Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hơn trụ cột nông nghiệp

13/02/2024 | 07:44 GMT+7

Quá trình kiến thiết quê hương,  phát triển nông nghiệp huyện nhà, chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ hơn nữa của nông dân Long Mỹ anh hùng !

Năm 2023, huyện Long Mỹ triển khai thực hiện trụ cột nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo (Nghị quyết 04), trong đó, với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp nên ngay sau Nghị quyết này được ban hành, huyện Long Mỹ đã nhanh chóng đưa nhanh vào cuộc sống.

Trao đổi cụ thể nhiều vấn đề về nông nghiệp huyện nhà, ông Trần Chí Hùng (ảnh), Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ, đánh giá địa phương đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nền tảng, góp phần cho nông nghiệp Long Mỹ phát triển bền vững hơn.

Ông Trần Chí Hùng nói:

- Thực hiện Kế hoạch 213 ngày 22/12/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 04, với mong muốn là địa phương đi đầu trong phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp nên địa phương đã nhanh chóng ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện.

Có thể kể đến đó là Huyện ủy ban hành Chương trình số 103 ngày 15-4-2022 về thực hiện Nghị quyết 04; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 73 vào tháng 5 thực hiện phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch huyện, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch, ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng lồng ghép vào các kế hoạch phát triển sản xuất hàng năm.

Trong các văn bản trên đã xác định những nội dung đột phá gì, thưa ông ?

- Có nhiều nội dung quan trọng cần hiện thực hóa Nghị quyết 04, trong đó chúng tôi chọn những mặt trọng yếu sau để tập trung. Trước tiên đó là xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng bộ, hiện đại, chủ động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng thông qua các hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế, chế biến nông sản. Đồng thời, mở rộng vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu, thủy sản tập trung gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và chương trình mỗi xã một sản phẩm của địa phương.

Song song đó là kịp thời hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư các cơ sở sơ chế biến, nâng cao giá trị gia tăng cho các nông sản thông qua việc vận dụng các cơ chế, chính sách, hỗ trợ của Trung ương và địa phương.

Vậy triển khai thực hiện đến nay, huyện nhà đạt được kết quả nào, đâu là những điểm sáng nổi bật ?

- Sau thời gian tập trung thực hiện, huyện nhà đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Những ngày tết đến xuân về, tôi xin trân trọng thông tin với bà con những điểm sáng nổi bật.

Đó là, đã đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chủ động tưới, tiêu, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia đầu tư, bao tiêu vào địa bàn. Qua 2 năm triển khai, huyện đã mở rộng diện tích chủ động tưới tiêu từ 7.907ha lên 8.848ha. Đến nay, hạ tầng phục vụ sản xuất cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

Hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 4 trụ cột, huyện Long Mỹ đầu tư hệ thống đê, cống, mở rộng diện tích tưới tiêu lên 8.848ha.

Trên cơ sở hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, bước đầu huyện hình thành 8 cánh đồng lớn canh tác lúa trên địa bàn với diện tích 3.850ha, hình thành vùng chuyên canh cây mãng cầu gai 176ha, trong đó 24,6ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; vùng lúa - tôm ngoài đê bao ngăn mặn 233ha giúp người dân vùng chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn có thu nhập thường xuyên và cao hơn độc canh lúa; mở rộng vùng chuyên canh khóm gắn với tiêu chuẩn VietGAP tại xã Vĩnh Viễn A; xây dựng vùng chuyên canh lươn không bùn đồng thời mở rộng diện tích nhân giống lươn cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện.

Ngoài ra, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như mô hình trồng dưa trong nhà kính, rau màu trong nhà lưới, mô hình nuôi lươn Aquaponic và mô hình tuần hoàn: nuôi bò - lươn - trồng cỏ cũng đã mang lại hiệu quả cao và đang được địa phương nhân rộng.

Huyện đã chọn và hỗ trợ đầu tư từng bước cho: Cơ sở trà Phụng Phát, cơ sở trà Diễm Phượng, Hợp tác xã mãng cầu Thuận Hòa, Hợp tác xã nuôi lươn Thuận Phát, Hợp tác xã khóm Phúc Thịnh, Công ty TNHH mật ong Niềm My đầu tư phát triển sản phẩm OCOP, đầu tư cùng nguyên liệu cung cấp cho việc sơ chế, chế biến từng bước nâng cấp lên thành nơi tham quan, mua sắm đặc sản địa phương, ẩm thực với những nét văn hóa riêng, đặc trưng của vùng đất bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (đất bị nhiễm phèn, bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sản xuất - PV).

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được phát triển, mở rộng qua từng năm, nhất là trong tiêu thụ lúa, cây ăn trái - mãng cầu. Các phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao được người dân địa phương hưởng ứng tích cực, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, nâng lên.

Cuối cùng, mong muốn rõ nhất cũng đạt kết quả cao, đó là thu nhập và đời sống của người dân nông thôn được nâng lên rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể do được tiếp cận các mô hình sinh kế phù hợp.

Đạt được kết quả trên, theo ông xuất phát từ các nguyên nhân nào ?

- Tôi cho rằng có các nguyên nhân cơ bản sau: Được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh bằng những cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp cùng sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền, người dân trên địa bàn huyện nên nông nghiệp, nông thôn huyện nhà ngày càng phát triển; do tư duy nông dân về sản xuất nhanh chóng được thay đổi.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện xác định hướng đi đúng, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, với nhiệm vụ đột phá: “Tập trung tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất nông nghiệp an toàn với thị trường và phát triển du lịch nông nghiệp” nên các cấp ủy, chính quyền và  người dân vào cuộc rất quyết liệt.

Huyện ủy, UBND huyện luôn chỉ đạo, đôn đốc kịp thời; chịu sự giám sát chặt chẽ trong triển khai thực hiện của cơ quan chức năng; quá trình thực hiện luôn lắng nghe nông dân, phản biện của nông dân và thị trường để thích ứng, phát triển bền vững.

Trên nền tảng có được, huyện sẽ tập trung thế nào nữa để nâng chất, đưa trụ cột nông nghiệp đi lên xứng tầm ?

- Quan tâm phát triển nhiều mặt của kinh tế, xã hội huyện nhà trong năm 2024, song lĩnh vực nông nghiệp đã và sẽ được chú trọng nhiều hơn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nhằm chủ động tưới, tiêu và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đảm bảo nông sản hàng hóa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng và số lượng của kinh tế thị trường.

Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, mô hình tuần hoàn đa giá trị và nhất là đầu tư khai thác có hiệu quả vùng ngoài đê bao ngăn mặn, tạo thu nhập thường xuyên cho nông dân.

Triển khai xây dựng “cánh đồng không dấu chân người nông dân” thông qua với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, gắn với Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Tập trung xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, máy móc, thiết bị cho 4 hợp tác xã tham gia Đề án phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh, trong đó, chú trọng tạo việc làm dịch vụ nông nghiệp, việc làm phi nông nghiệp tại chỗ cho lao động nông nhàn của hợp tác xã.

Tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho các chủ thể OCOP mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản địa phương, lựa chọn các chủ thể OCOP có tiềm năng để phục vụ cho khai thác du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, gắn kết với các tour, tuyến du lịch chung của tỉnh.

Phát huy lợi thế “Nút giao” cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh; tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp của huyện, nhất là các doanh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, vật tư, nguyên liệu phục vụ nông nghiệp.

 Hiện nay, những gam màu sáng của nông nghiệp đã ánh lên, song đâu đó vẫn còn dấu lặng. Những dấu lặng ấy lãnh đạo huyện sẽ quyết tâm đề ra những giải pháp phù hợp để sớm trở thành dấu thăng.

Quá trình xây dựng quê hương,  phát triển nông nghiệp huyện nhà, chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ hơn nữa của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đặc biệt là người nông dân Long Mỹ anh hùng - chủ thể không thể thiếu để chúng ta cùng nhau thành công !

Ông Trần Chí Hùng: Thực hiện Nghị quyết 04, huyện phát triển mạnh kinh tế tập thể, trong đó có 4 hợp tác xã được chọn tham gia Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đó là Hợp tác xã nuôi lươn Thuận Phát, Hợp tác xã nông nghiệp Phúc Thịnh, xã Vĩnh Viễn A; Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Lợi, xã Thuận Hưng và Hợp tác xã nông nghiệp Cao Cường, xã Thuận Hòa, đây là cơ sở điểm, hiện hoạt động nề nếp, hiệu quả khá sẽ được huyện quan tâm hơn để nhân rộng thời gian tới.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông !

TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>