Dự án hấp dẫn vì mang tính ứng dụng cao

19/12/2017 | 07:51 GMT+7

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018 đã kết thúc và để lại dư âm đẹp, khi nhiều dự án mang tính sáng tạo, chất lượng, thể hiện sự tìm tòi của học sinh được trình làng.

Các thí sinh tự tin thuyết trình dự án.

Sáng tạo vì cuộc sống

Dự án “Smart Glasses - ứng dụng công nghệ AR hỗ trợ người khiếm thị” của nhóm 2 em học sinh đến từ Trường THCS Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ thực hiện, sản phẩm dự thi rất đơn giản, chỉ là một chiếc kính nhưng khi người khiếm thị đeo vào sẽ giúp di chuyển dễ dàng mà không sợ bị ngã. Em Trần Mai Xuân, học sinh lớp 9A2, thành viên của nhóm, chia sẻ: “Em thấy người khiếm thị gặp khó trong di chuyển nên em và bạn đã nhờ thầy hỗ trợ cài đặt phần mềm trên chiếc kính. Vừa làm đẹp đôi mắt cho họ, vừa giúp họ di chuyển dễ dàng. Từ sản phẩm này, người khiếm thị còn có thể nghe nhạc”. Đeo kính vào, khi phát hiện vật cản khoảng 1m thì phía bên tai trái sẽ rung lên rất mạnh, khi di chuyển chướng ngại đi nơi khác kính hoạt động bình thường.

Còn dự án “Mạch điện tử phơi khô vật liệu tự động được điều khiển theo nhiệt độ và trời mưa”, của nhóm học sinh Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, giúp mọi người phơi quần áo, nông sản tự động mà không tốn thời gian, công sức, phải đem ra đem vào khi trời mưa hay nắng. Riêng dự án “Bộ thiết bị tự động lọc nước tự nhiên từ ao, hồ, sông… thành nước sinh hoạt và nước uống bằng năng lượng mặt trời” của nhóm học sinh Trường THPT Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, đã đạt giải nhất hội thi, bởi tính ứng dụng thực tế vào cuộc sống người dân. Em Phan Lâm Trung Hậu, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Vị Thanh, bộc bạch: “Xuất phát từ thực tế khu vực em sinh sống có một số hộ dân chưa có nước sạch để sử dụng, bà con xài nước trực tiếp ở kênh rất ô nhiễm nên em và bạn nghĩ ra nên làm gì đó để giúp mọi người. Nhờ giáo viên hướng dẫn, chúng em lên mạng tìm kiếm các thiết bị, hóa chất lắng lọc nước đảm bảo an toàn sức khỏe. Sau thời gian thử nghiệm chúng em rất mừng vì sản phẩm của mình đã thành công. Em đã tự nếm thử nước mình sau khi lọc, rất trong và đảm bảo chất lượng”.

Thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học trong trường

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, cho biết: “Điểm ấn tượng của cuộc thi năm nay là sự tham gia của các em học sinh cấp THCS, cả về số lượng và chất lượng. Các em học sinh đã khẳng định được sự sáng tạo và niềm đam mê nghiên cứu khoa học thông qua những dự án của mình. Từ mỗi dự án, mỗi sản phẩm các học sinh làm ra đều có hơi thở của cuộc sống. Các em đã cho thấy sự quan tâm và đưa những sáng tạo khoa học ứng dụng vào đời sống sinh hoạt hàng ngày”.

Đúng như lời ông Hùng Nhiên nói, các dự án: “Nhà vệ sinh thông minh”, “Cây lau kính thông minh”, “Mảnh ghép hỗ trợ học sinh học tập cho các trường vùng sâu”, “Bộ thiết bị giám sát khoảng cách an toàn khi lái xe”, “Mô hình giường tầng đa năng”…  đều rất thực tiễn. Các em đã chứng minh được sản phẩm do mình làm và sự chủ động tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo đưa ra giải pháp hữu ích cho cuộc sống. 

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018 được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lần thứ 5 này có 137 dự án tham gia, tăng 15 dự án so với cuộc thi năm học 2016-2017, nhiều hơn 80 dự án so với cuộc thi năm học 2013-2014 (năm đầu tiên tổ chức cuộc thi). Trong đó, các lĩnh vực có số dự án tham gia nhiều là kỹ thuật cơ khí 28 dự án (gấp đôi so với năm trước), khoa học xã hội hành vi 21 dự án (nhiều hơn so với năm trước 4 dự án), hệ thống nhúng 24 dự án, kỹ thuật môi trường, 18 dự án. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 5 giải nhì, 13 giải ba và 28 giải khuyến khích.

Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục chuyên nghiệp, Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo), Phó Ban giám khảo cuộc thi, cho biết: “Nhiều dự án có ý tưởng sáng tạo, đặc biệt là các dự án về hệ thống nhúng, khoa học xã hội hành vi, đã cho thấy học sinh rất quan tâm đến đời sống lao động, sản xuất ở địa phương và thể hiện khả năng tìm tòi, say mê nghiên cứu của học sinh. Tuy nhiên vẫn còn một số dự án chưa phải là kết quả nghiên cứu khoa học mà chỉ mới là ý tưởng nghiên cứu hay một sáng kiến kinh nghiệm”.

Cuộc thi đã trở thành sân chơi trí tuệ hấp dẫn, khơi gợi và phát huy tối đa sức sáng tạo của học sinh, biến các ý tưởng trên lý thuyết thành ứng dụng thực tiễn. Đây là một hoạt động thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học trong trường phổ thông, đào tạo những học sinh có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, biết giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn của cuộc sống, đảm bảo theo phương châm “Học đi đôi với hành”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>