Trụ vững với nghề

23/01/2019 | 10:30 GMT+7

Với thời buổi cạnh tranh của kinh tế thị trường, có không ít người làm nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, do không tìm được đầu ra. Vậy mà tại cơ sở đúc hình tượng bằng chất liệu composite của anh Lê Hoàng Lý, ở ấp Láng Sen, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, được trụ vững trong thời gian dài.

Những sản phẩm làm ra bằng chất nhựa composite của cơ sở anh Lý.

Không ít người ở đây cho rằng nghề mà anh Lý đang làm không gì lạ, chỉ khác biệt là chất liệu của sản phẩm làm ra. Thông thường những hình tượng phật, ông công, ông địa, hay chim cò, voi, ngựa… được người ta đúc bằng nguyên liệu đồng thau, hay xi măng, cây gỗ. Còn nghệ nhân Ba Lý lại làm từ chất liệu composite nên độ bóng, bền, đẹp và giá cả cũng rẻ hơn nhiều so với những món đồ làm từ nguyên liệu khác. Anh Lý cho biết thị hiếu người tiêu dùng ngày một khắt khe nên người làm nghề nếu không nắm bắt được sở thích của khách thì sản phẩm làm ra khó bề tiêu thụ. Nhờ biết thay đổi tư duy, cách làm nên những năm gần đây sản phẩm làm ra từ cơ sở của anh nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các khu du lịch, cửa hàng bán đồ lưu niệm, hội chơi chim… ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… Tết Kỷ Hợi năm nay, cơ sở của anh cho “ra lò” hàng ngàn con heo, hơn 1.000 con chim cò, mấy trăm ông công, ông táo bằng chất liệu composite, nhưng cũng không đủ cung cho khách theo yêu cầu. Đặc biệt, có một khu du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đặt mua 2 con heo làm bằng chất liệu mốp xốp khối, chiều cao 1,5m, dài 3m, với giá hơn 20 triệu đồng để trưng bày.

Anh Lý cho biết, anh và 4 người thợ phụ phải làm ròng rã suốt hơn 30 ngày đêm mới hoàn thành 2 con heo này. Cái khó nhất của người thợ là trong công đoạn tạo hình, tạo dáng, tạc mặt phải sống động có hồn giống hình mẫu. Khâu pha chế nguyên liệu, vật liệu trang trí, tô màu cũng không kém phần quan trọng, nếu như người thợ không tập trung cao và chính xác thì dáng tượng sẽ không cân đều và bị mất nét. Ngắm những bức tượng được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của anh Lý không phải ai cũng biết anh đã bao lần thất bại với nghề. Đã không ít lần anh có ý định bỏ nghề tìm việc khác mưu sinh, nhưng cho dù đi đâu, làm gì, anh cũng nhớ nghề.

Nhờ tính siêng năng, cần cù, ham học hỏi nên nhiều mẫu mã mới anh làm ra được nhiều người ưa thích. Hàng hóa làm ra không còn ứ đọng, đời sống của gần 20 thợ làm nghề tại đây cũng được nâng lên với mức lương khá ổn định, tùy theo năng lực tay nghề. Chị Ngọc, ở ấp Thạnh Lợi A, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, cho biết gia đình chị thuộc diện khó khăn, được anh Lý nhận dạy nghề miễn phí, chỉ trong thời gian ngắn chị đã thành thạo nhiều khâu trang trí hình tượng. Được anh Lý bao ăn uống, còn được trả lương gần 4 triệu đồng/tháng. Riêng những thợ khác, có tay nghề cao hơn thì mức thu nhập cũng không dưới 5-6 triệu đồng/người/tháng. 

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ UBND xã Tân Long, cho biết: Tuy là cơ sở làm nghề truyền thống còn nhỏ, nhưng là địa bàn giáp ranh nên đã giải quyết được phần nào khó khăn cho số hộ nghèo ở địa phương, giúp nhiều hộ có việc làm ổn định. Việc làm của anh Lý góp phần cùng Tân Long đã góp phần tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>