Ngày mai bắt đầu từ hôm nay

11/02/2024 | 05:55 GMT+7

Bữa hổm đi tham quan Con đường lúa gạo Việt Nam tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, nhìn thấy cái bồ đập lúa, cối xay lúa, cây nọc cấy, máy suốt... mà nhớ ông ngoại quá.

Mấy vật dụng này gắn bó với ngoại từ tuổi thơ đến những năm cuối đời. Chính những người như ngoại và bao lớp nông dân ngày xưa đó, đã góp phần đặt nền móng cho nền nông nghiệp hôm nay.

Hồi đó, cứ mỗi lần giận là ông ngoại la mấy đứa cháu: “Không chịu khó học hành, mai mốt cho đi làm ruộng thấy mồ tổ nghe con”.

Ngoại mất hơn chục năm nay, lâu lâu nhớ lại mấy câu chửi đó thấy thương ngoại. Một đời làm ruộng cơ cực nhưng ngoại quyết gắn bó. Phải chi ngoại sống tới giờ chắc mấy chục công ruộng của ngoại thu lợi lớn, vì giá lúa bây giờ cao dữ lắm!

Người làm ruộng đang đứng trước nhiều cơ hội, khi lúa gạo có giá, thị trường mở rộng.

Ngày xưa làm ruộng cực khổ, nhiều người xứ này chỉ muốn làm nghề khác. Ngoại chia đất cho mấy dì, cậu. Làm giấy tờ xong, người bán lấy vốn mở tiệm tạp hóa, người mở quán ăn, người bán xong đi thành phố làm công nhân... Mấy dì, cậu đều nói làm ruộng nặng nhọc chịu không nổi, biết khi nào giàu.

Hôm mấy cậu bán đất, ngoại buồn, ngồi cái võng bên hiên nhà hút hết mấy điếu thuốc rê rồi cứ thở dài. “Chắc riết không ai còn làm ruộng”, ngoại trầm ngâm.

Khách nước ngoài dự Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Cậu Hai gợi ý: “Còn mấy công đất tía bán hết đi, lấy tiền sắm vàng dưỡng già, già cả rồi mần sao nổi, tiền bạc ăn uống hàng ngày để tụi con lo”.

Ngoại giận đỏ mặt: “Nghỉ làm ruộng hết sau này lấy lúa lấy gạo đâu ăn”.

“Người ta ăn gạo Thái, thơm Đài Loan không à. Mình không làm ruộng thì biết bao nhiêu người khác làm, tía lo quá à”, cậu Tư phân trần.

Ngoại nín thinh không nói gì.

Chia đất đai cho cả chục người con, ngoại còn lại chưa đầy 2 công đất, nói để dưỡng già. Nói thì nói vậy, chứ tôi biết ngoại nhớ nghề làm ruộng, để đất lại là ngoại muốn tiếp tục gắn bó với cái nghề bao đời nay.

Cây lúa sẽ luôn được ngợi ca trên vùng đất này và người trồng lúa sẽ luôn được tôn vinh, trân trọng.

Sinh thời, ngoại hay nói: Người Việt Nam mình sống phải có lúa, có gạo, đó là nếp sống, là văn hóa. Người Việt mình cái gì mở đầu cũng hỏi ăn cơm chưa? Mời ăn cơm mở đầu câu chuyện. Lúa là hạt vàng, gạo là hạt ngọc, mình sống trên vàng ngọc phải biết tận dụng...

Quanh xóm này, nhà tường san sát được xây cất lên đều từ nghề làm ruộng. Hổm rày cả xóm rất vui, vì lúa được giá, thương lái tới nhà mua ào ào, lúa chưa gặt đã có người đến đặt cọc mua, tám chín ngàn đồng 1kg. Mấy cậu tôi bán hết đất đai, bây giờ nhìn lại tiếc đứt ruột, nói với nhau không ngờ làm ruộng bây giờ ngon lành vậy. Nói như ông Nguyễn Văn Hây, ở xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A), một trong những lão nông sản xuất lúa thuộc hàng “thượng thừa” ở xứ này: Dân gian hay truyền nhau câu nói muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, giờ thì đổi lại muốn giàu trồng lúa. Đừng chê nghề ruộng, làm lúa coi chừng giàu hồi nào không hay, thời tới cản không kịp.

Làm ruộng bây giờ khác xưa, ông Trần Văn Triệu, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, “tác giả” của 10.000 chậu lúa được trưng bày tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, chia sẻ: “Làm ruộng bây giờ sướng hơn xưa rất nhiều, nhưng đã thay đổi phương thức canh tác, nhẹ nhàng hơn, có công nghệ, có nhà đi xe bốn chỗ tới ruộng lúa luôn rồi! Lúa gạo không đơn giản món ăn, thực phẩm mà là câu chuyện lớn về an ninh lương thực. Mấy đời gắn bó với nghề làm ruộng, ai chê nghề này chứ tui thấy thu nhập bền vững, ổn định, có trúng có thất nhưng không có chuyện thất nghiệp”.

Rõ ràng, nghề trồng lúa đang đứng trước nhiều cơ hội lớn. Đất nuôi ta lớn, nghề ruộng chăm bẵm cho ta có cuộc sống đủ đầy, nhìn về tương lai, dù có nhiều thay đổi, thì cái ăn vẫn là nhu cầu thiết yếu nhất trong những nhu cầu thiết yếu, nên làm nông nghiệp nói chung, làm ruộng nói riêng sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu quan trọng về an ninh lương thực dù ở bất cứ thời điểm nào, giai đoạn nào.

Như nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát từng chia sẻ: Trên thế giới, gạo là lương thực chính của trên 3 tỉ người. Sản xuất lúa gạo là việc làm và thu nhập chính của khoảng 140 triệu hộ nông dân nhỏ, sử dụng 11% đất canh tác toàn cầu. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng nhiều nước vẫn thiếu gạo, nên làm lúa bây giờ là nghề “hot”.

ĐBSCL đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu, chính nơi đây đã sản sinh biết bao nhiêu triệu phú... đồng ruộng. Khắp nơi nơi trên đất Hậu Giang, không khó bắt gặp được những lão nông giàu có, phất lên từ nghề làm ruộng. Nói tỉ phú thì hơi... “nổ”, nhưng thu nhập vài tỉ đồng/năm với những nông dân này là chuyện thường. Như ông Thiều Văn Hải, ở ấp Trường Thắng, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, thu nhập khoảng 2 tỉ đồng/năm; ông Lâm Ngọc Quang lão nông (Bảy Quí) huyện Vị Thủy, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tôn vinh “Nông dân sáng tạo - sản xuất lúa giỏi”, tiên phong trong sản xuất, cung cấp giống lúa chất lượng cao. Lão nông Nguyễn Văn Sáng, ở thành phố Vị Thanh, làm lúa giỏi và giỏi sáng chế, làm ra chiếc máy tự động xúc lúa trên, sản phẩm được bán tới bên Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, rồi đi xa tận miền Trung.

Đâu chỉ vậy, làm ruộng nếu theo hướng giảm phát thải còn có cơ hội bán tín chỉ carbon cho Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc các nước phát triển để thu tiền tỉ về cho đất nước, người dân. Hậu Giang là địa phương được Chính phủ chọn làm nơi công bố “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Để thực hiện đề án này, đến năm 2025 tỉnh đăng ký 28.000ha và đến năm 2030, nâng lên 46.000ha. Với diện tích này, số tín chỉ carbon được bán sẽ không ít.

Ở tỉnh láng giềng Kiên Giang, dự báo năm 2024 tỉnh này có 60.000ha lúa nằm trong đề án trên và dự kiến bán tín chỉ carbon khoảng 30.000ha. Bởi vậy, nói làm ruộng bây giờ là nghề làm giàu hoàn toàn có cơ sở.

Cây lúa sẽ luôn được ngợi ca trên vùng đất này và người trồng lúa sẽ luôn được tôn vinh, trân trọng, quê hương luôn đẹp khi có những mùa vàng, đất và nước giao tình tạo nên đồng lúa hẹn hò những mùa gặt bội thu.

Nông nghiệp là thế mạnh của Hậu Giang nói riêng, cả nước nói chung và nghề làm ruộng dung dưỡng cho biết bao thành quả hôm qua, hôm nay và tương lai.

Chợt nhớ lời ngoại hay nói hồi đó: Thành quả lớn nào cũng bắt nguồn từ khởi đầu nhỏ, những điều tưởng chừng bình thường nhất. Nông nghiệp nói chung, làm ruộng nói riêng của nước ta biết đâu sẽ có ngày đứng đầu thế giới về sản lượng, xuất khẩu. Cách làm nông nghiệp nước mình dù còn truyền thống, chưa hiện đại, nhưng nếu chịu thay đổi từ những cái nhỏ nhất thì sẽ có ngày thành công. Kết quả ngày mai bắt đầu từ hôm nay!

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gây bất ngờ với câu hỏi “Bạn ăn cơm chưa ?” tại sự kiện lớn

Còn nhớ tại Lễ khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mở đầu bài phát biểu với câu hỏi khiến nhiều người bất ngờ: “Bạn ăn cơm chưa?”, để nói về văn hóa và giá trị hạt gạo Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ đầy cảm xúc: “Tự bao giờ, cây lúa, hạt gạo, bữa cơm đã đi vào lời ăn, tiếng nói, hòa quyện vào đời sống văn hóa, tinh thần trên đất nước mang hình chữ S có nền văn minh lúa nước, như biểu tượng của sự quan tâm, chia sẻ, gắn kết gia đình, bạn bè gần xa.

Đất mẹ hào sảng hòa với tâm sức của con người, gieo trồng mầm xanh, tạo nên mùa vàng bội thu.

“Hạt gạo Việt Nam - Hạt gạo tình thân” luôn là khẩu phần thân thuộc trong từng bữa cơm, từng bữa ăn ngon lành, vui vẻ của người người, nhà nhà khắp mọi nơi trên thế giới”...

 

HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>