Được mùa khởi nghiệp

12/02/2024 | 06:29 GMT+7

Để biến những ước mơ thành hiện thực, nhiều ý tưởng mới, dự án khởi nghiệp được hình thành, đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình và xã hội.

Chị Cao Thị Cẩm Nhung với sản phẩm thịt thực vật từ mít.

Nuôi dưỡng ước mơ và khởi nghiệp thành công

Có lẽ mùa xuân này là mùa xuân đáng nhớ nhất đối với chị Cao Thị Cẩm Nhung, ở thành phố Ngã Bảy, vì dự án khởi nghiệp Chuỗi giá trị mới - Thịt thực vật từ mít đã đạt giải khuyến khích tại cuộc thi Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long 2023; giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang lần thứ III năm 2023 và đạt một số giải thưởng ở các cuộc thi khác.

Gắn bó với nghề dạy học 12 năm, với hoài bão và xuất phát từ “chữ tâm” với cộng đồng, cô giáo Cao Thị Cẩm Nhung đã rời giảng đường để khởi nghiệp làm kinh tế xanh. Chị Cẩm Nhung chia sẻ: “Trên thế giới 1kg mít non đóng hộp có giá là 108 USD. Chính vì điều này, tôi nghĩ mình nên chế biến ra sản phẩm sâu là pate, chả giò từ mít non để đa dạng sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao giá trị nông sản cho địa phương. Đặc biệt là tận dụng lại mít non làm sản phẩm chế biến sâu để làm ra thực phẩm chay, giảm lượng thịt trong chế độ ăn hàng ngày. Điểm mới của mô hình là góp phần làm xanh hóa từ thực vật, nâng cao ẩm thực Việt Nam”.

Thay vì trước đây, bình quân mỗi năm người dân trong tỉnh phải bỏ đi từ 200 tấn mít non, mít loại 2, loại 3 thì hiện tại dự án của chị Cao Thị Cẩm Nhung - nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm sáng tạo, đã tiêu thụ mỗi tháng từ 2-3 tấn mít non, giúp tăng thu nhập cho người dân, tạo thêm 20% giá trị từ mít. Hiện vùng trồng mít làm sản phẩm đã đạt chuẩn GlobalGAP, với tổng diện tích 200ha. Với 15 sản phẩm đang cung cấp cho thị trường trong nước, công ty đã ký kết hợp tác với một số nước như Đức, Mỹ, Hà Lan.

Cùng với ý tưởng tìm hướng đi mới như chị Cao Thị Cẩm Nhung, cô gái bị bệnh xương thủy tinh Bùi Thị Yến Nhi không buông xuôi cho số phận mà luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và đã khởi nghiệp thành công với nghề làm hoa sáp.

Bùi Thị Yến Nhi tại Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang năm 2023 với sản phẩm hoa sáp.

 Yến Nhi bộc bạch: “Trước đây em đi làm công ăn lương từ nghề đan đát lục bình, nhưng thu nhập không cao. Từ sự yêu thích kinh doanh và sức khỏe của bản thân nên em ước ao mình sẽ làm một việc gì đó để vươn lên và giúp cho những người có khuyết tật có công ăn việc làm tốt hơn”.

Từ suy nghĩ đơn giản là muốn cảm ơn mẹ đã sinh ra em, cho em cuộc sống này nên Yến Nhi muốn làm những bông hoa tặng mẹ mình. Từ đó, em chọn làm hoa sáp vì thân thiện với môi trường, bền đẹp khi dùng để trang trí nơi sinh sống và làm việc.

Niềm vui cũng đã đến với cô gái có ý chí, nghị lực phi thường khi mô hình sản xuất và kinh doanh hoa sáp của Yến Nhi đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp Hậu Giang năm 2023 và đoạt giải ba “Tìm ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Hậu Giang năm 2022”; giải ba cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Hiện tại sản phẩm rất được yêu thích, khách hàng ở các tỉnh thành đặt hàng. Cơ sở của Yến Nhi đã giải quyết cho 10 lao động thường xuyên, với nguồn thu nhập vài triệu đồng/tháng.

Với lòng đam mê giúp người dân có mái tóc khỏe, đẹp, hơn 20 năm qua, chị Đặng Thị Kim Ngọc, ở huyện Vị Thủy, đã nghiên cứu chế tạo ra dầu gội dược liệu N22. Chị Ngọc tâm sự: “Những năm 1980, với người dân ở quê, một cục xà bông cũng là xa xỉ. Gia đình tôi dùng nước tro từ than củi hòa vào nước, đợi đến khi phần tro lắng xuống đáy thì gạn lấy phần nước trong để gội đầu. Muốn tóc thêm mượt mà, ngoại tôi dùng lá dâm bụt hoặc lá gòn vò nát hòa thêm vào”. Có lần chị Ngọc hỏi ngoại sao không mang mấy cái nước này ra chợ bán, ngoại cười và trả lời người ta chỉ bỏ tiền mua dầu gội, chứ ai lại mua mấy thứ nước của ngoại làm bao giờ. Lúc đó, chị thầm nghĩ khi lớn lên sẽ mang những thứ của ngoại đi bán khắp nơi.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ rồi ước mơ của chị Ngọc cũng đã trở thành hiện thực. Do sự vượt trội so các sản phẩm dầu gội khác, sản phẩm dầu gội dược liệu N22 của Công ty TNHH MTV Tâm Phúc Thành do chị Kim Ngọc làm chủ đã và đang cung ứng số lượng lớn trên thị trường. Trong năm 2024 sẽ tiếp tục phân phối trên 300 nhà thuốc trong toàn quốc. Lọt vào chung kết Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2023, dự án “Dầu gội dược liệu N22 - siêu sạch gàu, ngăn rụng tóc” của chị Đặng Thị Kim Ngọc đã đoạt giải nhất và tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, dự án được trao giải Ba.

Khơi nguồn khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo

Chuối Việt được khách hàng nước ngoài đặt hàng với số lượng lớn nhưng chưa đủ nguồn cung.

Ngay từ còn tuổi ấu thơ, Lê Vũ Lâm, hiện là chủ hộ kinh doanh chuối Việt, ở ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã bén duyên với cây chuối. Vũ Lâm chia sẻ cái duyên với cây chuối và vùng đất Hậu Giang rằng: “Mẹ của em làm vựa trái cây ở chợ Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, lúc đó em mới 3 tuổi. Năm em 11 tuổi, sau mỗi buổi tan học về em đi lặt hoa chuối, rửa chuối. Lớn lên dù tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện, nhưng ra trường làm quản lý Farm kỹ thuật chuối cho Công ty Hoàng Anh Gia Lai và làm chuỗi cung ứng thực phẩm cho các siêu thị nên nắm bắt được nhu cầu, sức tiêu thụ của các nước. Với niềm đam mê cây chuối, em đi học cách làm chuối ở Trung Quốc, Philippines và học kỹ thuật trồng chuối”.

Khi lập gia đình ở huyện Phụng Hiệp, Vũ Lâm thấy ở đây đất phèn nên một số cây trồng không phù hợp, trong khi đó cây chuối lại cho chất lượng ngon, màu sắc đẹp nên chọn Phụng Hiệp để làm nơi khởi nghiệp. Vì đây là cây trồng mới, để người dân có thể thấy hiệu quả kinh tế, Vũ Lâm đã đi đầu làm trước. Đầu tiên, Lâm trồng trên diện tích 5ha, bình quân chi phí đầu tư, nhân công 1ha chuối cấy mô từ 120-150 triệu đồng. Sau 9 tháng trồng, thu hoạch 2 vụ/năm với khoảng 80 tấn trái, giá bao tiêu hiện nay là 5.000 đồng/kg. Như vậy, lợi nhuận bình quân mỗi năm từ 300 triệu đồng trở lên.

Chuối được trồng theo tiêu chuẩn sạch, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và đã được xuất sang nước ngoài. Sản phẩm hiện tại chưa đủ cung ứng cho thị trường. Từ hiệu quả kinh tế, đến nay chuối cấy mô được người dân quanh vùng học hỏi kỹ thuật trồng, nâng diện tích lên 40ha. Vũ Lâm đang chuẩn bị đầu tư nhà sấy lạnh để làm các sản phẩm chuối đóng hộp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho người dân trồng chuối cấy mô, đồng thời hướng người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp thổ nhưỡng để phát triển kinh tế gia đình, cùng xây dựng hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn.

Các dự án khởi nghiệp nhận giải tại Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang lần III năm 2023.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Có thể nói khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những định hướng ưu tiên trong chính sách phát triển của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Khởi nghiệp là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo được rất nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên, phụ nữ, nông dân... Tỉnh luôn nêu cao tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng. Tỉnh mong muốn hình thành những doanh nghiệp trẻ, có hàm lượng công nghệ cao tạo động lực phát triển bền vững nền kinh tế tỉnh nhà.

Để thúc đẩy, giúp cho các dự án khởi nghiệp thành công, thời gian qua tỉnh Hậu Giang rất quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và xem đây là một trong những hoạt động thiết thực, là một động lực để các ý tưởng hiện thực hóa và phát triển, qua đó sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, của Hậu Giang nói riêng.

Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức thành công 3 lần Cuộc thi khởi nghiệp vào năm 2019, 2021 và 2023. Qua các cuộc thi đã có trên 450 ý tưởng và dự án tham gia tranh tài. Đặc biệt, các dự án đạt giải đã triển khai thực tế và đi vào cuộc sống, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể như cuộc thi lần thứ 1, mô hình của chị Nguyễn Kim Thùy “Cơ sở kinh doanh và chế biến cá thát lát Kỳ Như”. Cuộc thi lần thứ 2 có mô hình của chị Lý Hồng Tiên “Chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản”. Cuộc thi lần thứ 3, mô hình của chị Cao Thị Cẩm Nhung với “Sản xuất thịt thực vật từ mít”...

 

 

THÀNH XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>