Hậu Giang cần tiếp tục phát huy tiềm năng sở hữu trí tuệ

01/09/2017 | 08:21 GMT+7

Hiện nay, Hậu Giang có 9 nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ cho các nông sản chủ lực. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh nông nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Phan Ngân Sơn (ảnh), Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết:

- Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp, được tự nhiên ưu đãi nên có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù như lúa, cá thát lát, khóm, mía, xoài... Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng được gần 160 văn bằng và 9 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho khóm Cầu Đúc Hậu Giang, chanh không hạt Hậu Giang, cá thát lát Hậu Giang, quýt đường Long Trị, cam sành Ngã Bảy, cam xoàn Phụng Hiệp, xoài cát Hậu Giang, cá rô Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2. Từ đây đã phát huy vai trò của các cấp, các ngành chức năng trong việc đồng hành, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Người dân cũng nâng cao được đời sống sau khi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Cụ thể là sản phẩm cá thát lát Hậu Giang đã tăng được giá trị khoảng 15% sau bảo hộ. Tuy nhiên, con số văn bằng, chứng nhận nhãn hiệu tập thể được bảo hộ chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Bởi Hậu Giang còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác có giá trị kinh tế như mãng cầu, bưởi da xanh. Vì vậy, các cấp, các ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh nên đẩy mạnh phát triển thêm một số sản phẩm nữa để tăng kinh tế cho nông dân tỉnh.

Để phát triển tiềm năng này, theo ông thì Hậu Giang cần làm những việc cụ thể gì ?

- Để phát triển tiềm năng của tỉnh thì vai trò của UBND tỉnh là rất quan trọng trong việc định hướng, đưa ra những chính sách cụ thể. Từ đó, xây dựng kế hoạch đầu tư tập trung cho sản phẩm đã được chọn và nỗ lực phát triển sản phẩm đó với chiến lược lâu dài. Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn liên quan như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh nên có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Cụ thể là trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho người dân cũng nên thường xuyên. Để từ kiến thức này, người dân biết được giá trị của việc đăng ký bảo hộ sản phẩm tự giác tạo lập thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng hóa của mình làm ra.

Trung ương sẽ có chính sách gì để hỗ trợ tỉnh phát triển tài sản sở hữu trí tuệ tới đây, thưa ông ?

- Tới đây, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thực hiện các chương trình về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ các địa phương, trong đó có Hậu Giang. Tỉnh cũng đã xây dựng được “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017-2020”. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ hỗ trợ tỉnh triển khai 7 dự án của chương trình. Đặc biệt là dự án “Xây dựng, quản lý chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang” của tỉnh Hậu Giang” đang trong giai đoạn triển khai. Song song đó, Cục sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ, tư vấn pháp luật cho người dân. Bên cạnh việc mở các lớp tập huấn thì Cục Sở hữu trí tuệ cũng sẽ ban hành nội dung tuyên truyền chung để các địa phương dễ triển khai, hướng dẫn. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phát triển khâu liên kết 4 nhà, vận động bà con sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp người dân khai thác tốt các sản phẩm theo hướng chất lượng, hướng đến cung ứng ở nước ngoài, để sản phẩm của Hậu Giang ngày càng thành công hơn nữa ở trong nước và quốc tế.

Xin cảm ơn ông !

TRÚC LINH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>