phủ.

Ảnh minh họa Báo Hậu Giang online.

Đổi mới giáo dục phải kiên định với mục tiêu

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng, đại diện một số địa phương đã nêu một số vấn đề liên quan đến công tác phân luồng giáo dục nghề nghiệp ở bậc học phổ thông; lộ trình triển khai chương trình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực của nền kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học; tổ chức các kỳ thi…

Đáng chú ý, các thành viên Hội đồng nhấn mạnh cần có kế hoạch hoạt động rõ ràng, cụ thể đối với những vấn đề đa ngành, đa lĩnh vực, liên địa phương trong giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan thường trực của Hội đồng - cần đề xuất danh mục các vấn đề thực tiễn cấp bách cần giải quyết, từ đó đưa ra phương án cụ thể như tổ chức họp chuyên sâu, chuyên đề, phân công nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, đảm bảo điều kiện tổ chức thực hiện.

Đối với vấn đề này, Phó thủ tướng lưu ý đổi mới giáo dục là vấn đề rất lớn, phức tạp, phải xuất phát từ cơ sở khoa học, trong đó có những mục tiêu phải 5-10 năm mới đạt được.

Vì vậy, quá trình đổi mới phải có sự thống nhất, kiên định với mục tiêu đặt ra; bảo đảm tính ổn định, đồng thuận về quan điểm, tư duy; đồng bộ về pháp luật, tổ chức bộ máy; có sự đầu tư mang tính hệ thống, khoa học, phù hợp với điều kiện của đất nước.

Phương án thi tốt nghiệp đảm bảo đơn giản, khoa học, hiệu quả

Tại phiên họp, Hội đồng dành nhiều thời gian để thảo luận về đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các phương án tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (phương án thi tốt nghiệp).

Các đại biểu cho rằng phương án thi tốt nghiệp phải tiếp cận bài bản, xuất phát từ sự đổi mới phương pháp dạy và học; đảm bảo đồng bộ với chương trình sách giáo khoa, đào tạo giáo viên, đánh giá thi cử, quản lý nhà nước về giáo dục… theo hướng tăng cường sự tham gia chủ động của chính quyền địa phương, lấy trường học làm trung tâm, cơ sở, nền tảng.

Việc đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần được phân tích, đánh giá khoa học, lượng hóa được, phù hợp với nội dung, mục tiêu, lộ trình thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo trong từng giai đoạn.

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, mục tiêu số một của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá chất lượng đào tạo bậc phổ thông. Việc đào tạo nghề, cao đẳng, đại học cần định hướng dựa trên năng lực, phẩm chất, mong muốn của học viên, sinh viên, không chạy theo bằng cấp, thành tích.

Do đó, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 phải theo đúng tinh thần của nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, "theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".

Phải có ngân hàng đề thi chất lượng

Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung đầu tư cho ngân hàng đề thi chuẩn hóa cho tất cả địa phương, vùng miền, xây dựng tiêu chí đánh giá phù hợp với lộ trình thực hiện và mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng nhấn mạnh việc tổ chức phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 bảo đảm đơn giản, khoa học, đúng mục tiêu, hiệu quả, "học gì thi nấy"; đánh giá chính xác, thực chất năng lực, quá trình học tập của học sinh.

"Mọi phương án thi tốt nghiệp THPT đều phải có ngân hàng đề chất lượng, đảm bảo được chuẩn hóa, quy chế bảo đảm thực hiện thống nhất", Phó thủ tướng lưu ý.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin khoa học, công khai, minh bạch để nhân dân biết được chủ trương, quá trình triển khai, cách thức thực hiện đổi mới thi cử so với mục tiêu đặt ra.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu kỹ tất cả các phương án, đề xuất về phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, bao gồm cả yêu cầu về quản lý nhà nước, điều kiện tổ chức thực hiện như ứng dụng hạ tầng chuyển đổi số, dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, thí điểm đổi mới thêm một bước tổ chức kỳ thi tại một số địa phương.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 toàn diện, có giải pháp cụ thể về ngân hàng đề thi và tổ chức thực hiện, tính đến phương án thí điểm phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương. Đây cũng là nội dung để tuyên truyền, thông tin đến nhân dân, huy động các chuyên gia, nhà khoa học tham gia, tạo sự đồng thuận, bảo đảm nguyện vọng bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Nêu quan điểm, định hướng phát triển nguồn nhân lực xuất phát từ nền tảng của hệ thống giáo dục vận hành thông suốt, đồng bộ từ bậc mầm non đến đại học, sau đại học, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Không tạo gánh nặng, áp lực ở bậc mầm non, trung học cơ sở; tập trung những môn học cần thiết cho định hướng nghề nghiệp ở bậc học phổ thông; gắn giáo dục cao đẳng, đại học với doanh nghiệp, yêu cầu chuyển đổi số, chiến lược phát triển của đất nước trong giai đoạn mới".

Theo TTXVN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>