Chung sức thi đua để Hậu Giang thêm phát triển

14/12/2021 | 08:12 GMT+7

Năm 2021, Hậu Giang thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh nhà.

Công chức phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ (trái) thực hiện tốt văn hóa công sở (ảnh chụp trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4).

“Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”

Hưởng ứng phong trào thi đua này, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 154 ngày 10-8-2021 về việc phát động phong trào thi đua thiết lập “Vùng xanh” phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Trong đợt cao điểm thực hiện phong trào thi đua, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, số ca nhiễm xảy ra rất ít, số ca tử vong ở mức thấp. Tỉnh đã tổ chức sơ kết phong trào thi đua và khen thưởng cho 118 tập thể có thành tích xuất sắc trong thi đua thiết lập “Vùng xanh” phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

Quyết tâm cao, nỗ lực không ngừng, với phong trào này, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn mang nội dung thiết thực. Như Nghị quyết số 20 ngày 4-12-2020 của HĐND tỉnh thông qua Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 26 ngày 4-12-2020 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình số 02 ngày 5-1-2021 của UBND tỉnh về hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu 5 năm 2021-2025...

Các địa phương tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phong trào thi đua “Hậu Giang chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới”. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới qua các hình thức như họp chi bộ, họp dân... Từ đó, góp phần tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong xây dựng xã nông thôn mới...

Thông qua các hoạt động xây dựng nông thôn mới, có 81 mô hình hay, hiệu quả được xây dựng mới và nhân rộng; triển khai xây dựng 47 mô hình hỗ trợ sinh kế cho gần 500 hộ nghèo nhận bò giống, nuôi lươn, hỗ trợ buôn bán nhỏ, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế cá thể... Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được quan tâm vận động thực hiện; Nhân dân tích cực tham gia sản xuất những sản phẩm mang tính đặc trưng của từng địa phương, gắn với phong trào mỗi xã một sản phẩm... đến ngày 19-11-2021 toàn tỉnh công nhận được 66 sản phẩm OCOP.

Ước cuối năm 2021, Hậu Giang sẽ đạt 35/51 xã nông thôn mới; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; công nhận 1 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới kiểu mẫu (ấp Ba Ngàn A, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy).

“Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”

Trong năm, Hậu Giang tổ chức thành công Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang lần thứ II, qua đó, chọn ra 7 ý tưởng, dự án để trao giải.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo tăng cường sự công khai, minh bạch trong giải quyết các công việc cho các nhà đầu tư và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành về thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Về phát triển doanh nghiệp, đến ngày 19-11, tỉnh có 435 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn 2.825 tỉ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Hậu Giang ghi nhận 02 dự án FDI với tổng số vốn 5,9 triệu USD. Về đầu tư trong nước: toàn tỉnh có 39 dự án đầu tư (tăng 34,5%), với tổng số vốn là 6.365 tỉ đồng (tăng 93,5% so năm 2020), tạo việc làm cho 3.524 lao động. Trong đó, có 37 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp, số vốn 6.027 tỉ đồng; 2 dự án trong khu, cụm công nghiệp, số vốn 337 tỉ đồng.

Thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa và tiếp công dân, các cơ quan, đơn vị luôn bố trí cán bộ, công chức có kinh nghiệm trong việc tiếp dân, có đạo đức, tác phong tốt, liêm khiết, trung thực, có năng lực chuyên môn tốt, am hiểu về chính sách quy định, quy trình của lĩnh vực phụ trách; nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệt tình và trách nhiệm, giao tiếp với công dân luôn tự tin, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc, giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai sâu rộng gắn liền với công tác cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và công tác dân vận chính quyền. Đa số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc văn hóa công sở cũng như chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị về giờ làm việc, về trang phục, lễ phục; về bài trí công sở và nơi làm việc; về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử trong công sở; về tinh thần, trách nhiệm đối với công vụ; về thái độ, trách nhiệm đối với Nhân dân; về ý thức bảo vệ tài sản công,...

“Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Hậu Giang cũng rất tích cực thi đua thực hiện hiệu quả các chính sách về hỗ trợ người dân thoát nghèo, giảm nghèo của tỉnh, cụ thể:

Chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể triển khai cung cấp tín dụng ưu đãi cho trên 2.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, với số tiền cho vay gần 70.000 triệu đồng.

Chính sách về y tế: Để người nghèo và cận nghèo được chăm sóc tốt về sức khỏe, khi ốm đau được khám chữa bệnh. Ngành y tế, lao động - thương binh và xã hội và cơ quan bảo hiểm xã hội, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thông qua hình thức cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trong năm, có trên 100.000 người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ, kinh phí thực hiện trên 80.400 triệu đồng.

Chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo: Nhằm giúp cho con em hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện đến trường, ngành giáo dục và đào tạo đã xét miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 5.758 lượt học sinh thuộc hộ nghèo; đồng thời trong năm các ngành, tổ chức chính trị, xã hội, hội, đoàn thể các cấp đã tổ chức vận động, quyên góp tặng dụng cụ học tập, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở vùng sâu, vùng xa, con hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với kinh phí thực hiện 3.581 triệu đồng.

Ngoài ra còn có các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ quà tết cho hộ nghèo; hỗ trợ người dân do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 được các cấp, các ngành thi đua thực hiện rất hiệu quả...

Bài, ảnh: T.T

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>