Nhiều hệ lụy từ việc đốt rơm rạ trên đồng

27/03/2024 | 07:58 GMT+7

Mặc dù ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng hiện có không ít nông dân trong tỉnh vẫn còn đốt rơm rạ trên đồng (đốt đồng) sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân. Chính việc đốt đồng đang tạo ra nhiều hệ lụy.

Việc đốt đồng cặp các tuyến đường giao thông đã gây nguy hiểm cho người đi đường vì hạn chế tầm nhìn và bị ngạt khói.

Một trong những hình ảnh hiện nay vẫn còn rất dễ nhìn thấy sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân là việc nông dân tại nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đốt đồng trước khi làm đất để xuống giống vụ lúa Hè thu. Theo lý giải của nông dân, việc đốt đồng cũng mang lại những lợi ích nhất định trong sản xuất lúa.

Đang đứng đốt đồng cho hơn 1ha ruộng lúa của gia đình nằm cặp tuyến Đường tỉnh 931 để chuẩn bị làm đất gieo sạ lại vụ Hè thu, một nông dân ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Tôi và nhiều bà con ở cánh đồng này từ lâu đã có thói quen đốt đồng để tiêu diệt nấm bệnh, côn trùng gây hại còn trú ngụ trong rơm rạ. Ngoài ra, việc đốt đồng theo tôi nghĩ còn tạo ra một lượng phân tro từ rơm rạ để làm phân bón cho cây lúa ở vụ kế tiếp”.

Tuy nhiên, theo đánh giá và trên thực tế thì ngành chức năng, cũng như những người ngoài cuộc đều cho rằng, việc nông dân đốt đồng đang tạo ra nhiều hệ lụy chứ không phải lợi ích như bà con nghĩ.

Bà Nguyễn Thị Liễu, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, thông tin: “Từ nhà tôi đi qua thành phố Vị Thanh thường chạy xe trên tuyến Đường tỉnh 931; điều mà tôi và nhiều người lái xe gắn máy, xe ô tô cảm thấy bất an mỗi khi chạy xe qua tuyến đường này vào buổi chiều trong những ngày vừa qua là tình trạng nông dân đốt đồng gây ra khói mịt mù làm che khuất tầm nhìn cả một đoạn đường khá dài. Trong khi phương tiện qua lại trên tuyến đường này lại khá đông, khi gặp khói đốt đồng phủ kín đường, người lái xe phải giảm tốc độ và chạy thật chậm để cố gắng vượt qua đoạn đường đầy khói từ rơm rạ; có hôm khói từ việc đốt đồng phủ cả đoạn đường dài, tôi vừa lái xe vừa bị ngạt khí do khói”.

Không riêng gì tuyến Đường tỉnh 931 mà cao điểm từ đầu tháng 3 đến nay, trên tuyến đường Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang), cũng như nhiều tuyến đường ô tô, đường liên ấp trên địa bàn tỉnh đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh khói đốt đồng làm ảnh hưởng đến việc đi lại của nhiều phương tiện tham gia giao thông. Nhiều người đi đường mong rằng tới đây nông dân sẽ có giải pháp hay hơn trong việc xử lý rơm rạ trên đồng để không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên các tuyến đường nằm cặp hai bên ruộng lúa.               

Ngoài ảnh hưởng về an toàn giao thông như trên thì theo phân tích của ngành chức năng, việc nông dân đốt đồng không mang lại lợi ích như bà con nghĩ mà mang lại nhiều tác hại. Bởi thực tế cho thấy, khi đốt đồng các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ trở thành các chất vô cơ nên mất đi lượng dinh dưỡng cần thiết. Khi đốt đồng, nông dân vô tình làm lãng phí nguồn dinh dưỡng trong đất, nếu đốt đồng lâu ngày sẽ khiến đất bị biến chất, bạc màu và trở nên chai cứng.

Mặt khác, khi đốt đồng, một lượng khí độc sẽ thải ra môi trường gây ô nhiễm không khí, từ đó ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng đồng nghĩa với việc bỏ đi 1 lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa, thay vì trả lại nguồn dinh dưỡng cho đất thông qua việc xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ. Ngoài ra, việc đốt đồng còn tiêu diệt các loại côn trùng có ích cho cây lúa, làm mất cân bằng sinh thái đồng ruộng. Đặc biệt, hiện nay đang là mùa khô, thời tiết nắng nóng làm cho nhiệt độ ban ngày tăng lên khá cao, thế nên việc đốt rơm rạ trên đồng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra cháy.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về những tác hại của việc đốt đồng, qua đây đã giúp nhiều nông dân thay đổi được thói quen canh tác từ việc đốt rơm rạ ngay trên đồng thì đã chuyển sang sử dụng cơ giới hóa để thu gom rơm rạ ra khỏi đồng ruộng trước khi xuống giống vụ lúa tiếp theo. Tuy nhiên, hiện có không ít hộ dân còn thờ ơ với những hệ lụy của việc đốt đồng nên tình trạng đốt rơm rạ vẫn xảy ra tại nhiều cánh đồng lúa trong tỉnh.

“Tới đây, thực hiện phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Hậu Giang theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tại vùng đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ; ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để hạn chế đến mức thấp nhất việc nông dân đốt đồng sau khi thu hoạch lúa, nhất là ở vụ Đông xuân. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, Hậu Giang phấn đấu có 28.000ha vùng lúa chất lượng cao, trong đó tỷ lệ rơm được thu gom ra khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 70%; đến năm 2030, diện tích tăng lên 46.000ha, tỷ lệ rơm được thu gom ra khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 100%”, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm.

Với nhiều hệ lụy từ việc đốt đồng đã và đang gây ra, thiết nghĩ nông dân trong tỉnh cần thay đổi dần thói quen đốt rơm rạ, thay vào đó có thể tận dụng rơm để trồng nấm, làm thức ăn trong chăn nuôi hoặc bán cho thương lái. Những việc làm trên không chỉ giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập, mà còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững theo mục tiêu mà Đề án 1 triệu héc-ta vùng lúa chất lượng cao được Chính phủ đề ra.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>