Mỗi nghị quyết được ban hành đều đi vào cuộc sống

07/12/2023 | 09:00 GMT+7

Trong 2 ngày 7 và 8-12, Kỳ họp thứ 18 (kỳ họp cuối năm 2023) HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức diễn ra. Trước thềm kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Huyến có chia sẻ với Báo Hậu Giang về những vấn đề quan trọng.

Ông Trần Văn Huyến (đứng), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp các văn bản trình tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm.

- Kỳ họp năm nay được tổ chức chỉ trong 2 ngày, với 4 phiên họp, so với kỳ họp cùng kỳ năm 2022 giảm nửa ngày, giảm 1 phiên họp.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ đi sâu đánh giá toàn diện kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, những khó khăn, hạn chế để xem xét, quyết định mục tiêu, giải pháp năm 2024.

Thời gian trình bày các văn bản tại kỳ họp cũng được rút ngắn, dành nhiều thời gian cho thảo luận tổ, chất vấn và trả lời chất vấn. Cơ quan trình và cơ quan thẩm tra ngoài việc chuẩn bị báo cáo đầy đủ gửi văn bản trước để đại biểu nghiên cứu sẽ có báo cáo tóm tắt để trình bày tại kỳ họp. Tăng thời lượng truyền hình trực tiếp các phiên họp của HĐND để cử tri theo dõi, giám sát.

Thưa ông, năm 2023 tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp vào thành công đó, có sự đóng góp lớn của HĐND tỉnh, vậy đâu là điểm đột phá chất lượng của hoạt động HĐND tỉnh thời gian qua ?

- Năm 2023, phát triển kinh tế là điểm sáng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh đạt 12,27%, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên xếp thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Bắc Giang). Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, đạt 79,61 triệu đồng/người. Công tác tổ chức xây dựng Đảng, hoạt động của hệ thống chính trị, công tác văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm thực hiện có hiệu quả; quốc phòng - an ninh được giữ vững…

Đạt được kết quả này là nhờ sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Trong đó có sự đóng góp của HĐND tỉnh, thông qua các hoạt động đột phá, chất lượng trong tổ chức kỳ họp, ban hành các nghị quyết phù hợp với quy định, đúng định hướng của tỉnh, sát hợp với thực tế.

Đầu năm đến nay, Thường trực HĐND tỉnh triệu tập và tổ chức thành công 4 kỳ họp HĐND tỉnh. Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh thông qua 47 nghị quyết tập trung về công tác tổ chức, các nội dung phát sinh và thuộc thẩm quyền theo quy định. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho UBND tỉnh điều hành phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tất cả nghị quyết được cử tri quan tâm và đồng tình hưởng ứng cao. Hoạt động thẩm tra được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, từng bước đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, lĩnh vực. Công tác giám sát có trọng tâm, trọng điểm; công tác tiếp xúc cử tri mang lại hiệu quả thực chất để chính quyền tiếp tục có những giải pháp hiệu quả trong điều hành kinh tế - xã hội...

Năm 2023, hoạt động của HĐND tỉnh theo ông đã có những đổi mới gì ?

- Năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo, tập trung đổi mới khá toàn diện, hiệu quả ở cả các mặt hoạt động, nhất là trong công tác tổ chức kỳ họp được rút ngắn thời gian trình bày các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết, ưu tiên dành thời gian cho thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, nâng cao trách nhiệm giải trình của các sở, ngành được phân công chủ trì soạn thảo nghị quyết, thông qua việc báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các ban và đại biểu HĐND tỉnh đặt ra.

Đối với HĐND tỉnh, tại phiên thông qua nghị quyết không đọc lại toàn văn dự thảo nghị quyết, thư ký chỉ nêu những nội dung có ý kiến khác nhau của đại biểu về những nội dung trong dự thảo nghị quyết… góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND.

Nhất là công tác tiếp xúc cử tri triển khai có sự đổi mới, linh hoạt, phong phú, tiếp xúc cử tri chuyên đề theo đối tượng, thành phần các cơ quan chuyên môn tham gia tiếp xúc cử tri được tinh gọn; hình thức tiếp xúc đa dạng như: trực tiếp qua đài truyền thanh, hòm thư, Zalo, trưng cầu ý kiến và trả lời kiến nghị của cử tri tại hộ gia đình, theo nhóm đối tượng chuyên đề; hình thức trao đổi qua lại trực tiếp với cử tri, giúp cử tri hiểu rõ hơn vấn đề phản ánh, kiến nghị, tiết kiệm thời gian, tránh trùng lặp ý kiến, tạo không khí gần gũi, cởi mở giữa đại biểu, chính quyền với cử tri...

Tăng cường các hoạt động giám sát, khảo sát, cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động các đoàn giám sát, khảo sát; đổi mới tiếp xúc cử tri theo hướng “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hiệu quả thực chất”; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND...

Kỳ họp này sẽ tập trung vào những nội dung chính gì, thưa ông ?

- Kỳ họp sẽ tập trung xem xét, đánh giá và thảo luận các báo cáo UBND tỉnh trình về kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đầu tư công, dự toán thu, chi ngân sách; tình hình phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024; kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và thực hiện các nội dung chất vấn. Xem xét các báo cáo giám sát chuyên đề, báo cáo hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh; báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Tập trung tìm ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn; tiếp tục phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024, với những đột phá mới, bước đi nhanh, bền vững trên cơ sở bám sát định hướng xây dựng quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 theo các trục: “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”.

Kỳ họp này dự kiến sẽ thông qua 20 nghị quyết, vậy công tác xây dựng nghị quyết đã thực hiện như thế nào, thưa ông ?

- Trên cơ sở Chương trình tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2023, Thường trực HĐND phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh chủ động chỉ đạo rà soát các nội dung trình đề nghị xây dựng nghị quyết; phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tổ chức kỳ họp cuối năm 2023.

Đảm bảo tài liệu kỳ họp gửi đến các ban HĐND tỉnh thẩm tra đúng thời gian quy định, cương quyết không thẩm tra các nội dung gửi chậm. Ngay từ khi UBND tỉnh soạn thảo và dự kiến trình cho HĐND thì các ban HĐND tỉnh đã vào cuộc tiếp cận thông tin, nắm bắt để có những định hướng, trao đổi, bàn bạc, tạo cơ sở cho việc thẩm tra đạt chất lượng hơn.

Bên cạnh đó, với mục tiêu mỗi nghị quyết được ban hành phải thực tế, đi vào cuộc sống của người dân, trong xây dựng nghị quyết yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, các chính sách từ các tỉnh, thành trong khu vực cũng như trong cả nước để làm sao xây dựng các dự thảo nghị quyết thực sự phù hợp, chất lượng, hiệu quả.

Đến nay, tất cả các dự thảo nghị quyết được xây dựng đảm bảo quy trình, thủ tục, đảm bảo tính khoa học, phù hợp tình hình thực tế và định hướng phát triển của tỉnh.

Vấn đề hiện nay cử tri quan tâm là việc trả lời chất vấn tại kỳ họp. Để hoạt động này chất lượng, giải quyết thấu đáo các ý kiến thì Thường trực HĐND có yêu cầu gì ?

- Thủ trưởng các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi được chất vấn phải chuẩn bị chu đáo, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, trả lời cụ thể, rõ ràng, đầy đủ các vấn đề đại biểu đặt ra. Đồng thời, HĐND tỉnh sẽ xem xét ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn là cơ sở “ràng buộc” trách nhiệm thực hiện và giám sát việc thực hiện.

Tại kỳ họp có tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến cử tri, chủ tọa sẽ chuyển đến thủ trưởng các sở, ngành trả lời; đối với nội dung cụ thể, cần xác minh và nội dung không thuộc nhóm vấn đề chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổng hợp yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo trả lời cụ thể sau kỳ họp.

Ông có gửi gắm gì đối với đại biểu HĐND tại kỳ họp ?

- Với tính chất quan trọng của kỳ họp, mỗi đại biểu HĐND hãy nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh, tập trung thảo luận, phân tích sâu, nhận diện rõ những kết quả và bài học đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ. Nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân, có dự báo chính xác tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới để xem xét, quyết định các quan điểm, định hướng lớn, các mục tiêu, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công cho năm 2024 và các cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm giúp cho HĐND tỉnh có cơ sở thông qua nghị quyết, bảo đảm chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh nhà.

Tôi luôn đánh giá cao trình độ, năng lực, tinh thần và trách nhiệm của từng đại biểu HĐND tỉnh, những người đã cống hiến công sức của mình ở góc độ là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân tỉnh nhà.

Và tôi tin tưởng rằng, các vị đại biểu sẽ tiếp tục phát huy và nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ trong thực hiện các nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, luôn là cầu nối phản ánh tiếng nói, nguyện vọng và giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri.

Năm 2023, Hậu Giang tạo dấu ấn đột phá, với nhiều kết quả đậm nét

Tỉnh đã hoàn thành 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023. Có 14/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Phát triển kinh tế tiếp tục là điểm sáng, với mức tăng trưởng cao đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thứ 2 cả nước.

 - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 12,27% (kế hoạch 10%), trong đó: khu vực I tăng 3,19%, khu vực II tăng 28,47%, khu vực III tăng 7,81%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng.

-  Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng khu vực II. Khu vực I còn 22,03%, giảm 2,09%; khu vực II: 36,47%, tăng 5,6%; khu vực III: 33,39%.

- Thu ngân sách trên địa bàn 6.529 tỉ đồng, đạt 100,17% kế hoạch.

 - Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 22.700 tỉ đồng, vượt 1,75% kế hoạch.

- Kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đạt 833 triệu USD, vượt 6,73% kế hoạch.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,04%/năm, vượt 0,04% kế hoạch.

- Tỷ lệ đô thị hóa 30,55%, tăng 2,69%.

- Số bác sĩ trên 10.000 người dân là 9,32 bác sĩ; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,81%...

- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch 90,77%, tăng 2,05%.

- Số doanh nghiệp hoạt động và có kê khai thuế 4.330 doanh nghiệp, tăng 37,46% so năm 2023, vượt 23,71%…

 

Trân trọng cảm ơn ông và chúc kỳ họp cuối năm thành công tốt đẹp !     

CAO OANH thực hiện  

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>