Ở một chi bộ đoàn kết

13/11/2017 | 09:42 GMT+7

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người căn dặn: “Từ Trung ương đến chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Thực hiện lời dạy đó, nhiều năm qua, Chi bộ ấp Trường Thắng, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, luôn đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân. Nhờ vậy, nhiều năm liền chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh, đứng nhất, nhì xã trong phong trào thi đua.

Đảng viên Chi bộ ấp Trường Thắng chỉnh trang cảnh quan chuẩn bị ra mắt Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu.

Con đường nông thôn ở ấp Trường Thắng thường ngày sáng, xanh, sạch, đẹp, hôm nay lại đẹp hơn bởi mới đây chi bộ, chính quyền, các đoàn thể ấp hợp sức cắt tỉa hàng rào cây xanh, chỉnh trang, phát quang con đường thêm sáng sủa. 

Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Trường Thắng Lê Văn Đẹp cho hay: “Ấp được xã chọn xây dựng Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu và sẽ ra mắt cùng với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm nay, ấp được chọn làm điểm nên phải chuẩn bị thật chu đáo. Nhờ được sự hỗ trợ tích cực của chi bộ, chính quyền, các ngành, đoàn thể nên Mặt trận cũng đã hoàn thành tốt mọi việc chuẩn bị cho sự kiện này, từ chỉnh trang bộ mặt ấp đến các khâu cho phần lễ, hội. Ở ấp tôi luôn đoàn kết, tương trợ nhau như vậy”.

Còn Bí thư Chi bộ ấp Trường Thắng Nguyễn Văn Hùng cho biết, không riêng gì cao điểm công việc của Mặt trận, mà vào cao điểm của bất kỳ ngành nào, đoàn thể nào của ấp thì toàn thể cán bộ, đảng viên ấp đều có sự tương trợ, giúp đỡ. Nếu xã giao nhiệm vụ cho ban, ngành, đoàn thể nào của ấp thì xem như là nhiệm vụ chung của ấp chứ không phân biệt. Anh Hùng rút ra kinh nghiệm: “Hỗ trợ qua lại như vậy thể hiện tình đồng chí thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, tăng thêm sự gắn  bó đoàn kết với nhau giữa các đảng viên. Đây là truyền thống của chi bộ từ các nhiệm kỳ trước”.

Theo anh Hùng, để chi bộ có được sự đoàn kết như vậy thì người đứng đầu phải là trung tâm đoàn kết, phải biết tập hợp sức mạnh, phát huy năng lực của các đảng viên và đặc biệt là thực hành dân chủ trong chi bộ, trong dân. Mọi việc trong chi bộ đều đem ra bàn bạc. Đôi khi cũng có những việc ý kiến trái chiều nhau thì tìm cách đi đến thống nhất chung.

Năm 2015, ấp Trường Thắng xây cầu Trường Thắng 3 dài 24m ngang 2m, bắc ngang kênh Kinh Tế, kinh phí thực hiện 140 triệu đồng, 100% kinh phí do dân trong ấp đóng góp cùng với ngày công xây dựng. Anh Hà Huy Hà, người dân trong ấp tích cực góp công và tiền trên 20 triệu đồng để xây cầu, cho biết: “Không riêng gì tôi mà nhiều hộ dân khác trong ấp cũng vậy. Ai góp bao nhiêu đều được chi bộ, chính quyền công khai rõ ràng. Tôi rất hài lòng, tin tưởng chi bộ, chính quyền ở đây. Vận động gì tôi cũng góp hết”.

Không chỉ đóng góp xây cầu, mà mọi việc huy động từ sức dân đều được chi bộ, chính quyền ấp công khai cho dân biết. Danh sách của những người đóng góp được niêm yết tại nhà thông tin ấp hoặc những nơi đông người tới lui. Từ đó, tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong dân.

Anh Nguyễn Văn Hùng kể: “Có lần chúng tôi đi vận động tiền làm công trình phúc lợi xã hội. Biết hộ đó nghèo nên chúng tôi không ghé mà ghé nhà kế bên có điều kiện hơn. Khi chúng tôi đi qua, hộ này hỏi hộ kế bên mấy ông ấp ghé làm gì. Biết chúng tôi vận động tiền, hộ này đợi chúng tôi đi về ngang chạy ra đóng góp. Tuy không nhiều nhưng như vậy chúng tôi như có thêm động lực vì được dân tin tưởng, đồng thuận”.

Điểm đặc biệt ở Chi bộ Trường Thắng là 14 đảng viên trong chi bộ phần lớn đều gương mẫu, nhất là người đứng đầu cấp ủy.

Dù gia đình bà Huỳnh Thị Nương chỉ đủ ăn nhưng mảnh sân nhỏ trước cửa nhà của bà lúc nào cũng rực sắc hoa; hai bên đường thì hàng rào cây xanh thẳng tắp, nhiều tầng, mỗi tầng là một loại kiểng có màu khác nhau trông rất đẹp mắt. Cứ 10 ngày là bà tỉa hàng rào cây xanh một lần. Bà Nương bộc bạch: “Thấy chú Hùng, Bí thư Chi bộ ấp này trồng hoa kiểng, làm hàng rào cây xanh cắt tỉa rất đẹp. Chú làm việc không có nhiều thời gian còn làm được đẹp như vậy, còn mình rảnh hơn nên bắt chước chú làm cho đẹp nhà, đẹp xóm”.

Từ sự gương mẫu của Bí thư Chi bộ ấp trong xây dựng cảnh quan môi trường đã lan tỏa trong toàn ấp. Vì vậy, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở ấp được đánh giá mạnh nhất, nhì xã.

Trước đây, Trường Thắng là ấp giãn dân của tỉnh Cần Thơ (cũ) và là ấp đặc biệt khó khăn. Toàn ấp có 338 hộ dân, trong đó có 45 hộ dân tộc thiểu số (Khmer, Hoa, Ê-đê, Chăm); 45 hộ tôn giáo (Tin lành, Thiên Chúa, Hòa hảo). Trước đó đa phần hộ dân của ấp chỉ đủ ăn hoặc nghèo. Từ sự đầu tư của Nhà nước dành cho ấp, cùng với sự lãnh đạo của chi bộ, đến nay Trường Thắng thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Hộ giàu (31,07%) nhiều hơn hộ nghèo (6,21%); gia đình văn hóa chiếm 98,8%. Tuy là ấp đa dân tộc, tôn giáo nhưng tình hình an ninh chính trị luôn ổn định. Đặc biệt, năm nay ấp đứng nhất trong Đại hội Thể dục - Thể thao xã; là ấp có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao nhất xã (trên 80%); chi bộ 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

Theo ông Đỗ Văn Tính, Phó Bí thư Đảng ủy xã, năm nay Trường Thắng tiếp tục xếp “tốp” đầu khối thi đua xã. Ông Tính nhấn mạnh: “Chi bộ này có sự đoàn kết phải nói rất cao, thực hiện dân chủ rộng rãi, có tính chủ động trong công việc, không trông chờ cấp trên. Đảng ủy xã sẽ phát động trong toàn Đảng bộ xã học tập những kinh nghiệm hay ở Chi bộ ấp Trường Thắng để xây dựng Đảng bộ tiếp tục trong sạch, vững mạnh”.

Bài, ảnh: KIM VIẾNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>