Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới

10/02/2024 | 06:56 GMT+7

Từ thành công của Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, hình ảnh ngành sản xuất lúa gạo tỉnh nhà nói riêng và Việt Nam nói chung đã đến gần hơn và nhận được nhiều sự quan tâm của các quốc gia giàu tiềm năng nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (bìa phải) trao quà cho các vị khách quốc tế tại Festival lúa gạo.

Từ đồng lúa hiện đại...

Hậu Giang có đất nông nghiệp chiếm trên 86% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, khoảng 70% dân số sống bằng nghề nông. Trên 100.000 hộ dân trồng lúa, sản lượng mỗi năm đạt trên 1 triệu tấn, thu nhập bình quân của người trồng lúa khoảng 2.000 USD/người/năm. Với kinh nghiệm dày dặn trong sản xuất lúa gạo và tổ chức thành công Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 đã giúp tỉnh nhà ghi dấu ấn đậm nét với bạn bè gần xa.

Ngành hàng  lúa gạo đang đẩy mạnh tái cơ cấu để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Venezuela là một quốc gia xa xôi về địa lý với Việt Nam, nhưng có đầy đủ tiềm năng lớn để sản xuất lúa gạo, đặc biệt nuôi rất nhiều trâu. Với thế mạnh về nhân lực, máy móc và kinh nghiệm, Venezuela đang sở hữu nhiều lợi thế để phát triển nhiều cây trồng của Việt Nam trong đó có lúa gạo. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Đất đai Venezuela Wilmar Alfredo Castro Soteldo cho biết như vậy và đánh giá cao công tác tổ chức Festival lúa gạo của Hậu Giang. Ông và các doanh nghiệp Venezuela rất ấn tượng với các máy móc sản xuất lúa của Việt Nam được trưng bày tại triển lãm. Đồng thời, ông Wilmar Alfredo Castro Soteldo mong muốn Hậu Giang có thể đồng hành, hợp tác để cùng Venezuela tăng cường sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, phát huy thế mạnh vốn có.

Còn với Philippines, Chính phủ nước này đang ưu tiên phục hồi ngành nông nghiệp trở thành động lực tăng trưởng cho kinh tế đất nước. Philippines muốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp với khát vọng có thể cung cấp đủ nguồn cung thực phẩm với mức giá mà người dân có thể chi trả.

Lãnh đạo Trung ương và Hậu Giang chụp ảnh lưu niệm cùng các đoàn khách quốc tế.

Lần đầu tiên đến thăm Hậu Giang đúng dịp tổ chức Festival lúa gạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Dr. Leocadio Sebastian đánh giá cao thế mạnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

“Dù không có nhiều thế mạnh về nông nghiệp như Hậu Giang do điều kiện tự nhiên, nhưng mục tiêu của Philippines là làm sao để phát triển thêm diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi mong muốn hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Hậu Giang trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới”, ông Dr. Leocadio Sebastian này tỏ.

Còn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Nepal Bedu Ram Bhusal cho biết, dù sản lượng lúa gạo của Nepal đã tăng 24% trong 20 năm qua, nhưng vẫn phải nhập khẩu gạo. Nepal coi Việt Nam là hình mẫu trong phát triển nông nghiệp khi gia tăng nhanh được sản xuất, chế biến, tiếp cận thị trường. Đồng thời, bày tỏ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với Nepal, trong đó có trao đổi giống lúa năng suất cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo tỉnh tham quan Con đường lúa gạo Việt Nam.

“Sản lượng thấp, giá lúa gạo bấp bênh. Mỗi năm chỉ canh tác được một vụ do không đủ nước tưới, phải bỏ nhiều tiền để nhập khẩu gạo hàng năm” đang là những khó khăn mà Cộng hòa Sierra Leone (một quốc gia nằm ở Tây Phi) đang gặp phải. Thứ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và An ninh lương thực Sierra Leone Sahr Hemore cho biết Sierra Leone có 4,5 triệu héc-ta sản xuất lúa, nhưng với những khó khăn nội tại, quốc gia này vẫn rất mong muốn Việt Nam hỗ trợ làm chủ công nghệ sản xuất, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, ứng dụng quy trình sản xuất tốt trong nông nghiệp và tăng cường năng lực của nông dân. “Chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm chuyển mình từ một nước thiếu gạo thành nước xuất khẩu gạo cũng như phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này”, Thứ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và An ninh lương thực Sierra Leone bày tỏ.

Còn ngài Yang Saing Koma, Thứ trưởng Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, bày tỏ ấn tượng sâu sắc khi đến Hậu Giang. Với vai trò của mình, Thứ trưởng Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia cũng rất quan tâm đến các dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và mong muốn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng bền chặt hơn nữa.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Các cuộc hội thảo, các buổi gặp gỡ song phương tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 đã làm rõ thêm về những chính sách. Hoạt động hội thảo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà khoa học xích lại gần nhau hơn, chia sẻ những cách làm, kinh nghiệm hay, đặc biệt là những sáng kiến, sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị từ lúa gạo. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi các kế hoạch để đưa sản lượng lúa, gạo và chất lượng gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới.

...đến Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Một trong những điểm nhấn trong Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 là việc công bố Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt, ban hành. Với mục tiêu hình thành được một vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Australia đã tham gia vào lĩnh vực lúa gạo ở khu vực Mekong từ năm 1995. Hiện, quốc gia này có 14 dự án khác nhau liên quan đến sản xuất lúa gạo bền vững. Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski bày tỏ: “Tôi cho rằng đây là một sáng kiến hay. Đề án hứa hẹn về một kế hoạch tổng thể tại khu vực ĐBSCL. Australia cam kết đồng hành cùng Việt Nam để tìm kiếm các giải pháp”.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cam kết đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Bà Carolyn Turk tin tưởng đề án này sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông dân, cho nền nông nghiệp Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho ngành kinh tế cũng như cải thiện đời sống của người dân.

Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam nên huy động và có sự lồng ghép các nguồn lực tài chính, giải quyết những vấn đề khó khăn về pháp lý, về thủ tục hành chính và đặt trọng tâm của các hỗ trợ vào người nông dân. Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ đề án này thông qua các cơ chế để Việt Nam có thể tham gia thị trường các-bon tự nguyện. Tương lai chúng ta có thể sử dụng được một nguồn tài chính bền vững để tiếp tục các hoạt động phát triển và sinh kế.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo 2023 được tổ chức tại Hậu Giang không chỉ là niềm tự hào của tỉnh mà còn là niềm tự hào của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là sự kiện quy mô, tầm cỡ nhất trong suốt hành trình 14 năm kể từ khi Festival lúa gạo lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2009.

Sự kiện đánh dấu sự “chuyển mình” của ngành hàng lúa gạo từ giá bán thấp sang lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, từng bước hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Từ mảnh đất đồng bằng, lúa gạo Việt Nam đã vươn tầm ra thế giới, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Thành công từ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng các đại biểu, khách mời trong và ngoài nước. Đây là bước khởi đầu quan trọng, không chỉ khẳng định tiềm năng, thế mạnh của Hậu Giang mà còn tạo tiền đề để nâng tầm cho hạt gạo Việt, sức bật cho Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, cần cù, mến khách, yêu lao động. Đồng thời, Festival cũng quảng bá nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm nay của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam cam kết thể hiện trách nhiệm của mình trước thách thức của biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

 

MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>