Vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

17/05/2018 | 08:08 GMT+7

Thời gian qua, có không ít đề tài, dự án khoa học và công nghệ của tỉnh được ứng dụng vào cuộc sống. Các nghiên cứu đều hướng đến mục tiêu phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà.

Hiệu quả về kinh tế

Ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã đạt được một số thành tựu trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Mở đầu cho phong trào trồng rau theo hướng an toàn thực phẩm, PGS.TS Phùng Thị Nguyệt Hồng, Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện đề tài “Ủ rác thải gia đình bằng nấm Trichoderma spp. và vi sinh vật có ích để trồng rau an toàn ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”. Đề tài đã giúp người dân khu vực nông thôn bước đầu làm quen với việc ủ rác thải bằng chế phẩm sinh học Trichoderma spp. và tận dụng rác thải gia đình để làm phân bón. Người dân dần thay đổi thói quen trong canh tác nông nghiệp, sử dụng phân hữu cơ bón cho rau màu vừa an toàn, tiết kiệm mà hiệu quả.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy nấm xanh (phải) giúp nông dân phòng trừ rầy nâu hại lúa.

Kế đó, thạc sĩ Phạm Hoài An, khi còn làm việc tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đưa rau an toàn vào nhà lưới, giúp nông dân bảo vệ rau trước sự gây hại của sâu bọ và thời tiết, mưa bão. Từ đó đến nay, kết quả đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn cho vùng rau trọng điểm của tỉnh Hậu Giang” của thạc sĩ Phạm Hoài An đã được nhiều cán bộ, nhân viên của trung tâm kế thừa, tiếp tục ứng dụng qua nhiều mô hình tại các địa phương trong tỉnh. Kỹ sư Lê Châu Tứ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho hay: Trong năm 2017, trung tâm triển khai “Mô hình sản xuất rau ăn lá theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với sơ chế đóng gói cho nông dân trong tỉnh”. Mô hình thực hiện hơn 1 năm qua với quy mô 2,5ha trên các loại rau ăn lá và dưa hấu tại huyện Châu Thành, Châu Thành A và thành phố Vị Thanh. Mô hình đã hỗ trợ vật tư cho bà con, tập huấn về kỹ thuật để hướng dẫn người dân canh tác theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, cách sơ chế và đóng gói. Bên cạnh đó, còn xây dựng nhà lưới tránh sâu bệnh hại tấn công nhằm hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời kết hợp với xây dựng hệ thống tưới phun tự động để tiết kiệm công lao động. Ngoài ra, mô hình còn liên kết với cửa hàng bán rau an toàn trên địa bàn thành phố Vị Thanh để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Ông Dương Văn Mách, ở khu vực 5, phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Khi tham gia mô hình, tôi thấy trồng rau sạch có nhiều điểm lợi. Nhất là do có được nhà lưới bao bọc xung quanh nên các loại sâu hại không thể tấn công, nhờ vậy mà nông dân không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, nếu phun thì chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học. Nhờ những cách làm trên mà tôi đã giảm được nhiều khoản chi phí mà năng suất còn ổn định từ 30-40kg rau/1.000m2/đợt thu hoạch”.

Mới đây, cử nhân Lý Tiến, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang cũng đem hiệu quả ứng dụng của mô hình rau an toàn về triển khai cho bà con dân tộc Khmer của huyện Long Mỹ. Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ tiên tiến tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang” do cử nhân Tiến làm chủ nhiệm sẽ xây dựng 5 mô hình sản xuất rau an toàn, với tổng diện tích 1,4ha nằm trên vùng quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang thuộc địa bàn xã Lương Tâm, Lương Nghĩa của huyện Long Mỹ. Mục tiêu của dự án là giúp nông dân người dân tộc Khmer của tỉnh cải thiện thêm thu nhập ngoài canh tác lúa.

Ổn định về mặt xã hội

Bên cạnh đem lại giá trị kinh tế, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học còn đem lại hiệu ứng tốt trong công tác bảo vệ môi trường. Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng sản xuất nấm xanh Metarhizium anisopliae (Ma) trong điều kiện nông hộ để quản lý tổng hợp rầy nâu hại lúa góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại Hậu Giang” do kỹ sư Lê Thị Như Thùy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện từ năm 2010. Kết quả dự án được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh tiếp nhận, chuyển giao và hướng dẫn cho bà con. Đến nay, sau hơn 4 năm tiếp nhận kỹ thuật từ cán bộ khoa học, nhiều nông dân đã hoàn toàn tin vào hiệu quả ứng dụng chế phẩm nấm xanh vào việc phòng trừ sâu hại trên đồng ruộng. Ông Nguyễn Anh Kha, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho rằng: “Nấm xanh giúp phòng trừ rầy nâu hiệu quả mà còn phòng ngừa sâu hại, bảo vệ cây lúa từ khi còn nhỏ. Số lần phun chế phẩm ít hơn so với phun thuốc hóa học và ít tốn chi phí, nhờ vậy đã giúp tiết giảm thời gian phun xịt, không bị ảnh hưởng sức khỏe và giảm tiền đầu tư vào thuốc hóa học cho sản xuất rất đáng kể”.     

Song song với việc nâng cao chất lượng, sản lượng cho sản xuất nông nghiệp, ngành khoa học và công nghệ tỉnh còn quan tâm xây dựng nhãn hiệu, từ đó nông sản của tỉnh có chỗ đứng, dần xây dựng được thương hiệu và mạnh dạn quảng bá tới nhiều nơi. Từ đó, nông sản mang tên Hậu Giang ngày càng được ưa chuộng, tăng giá, tìm được hợp đồng tiêu thụ với sản lượng ổn định. Ông Vu Suổi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho hay: Từ khi tỉnh xây dựng nhãn hiệu Khóm Cầu Đúc Hậu Giang, sản phẩm khóm của HTX được nhiều công ty quan tâm tìm đến thu mua với sản lượng lớn, giá cao hơn so với bên ngoài. Vì vậy, HTX đã kết nạp thêm nhiều thành viên để tăng sản lượng cung ứng cho doanh nghiệp”. Nhờ những hợp đồng được ký kết, người dân trong tỉnh tìm được nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống từng bước đi lên và phát triển theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, nhiều đề tài nghiên cứu trên lĩnh vực y tế, giáo dục đã thực sự đem lại hiệu ứng tốt cho chiều hướng ổn định, phát triển xã hội của tỉnh thời gian qua. Như kết quả của đề tài “Ứng dụng lâm sàng điều trị đục bao sau thứ phát bằng Laser Yag tại Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang năm 2008-2010” của bác sĩ chuyên khoa I Lâm Thị Ngọc Mai và đề tài “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật đục thể thủy tinh bằng phương pháp phaco và ngoài bao” do BS.CKI Lê Ngọc Minh làm chủ nhiệm. 2 đề tài đã xác định được việc mổ mới giúp thị lực cao hơn và hạn chế biến chứng hơn hẳn phương pháp khác. Các ứng dụng mới của 2 nghiên cứu đã giúp đem lại ánh sáng cho nhiều bệnh nhân về mắt, giúp người dân giảm chi phí đi lại. Ngoài ra, kết quả các cas điều trị còn tạo được uy tín, thu hút người bệnh đến điều trị mang về nguồn kinh tế cho ngành y tế.

Có thể nhìn nhận rằng, các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của tỉnh thời gian qua đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy giá trị thực tế chưa tính được bằng con số cụ thể, nhưng trên cảm quan đã đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, tạo được hiệu ứng tốt, đem lại niềm tin và từng bước đổi thay trong đời sống cũng như tinh thần cho người dân tỉnh Hậu Giang.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>