Một năm đầy nỗ lực của huyện Phụng Hiệp

12/12/2017 | 08:16 GMT+7

Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phụng Hiệp đã hoàn thành đạt và vượt nhiều nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình trồng rẫy dây xen mía ở xã Tân Phước Hưng, đã giúp cho người dân có được thu nhập ổn định.

Nơi khó đã đổi thay

Từng là một trong những xã, thị trấn còn nhiều khó khăn của địa bàn huyện Phụng Hiệp, nhưng xã Tân Phước Hưng giờ đây đã thay da đổi thịt, một vùng nông thôn ngày nào đã có những điểm nhấn của sự phát triển. Hệ thống hạ tầng ngày càng được đầu tư khang trang, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được chú trọng, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện… có được những kết quả này là cả sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân nơi đây. Ông Trần Văn Hai, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng, chia sẻ: “Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh nông nghiệp của địa phương là cây mía, bà con ở đây còn biết trồng xen các loại rau màu, nhờ đó đời sống của bà con ngày càng ổn định. Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo và hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chính sách khó khăn, hộ nghèo…”.

Địa bàn xã Tân Phước Hưng hiện có 2.700ha diện tích đất trồng mía, ước sản lượng cung cấp khoảng 324.000 tấn/năm. Để tăng thêm thu nhập, bà con trên địa bàn còn thực hiện mô hình trồng xen rẫy dây trên diện tích đất trồng mía. Ông Trần Hoàng Giải, ở ấp Thành Viên, xã Tân Phước Hưng, nói: “Nhờ thực hiện mô hình mía trồng xen rẫy dây mà cuộc sống gia đình tôi ổn định lắm. Mỗi năm trừ hết chi phí gia đình tôi thu nhập cũng được khoảng 120 triệu đồng. Ở đây, địa phương cũng thường mở các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt cho bà con chúng tôi. Nhờ vậy, mọi người biết sử dụng phân thuốc đúng cách, nên cây trồng đạt năng suất rất cao”. Thông thường mía được trồng khoảng 7 tháng mới có thể thu hoạch được, trong lúc chờ thu hoạch mía bà con ở đây trồng xen rẫy dây như: khổ qua, dưa leo, bầu, bí… Vì các loại rau màu này, thường trồng và thu hoạch trong khoảng 3 tháng đầu lúc mía đang lớn. Với cách trồng này đã đem lại thu nhập khá ổn định cho người dân trên địa bàn.

Không chỉ hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để bà con áp dụng vào canh tác sản xuất thời gian qua, các hộ nghèo, cận nghèo cũng được địa phương hỗ trợ rất nhiều để ổn định cuộc sống. Nhà không có ruộng đất canh tác, cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào số tiền làm thuê làm mướn kiếm được mỗi ngày của người con trai duy nhất trong gia đình, với khó khăn hiện tại, gia đình bà Nguyễn Thị Xuân, ở ấp Thành Viên, xã Tân Phước Hưng, đã được xét hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế. Bà Xuân tâm sự: “Được Trung tâm Ánh Dương cho mượn vốn nên giờ tôi mới nuôi được mấy chục con vịt, con gà để kiếm thêm chút đỉnh thu nhập. Với hộ nghèo chúng tôi thì số vốn này quý lắm, vì nó như động lực giúp chúng tôi vươn lên để có thể thoát nghèo”. Trong năm 2017, có 92 hộ nghèo trên địa bàn xã Tân Phước Hưng đăng ký thoát nghèo. Để kịp thời chăm lo cho các hộ nghèo thiếu đất, thiếu vốn sản xuất thời gian qua, địa phương luôn chủ động tìm mạnh thường quân để giúp đỡ cho bà con được mượn vốn chăn nuôi, sản xuất.

Từ những sự cố gắng và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và từng người dân, đã làm cho bộ mặt nơi đây tiến triển.

Thành quả của sự đoàn kết, thống nhất

Không chỉ riêng gì xã Tân Phước Hưng, trong năm qua đã chứng kiến sự nỗ lực của tất cả những xã, thị trấn trên địa bàn. Từng phong trào, mô hình đều có sự đầu tư, chuyển biến tích cực. Khơi dậy được nội lực, huy động được sức dân.

Có thể thấy, nhờ tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Thường trực Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh, chỉ đạo triển khai quyết liệt, tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở đó, Đảng bộ huyện đã hoàn thành đạt và vượt 16/18 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra cho năm 2017 (riêng 2 chỉ tiêu liên quan đến xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và xã Phương Bình chưa đạt chuẩn xã nông thôn mới đến thời điểm này chưa đạt, huyện vẫn đang nỗ lực thực hiện).

 Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm, ông Lê Văn Hòa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: “Trong năm này, về sản xuất nông nghiệp địa phương đã đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch. Phát huy có hiệu quả công trình thủy lợi khép kín, đê bao ngăn lũ. Giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển so với cùng kỳ. Các hoạt động thương mại có bước phát triển. Khai thác có hiệu quả các nguồn thu, thu đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Hoạt động thông tin văn hóa tuyên truyền, văn nghệ, thể dục - thể thao được nâng lên. Tỷ lệ học sinh khá giỏi của địa phương không ngừng được nâng cao. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, viện bảo trợ xã hội luôn được tập trung quan tâm. Quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội của địa phương tương đối ổn định, phạm pháp hình sự được kéo giảm…”.

Một số kết quả nổi bật của huyện Phụng Hiệp

Sản xuất nông nghiệp giá trị sản xuất đạt 3.398 tỉ đồng (tăng 0,3% so với năm trước); tổng số vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn toàn xã hội 2.038 tỉ đồng (tăng 4,51% so với năm 2016); có 2 xã giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt trên 10 tiêu chí, giữ vững danh hiệu 7 xã, thị trấn văn hóa; trong năm đã thành lập thêm 5 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã hiện tại lên 21 hợp tác xã; tỷ lệ học sinh bỏ học chỉ chiếm 1%; toàn huyện xây dựng được 112 căn nhà tình nghĩa, 112 căn nhà tình thương, sửa chữa 170 căn nhà tình nghĩa; đào tạo nghề cho 800 lao động nông thôn…

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>