Vì sự nghiệp “trồng người”

19/11/2020 | 06:03 GMT+7

Những ngày này, các trường trên địa bàn thị xã Long Mỹ sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam và đồng hành cùng sự nghiệp “trồng người” trên địa bàn thị xã, bên cạnh công lao của thầy cô, còn phải ghi nhận công lao của những người ngoài ngành giáo dục.

Thầy Ngô Duy Thức đã có hành trình nỗ lực không mệt mỏi với sự nghiệp “trồng người”.    

Đóng góp không mệt mỏi

Thầy Ngô Duy Thức, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, là một trong những thầy giáo đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn thị xã Long Mỹ.

Vào ngành năm 1999, thầy Thức được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Thuận Hưng 1, đến năm 2010 được luân chuyển về làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Với vai trò là phó hiệu trưởng chuyên môn, thầy đã đưa chất lượng dạy và học của trường từ mức trung bình, dần đứng đầu trong đánh giá chất lượng của thị xã. Thầy Thức tâm sự: “Là trường nằm ở trung tâm thị xã, nên hàng năm số lượng học sinh theo học ở trường khá đông. Vì vậy, để nâng cao chất lượng dạy và học, mỗi đầu năm học nhà trường đều xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết từng môn học, từng phong trào. Trường còn phát động thi đua dạy tốt - học tốt, đặc biệt đẩy mạnh mô hình đỡ cho học sinh nghèo nhằm giúp các em đến trường, không bỏ học giữa chừng”.

Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cùng sự dẫn dắt của thầy Thức và Ban giám hiệu, chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học Lê Văn Tám đã được khẳng định bằng nhiều giải thưởng cao trong các hội thi, phong trào cấp thị xã, cấp tỉnh. Để khuyến khích giáo viên đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, thầy Thức còn phát động giáo viên làm đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin khai thác hình ảnh, tư liệu phục vụ giảng dạy. Với những đóng góp cho công tác giáo dục, thầy Thức có 11 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 1 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 4 lần được nhận bằng khen UBND tỉnh, 1 lần nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, nhân họp mặt kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 này, thầy Thức còn vinh dự nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2020, do Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng.

Bên cạnh những nhà giáo như thầy Thức đã và đang đóng góp không mệt mỏi cho ngành giáo dục và đào tạo thị xã, còn phải ghi nhận những điển hình ngoài ngành nhưng có những hoạt động thiết thực, gắn kết…

Từ mô hình “Tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường”, bà Nguyễn Thị Hồng Tươi  (bìa phải) cùng mọi người đã giúp nhiều em không bỏ học.

Người ngoài ngành tiếp sức cho giáo dục

Điển hình là bà Nguyễn Thị Hồng Tươi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Tường, một trong những cá nhân ngoài ngành giáo dục và đào tạo, được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2020.

Dù không trực tiếp đem tri thức cho học sinh, nhưng thông qua mô hình “Tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường” ra đời năm 2017, bà Tươi đã tiếp sức về vật chất, hỗ trợ tinh thần cho nhiều trẻ em nghèo tại địa phương. Chia sẻ về ý nghĩa mô hình, bà Tươi bộc bạch: “Với chức năng của hội là chăm lo quyền lợi chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, chúng tôi đã thành lập mô hình nhằm giúp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ học giữa chừng. Thông qua mô hình, tôi vận động mạnh thường quân để tặng tập, viết, sách giáo khoa, học bổng, nhu yếu phẩm… cho học sinh nghèo tại các trường trên địa bàn. Ngoài mô hình trên, đầu năm 2020 này, hội còn thực hiện mô hình “Cùng con đến trường”, vận động tặng học bổng, khẩu trang, quần áo đồng phục cho học sinh nghèo…”.

Mỗi năm, mô hình “Tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Tường giúp đỡ kịp thời khoảng 30-40 trẻ em nghèo. Ngoài hỗ trợ vào mỗi dịp khai giảng năm học mới, tổng kết năm học, mô hình còn hỗ trợ đột xuất cho những trường hợp khó khăn. Thông qua mô hình, đã góp phần giảm dần tình trạng học sinh bỏ học vì thiếu điều kiện đến trường.

Ông Võ Thiện Tâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Long Mỹ, cho biết: “Dù là đơn vị còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ nỗ lực chung của đội ngũ nhà giáo đang công tác tại các trường, cũng như sự hỗ trợ từ các cá nhân, đơn vị ngoài ngành, đã góp phần đưa chất lượng giáo dục của thị xã ngày càng được nâng lên. Chúng tôi rất vui mừng, khi năm nay thị xã có nhiều thầy cô được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Mong rằng, đây sẽ là động lực để các thầy giáo, cô giáo có thể phấn đấu, cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa nhằm nâng tầm chất lượng cho giáo dục thị xã”. 

Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2020), Pḥng Giáo dục và Đào tạo thị xã Long Mỹ, sẽ tổ chức họp mặt khoảng 150 nhà giáo là giáo viên, cán bộ quản lý qua các thời kỳ đã và đang công tác tại các trường trên địa bàn. Dịp này, sẽ trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2020 cho 39 cán bộ, giáo viên và 2 cá nhân ngoài ngành giáo dục.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>