Nông dân đổ xô trồng mít Thái

23/03/2017 | 08:58 GMT+7

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, người trồng mít Thái siêu sớm ở ĐBSCL vô cùng phấn khởi bởi giá mít liên tục tăng. Do thấy có thu nhập cao từ cây mít này nên hiện tại nhiều người đang đổ xô trồng mít theo phong trào nên có nguy cơ thừa hàng, dội chợ như đã từng xảy ra đối một số cây trồng khác trước đây.

Điểm thu mua mít Thái ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành.

Ông Nguyễn Văn Biểu, ở ấp Đông Lợi, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho biết chưa bao giờ mít Thái có giá cao ngất ngưởng như năm nay. Với hơn 2.700 cây mít Thái, trong đợt này ông thu hoạch hơn 15 tấn trái, cầm chắc trong tay khoảng 400 triệu đồng. Ông Biểu cho hay: “So với năm rồi thì giá bán ra cao gấp 3, 4 lần. Năm trước cũng vào thời điểm này giá thu mua của thương lái chỉ 6.000-7.000 đồng/kg, nhưng năm nay tới 27.000-28.000 đồng/kg còn tranh nhau mua trái. Nghe nói là họ mua để chuyển sang Trung Quốc”.

Theo ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, giống mít Thái siêu sớm trồng chỉ 2 năm đã cho trái với năng suất dao động từ 35-40 tấn/ha. Kỹ thuật canh tác cũng đơn giản, không cần tốn nhiều công chăm sóc, ít sử dụng phân thuốc như các loại cây ăn trái khác nên trồng mít khá thoải mái, chi phí đầu tư thấp. Bên cạnh đó, mít Thái siêu sớm là loại cây trồng có thể thu hoạch trái quanh năm. Năm nay, người dân trồng mít Thái trong huyện đều có thu nhập khá cao khi giá mít ở mức 33.000 đồng/kg đối với loại I (10kg trở lên) và 24.000 đồng/kg loại II (từ 7kg đến dưới 10kg). Với giá mít cao và ổn định như hiện nay thì người dân có thể thu nhập trên 200 triệu đồng/ha”.

Cây mít Thái siêu sớm đang cho thu nhập cao nên nhiều nông dân ở huyện Châu Thành đã đổ xô trồng loại cây này. Chỉ trong những tháng qua, tại địa phương này đã trồng mới hơn 140ha, nâng diện tích trồng mít Thái siêu sớm ở huyện lên hơn 520ha. Do nông dân ồ ạt trồng nên cây mít Thái giống trở nên khan hiếm. Nếu trước đây, mít giống chỉ có giá 10.000-12.000 đồng/cây thì nay đã tăng lên 30.000 đồng/cây nhưng vẫn không đủ cung cấp cho nông dân.

Trước thực trạng này, lãnh đạo huyện Châu Thành đã chỉ đạo các ngành chuyên môn khuyến cáo người dân không nên phát triển diện tích ồ ạt để tránh tình trạng cung vượt cầu. Ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, cho rằng: “Ở các địa phương trong huyện có đột biến trồng nhiều nên huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con là nơi nào đã trồng thì tiếp tục chăm sóc rồi trồng xen cây khác, chứ nếu chỉ trồng mít khi giá xuống thấp thì rất khó khăn”.

Một số nhà chuyên môn cũng đã cảnh báo nông dân không nên trồng mít Thái siêu sớm theo phong trào, bởi việc đổ xô trồng loại cây này có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu tương tự một số cây trồng khác trước đây, sau đó phải đốn bỏ. Ngoài ra, mít Thái không thể sấy bán mít khô được do cơm mỏng, độ ngọt cao nên khi xảy ra dội chợ thì không thể bán cho doanh nghiệp chế biến. Nông dân phải cân nhắc kỹ khi quyết định đốn bỏ cây ăn trái khác để trồng giống mít này, bởi những năm trước có lúc giá mít rớt chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg.

Bài, ảnh: TẤN PHONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>