Sôi động nghề đan đát

15/12/2020 | 19:03 GMT+7

Dù trải qua thời gian nhiều biến đổi, nhưng những người làm nghề đan đát truyền thống dọc kênh Cả Đỉa, thuộc ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, vẫn còn hiện hữu những cái rổ, cái nia... được làm ra từ những bàn tay “nghệ nhân miệt vườn” tuy mộc mạc, nhưng vẫn đẹp lạ thường.

Các thành viên trong HTX Thanh Tú đang khẩn trương đan giỏ đựng quà tết bằng lục bình, để kịp giao hàng cho khách.

Không ồn ào náo nhiệt giống như làng nghề đan cần xé ở thành phố Ngã Bảy, những người làm nghề đan đát ở ấp 10, xã Vị Thắng, chủ yếu đan những vật dụng nhỏ sử dụng hàng ngày như rổ, xịa, xề, nia, giần, sàng... Là những thứ tưởng chừng như đã bị lãng quên, nhưng đến nay vẫn được người dân trong ấp duy trì nghề nghiệp. Nếu như ngày thường, khung cảnh làng quê nơi đây tĩnh lặng thì những ngày gần tết như hiện nay lại đông người lui tới mua rổ, mua xề, đặt đan thúng, đan nia.

Sau lời chào tiễn chân khách ra về, chị Ba Duyên (Hồ Thị Duyên), Tổ trưởng Tổ liên kết đan rổ ấp 10, xã Vị Thắng, quay sang tôi rồi nói: “Cậu ấy ở tỉnh mình đến đặt đan hơn trăm cái thúng, rổ, nia, xịa, xề loại nhỏ dùng để trưng bày triển lãm và làm quà lưu niệm tặng cho khách tham quan hội chợ”. Khổ nỗi lúc này là ngay thời điểm cận tết, bà con gấp đan cho nhiều mối lái vùng lân cận như Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng… đặt trước để họ kịp bán trong dịp tết. Nói thì nói vậy chứ gấp đến đâu cũng phải nhận nếu không mình sẽ mất mối làm ăn và mất đi chữ tín với khách hàng”. Chị Duyên cho rằng nghề đan đát này không khó, người mới vào nghề cần nhớ rõ những phương cách rầy nan, bẻ miệng, lận vành là được.

Nhiều vị cao niên ở đây cho biết nghề đan rổ, thúng, nia, giần, sàng ở đây có từ rất lâu, lúc đầu chỉ số ít người đan để sử dụng trong gia đình, hay làm quà tặng cho thân nhân, bà con hàng xóm. Nghe tiếng đồn xa là rổ, nia, giần, xề của bà con xứ Cả Đỉa này đan không chỉ khéo tay mà còn chắc, bền, đẹp, một số người rảnh rỗi thấy vậy tập làm lái buôn đặt bà con đan nhiều rồi chở đi bán lẻ. Mối lái ngày một nhiều thêm, người làm nghề cũng dần phát triển, giờ thì con số đã lên hàng trăm hộ theo nghề, tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Nghề này nếu người có đôi tay nhanh lẹ, khéo léo thì một người trong ngày có thể đan được 2-3 cái rổ lớn, hoặc vài ba cái xịa, cái sàng. Cánh đàn ông mạnh tay thì làm công việc nặng nhọc hơn đan như đốn tre, chẻ trúc, vót nan,... Nhờ vậy mà phần nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trong ấp có khoản thu nhập, không lo túng thiếu tiền chợ, tiền con ăn học, tiền điện nước, đám tiệc…

Gắn bó nhiều năm với nghề từ khi cái tuổi còn là con gái, thời gian trôi nhanh mới đó mà ngót nghét hơn 40 năm, tóc chị giờ cũng đã có vài sợi bạc, nhưng chị vẫn bám trụ với nghề. Chị nói với tôi làm nghề này thu nhập khá nên mê lắm, bởi trước đây dân mình xài toàn đồ đan bằng tre, trúc, đâu có đồ nhựa, đồ nhôm như bây giờ. Một cái rổ làm ra độ bền xài 6-7 năm chưa hư, vậy mà giá bán ra chỉ có 4.000-5.000 đồng/món. Tuy đồ nhựa, đồ nhôm, inox bây giờ bán đầy ngoài chợ, nhưng những thứ thúng, rổ, giần, sàng... đan bằng tre trúc, bán cũng không mất giá 17.000-50.000 đồng một món hàng xô, 25.000-120.000 đồng một món hàng đặt. Nếu là người đan giỏi, nhà có 5-7 người làm, tính ra mức thu nhập mỗi tháng cũng không dưới 6-7 triệu đồng, đặc biệt là những tháng sắp vào vụ thu hoạch lúa, vụ rau màu, hay cận tết thì bà con phải tập trung nguồn nhân lực của gia đình làm ngày, làm đêm mới kịp hàng giao cho khách. Hàng tăng, tiền thu nhập cũng tăng, cộng thêm sự hỗ trợ từ phía chính quyền các cấp bảo lãnh giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo trong ấp vay vốn từ NHCSXH về mua nguyên liệu, nhờ vậy mà họ có được việc làm thường xuyên, đời sống ổn định hơn.

Anh Út Tấn (Nguyễn Thành Tấn), được coi là một tay thợ đan rổ “lão làng” trong tổ cho hay, những sản phẩm của bà con làm ra đều đa dạng chủng loại như thúng, nia, rổ, xề... với nhiều kích cỡ có sức chứa lớn như lúa, gạo mà mặt hàng nhựa không thể cạnh tranh được. Vì vậy, nhu cầu thị trường luôn rất lớn nên người làm nghề có được việc làm quanh năm, công việc giản dị, dễ làm, nhẹ nhàng và phù hợp với lứa tuổi trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. Nếu so về tuổi tác thì có lẽ chị Mười Hồng là người ít tuổi nghề hơn so với nhiều người trong ấp, nhưng chị lại có một biệt tài ngoài có tiếng khéo tay đan các sản phẩm cỡ lớn, chị còn khéo luôn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có kích cỡ nhỏ để trưng bày. Sản phẩm tuy nhỏ chứ khi làm thì rất khó, được cái là đan nhanh, ít hao tre trúc và tiền công nhỉnh hơn mấy sản phẩm lớn nên ai cũng thích làm. Với đôi bàn tay khéo léo của những người lành nghề như chị Duyên, chị Hồng, anh Tấn, anh Ngàn, anh Liệt…, những sản phẩm “tí hon” của bà con trong ấp làm ra đều được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đánh giá tinh sảo nên có rất nhiều người tìm đến đặt đan với số lượng lớn. 

Không chỉ làng nghề đan rổ, xề, nia, thúng của bà con ấp 10, xã Vị Thắng, đang sôi động, mà ngay những người làm nghề đan thảm, bàn ghế, đôn ngồi, túi sách, giỏ đựng quà tết bằng nguyên liệu lục bình của HTX Thanh Tú cũng không kém phần náo nhiệt. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thị Ngọc Thu, Giám đốc HTX chuyên làm gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng cọng lục bình, cùng ấp 10 cho rằng năm nay tuy đơn hàng của HTX không nhiều, nhưng số lượng hàng tăng nhiều hơn năm ngoái. Bình quân mỗi tháng HTX có thể nhận đan gia công từ 5.000-6.000 sản phẩm lục bình cho Công ty Mây Tre Lá Bình Dương. Ngoài ra, trong dịp tết, HTX còn nhận làm gia công hàng trăm cái giỏ đựng rượu, đựng quà tết cho nhiều đơn vị khác nên hàng trăm lao động làm nghề trong và HTX phải khẩn trương gấp rút đan cho kịp giao hàng.

Chị Sáu Nhành (Phạm Thị Nhành), thành viên trong HTX Thanh Tú, cho hay phần đông bà con ở đây đều sống nghề nông, sau vụ mùa thu hoạch lúa nhiều người không có công ăn việc làm, nhờ nghề đan đát lục bình nên có thêm phần thu nhập từ 2-5 triệu đồng/người/tháng. Tuy không nhiều, nhưng cũng đủ trang trải trong gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thị Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, cho biết nếu như toàn ấp có hơn 300 hộ thì có đến hơn 200 hộ làm nghề đan đát tre trúc và cọng lục bình. Nếu như số hộ nghèo những năm trước còn khá cao thì đến năm 2019 trong ấp 10 giảm xuống còn 16 hộ, năm 2020 tiếp tục giảm chỉ còn 3 hộ. Mức thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 48 triệu đồng/người/năm 2019, nay tăng lên 62 triệu đồng/người/năm. Có được như vậy là nhờ vào sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương, hỗ trợ bà con trong công tác đào tạo nghề và thành lập được nhiều tổ nhóm tiết kiệm hùn vốn xoay vòng không tính lãi. Từ đó, giúp bà con làng nghề an tâm sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới địa phương ngày thêm văn minh giàu đẹp...

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>