Chất vấn thẳng thắn, trả lời thấu đáo

10/12/2023 | 21:49 GMT+7

Phiên họp thứ ba, Kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 12 thủ trưởng các sở, ngành tỉnh.

Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trả lời chất vấn từ đại biểu.

Tại đây, đại biểu mạnh dạn nêu lên những vấn đề khó khăn, bức xúc và kiến nghị, đề xuất; lãnh đạo các sở, ngành cũng trả lời ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm, không né tránh.

Giải pháp nào cho tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ?

Đại biểu Đoàn Quốc Thật, Bí thư Thị ủy Long Mỹ, nêu câu hỏi đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ hơn vấn đề chính sách hỗ trợ du học sinh hiện nay. Bởi thực tế, nhu cầu du học của học sinh rất lớn với hình thức vừa học vừa làm đã giảm gánh nặng chi phí học tập cho gia đình.

“Vậy Sở đã có kế hoạch, lộ trình tham mưu thực hiện chính sách hỗ trợ với cấp có thẩm quyền chưa và giải pháp thực hiện như thế nào?”, đại biểu Thật nêu hỏi.

Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Sở đã có kế hoạch cụ thể đề nghị tỉnh thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp cho du học sinh tỉnh nhà. Dự kiến sẽ tham mưu trình UBND tỉnh và trình HĐND tỉnh vào kỳ họp HĐND tỉnh năm 2024. 

Băn khoăn về chất lượng đào tạo nghề, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: “Hiện thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” tại tỉnh còn rất nhiều, tình hình phân luồng học sinh sau THCS còn nhiều hạn chế. Vấn đề du học sinh cần nhìn nhận và đánh giá chiều sâu hơn?

Trả lời, ông Trần Thanh Liêm thông tin: “Nhận thức của người dân về giáo dục nghề nghiệp hiện nay vẫn còn nặng bằng cấp, chưa mạnh dạn cho con em học tại các trường trung cấp nghề nghiệp. Bên cạnh đó, quy mô giáo dục còn hạn chế, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu nên người học tham gia học tập chưa được như mong muốn, dẫn đến người học đăng ký học nghề ít.

Về giải pháp, Sở đề xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức đúng đắn về giáo dục nghề nghiệp ở địa phương, phân luồng học sinh sau THCS cho chất lượng, tiếp tục đổi mới giáo dục theo hướng mở, linh hoạt để đáp ứng theo nhu cầu thực tế của tỉnh. Sở sẽ nghiên cứu, đề xuất trình UBND tỉnh để HĐND tỉnh nghiên cứu có chính sách hỗ trợ du học sinh, góp phần tăng nguồn lao động cho tỉnh.

Bạo lực học đường, có đáng báo động ?

Đặt câu hỏi về tình trạng bạo lực trong nhà trường hiện nay, ông Trần Quốc Thẻo, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Châu Thành, đặt câu hỏi với Sở Giáo dục và Đào tạo: Làm rõ nguyên nhân do đâu tình trạng bạo lực học đường đang xảy ra ở tỉnh nhiều và đề nghị ngành cho giải pháp cụ thể khắc phục thực trạng trên?

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: Vấn đề bạo lực học đường tại tỉnh hiện nay ghi nhận có 4 vụ, đa phần các vụ việc xảy ra ở cấp THCS, THPT. Nguyên nhân do học sinh ở độ tuổi 11-17 tuổi, độ tuổi này tâm sinh lý thay đổi nhiều, trẻ thích thể hiện bản thân, dễ bị kích động, nhận thức vấn đề không tới nên dễ học cách làm xấu, dẫn đến hành động không đúng…

Cũng theo bà Hằng, nguyên nhân khác là do gia đình ít quan tâm nắm bắt tâm lý học sinh, giao phó cho nhà trường; học sinh tiếp cận mạng xã hội không có sự giám sát của cha mẹ, phim ảnh có nội dung độc hại, học sinh tiếp xúc nhiều ảnh hưởng tư duy, việc các em tiếp xúc nhiều với các đối tượng, phần tử xấu trong xã hội; vấn đề dạy kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường còn hạn chế, công tác phối hợp giữa nhà trường, giáo viên nắm bắt tâm lý thay đổi của học sinh không kịp thời…

Đưa ra giải pháp, Giám đốc Sở này cho biết: “Ngành sẽ tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh, tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách cho học sinh; triển khai xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, trường học hạnh phúc để học sinh có môi trường học tập tốt. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với gia đình, xã hội quan tâm, nắm bắt tâm lý học sinh kịp thời, khuyến khích gia đình các em dành thời gian quan tâm giáo dục học sinh, gia đình cần làm gương để con em hình thành nhân cách tốt từ nhỏ; xã hội, các cơ quan chức năng phối hợp với ngành giáo dục để hỗ trợ, chung tay, quan tâm các em để hạn chế bạo lực học đường.

Đề nghị ngành giáo dục và đào tạo siết chặt hơn, không để bạo lực học đường xảy ra nữa, ông Trần Văn Huyến nhấn mạnh: “Bạo lực học đường ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về tinh thần, thể chất của học sinh. Yêu cầu Sở quan tâm, phải có giải pháp hiệu quả, sát theo từng đối tượng học sinh để giảm tối đa tình trạng bạo lực học đường, xây dựng các mô hình học tập tích cực để trường học thật sự là môi trường thân thiện, cởi mở, an toàn”.

Tham gia chất vấn lãnh đạo ngành giáo dục, đại biểu Trần Thị Thu Huyền, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Phụng Hiệp, đặt câu hỏi: HĐND tỉnh vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 09 tỉnh về quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, với mức thu dịch vụ tiền ăn bán trú 30.000 đồng/trẻ/ngày. Mức thu tiền ăn bán trú này sẽ chỉ bao gồm: bữa chính và bữa phụ.

Theo đại biểu Huyền, quy định này nhiều cử tri phản ánh là đang gây khó cho phụ huynh, nhất là các gia đình sống tại trung tâm, đô thị, có con đang theo học ở trường mầm non, mẫu giáo, khi các trường không còn hỗ trợ phụ huynh cho trẻ ăn sáng từ năm học này; ngành giáo dục có giải pháp gì hỗ trợ? Ngoài ra, người học có nhu cầu tăng cường học môn tiếng Anh, môn toán trong nhà trường, tuy nhiên mức thu 600.000 đồng/tháng là khá cao, đề nghị có sự xem xét, điều chỉnh phù hợp.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Nghị quyết 09 ban hành là cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục thực hiện, tránh được tình trạng lạm thu trong trường học. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên ngành tham mưu thực hiện các khoản thu dịch vụ này nên việc tham mưu ở một số dịch vụ chưa đầy đủ, mức chi thu chưa phù hợp. Thực trạng này ngành đã nắm và đang có giải pháp đề xuất để điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới”.

Hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học

Quan tâm lĩnh vực khoa học, công nghệ, đại biểu Phạm Anh Tuấn, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Phụng Hiệp, cho rằng, hiện nay tại tỉnh đã có rất nhiều đề tài, dự án được công nhận, nguồn kinh phí đầu tư lớn, tuy nhiên hiệu quả nhân rộng chưa lớn.

“Đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ làm rõ hơn hiệu quả và tỷ lệ nhân rộng, áp dụng các đề tài, dự án khoa học công nghệ?”, đại biểu Anh Tuấn phát biểu.

Ông Nguyễn Huỳnh Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Ngành có 249 nhiệm vụ khoa học công nghệ được nghiệm thu, trong đó có 12 đề tài cấp quốc gia. Các đề tài nghiệm thu đã được chuyển giao đến các sở, ngành, góp phần chung trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, trong đó, tất cả các đề tài, dự án liên quan lĩnh vực y tế, giáo dục đều được triển khai nhân rộng, ứng dụng hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn của ngành là còn hạn chế về nguồn lực dành khoa học, công nghệ.

Theo ông Phước, riêng lĩnh vực nông nghiệp, số đề tài nghiên cứu chiếm đến hơn 60%. Trong 60% đề tài này, có được 80% đề tài ứng dụng vào trong đổi mới, tăng gia sản xuất, còn khoảng 20 đề tài ứng dụng vào thực tế chưa phù hợp, tính lan tỏa không cao do kinh phí ít, dẫn đến nhân rộng chưa hiệu quả. Đề xuất sắp tới, UBND tỉnh dành nhiều nguồn lực hơn cho nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Sở sẽ phối hợp ngành nông nghiệp triển khai hiệu quả, quyết liệt lĩnh vực cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ vào trong phát triển cây con giống, phát triển công nghệ cao, các công nghệ 4.0…

Cần tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu

Phát biểu kết luận tại phiên chất vấn, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng, các nhóm vấn đề chất vấn có phạm vi khá rộng, các vị đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; Phó Chủ tịch UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.

Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, HĐND tỉnh sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Do đó, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành (được chất vấn) tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực được chất vấn.

 

Bài, ảnh: CAO OANH - ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>