Phát triển cây trồng chủ lực

09/10/2018 | 07:54 GMT+7

Hội Nông dân huyện Long Mỹ đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, cải thiện đời sống người dân khi những khu vườn tạp kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây chủ lực.

Mới sản xuất trà mãng cầu hơn một năm qua, nhưng cơ sở của ông Vỹ đã cung ứng hàng trăm ký trà trong và ngoài tỉnh.

Đến khu vườn hơn 5 công đất trồng bưởi da xanh của gia đình ông Trần Văn Đặng và bà Nguyễn Thị Hồng Đoan, ở ấp 4, xã Vĩnh Viễn, ấn tượng đầu tiên là vườn cây sai trĩu quả. Dù tuổi đã ngoài 70 nhưng ông bà vẫn cần mẫn bên khu vườn và quyết tâm gắn bó với loại cây này. Ông Đặng bộc bạch: “Nhà tôi lúc trước trồng mía, khóm, lúa nhưng không đạt hiệu quả và lợi nhuận thấp. Hơn 5 năm trước, nhờ sự khuyến khích và hỗ trợ kinh nghiệm từ địa phương, học hỏi bạn bè nên gia đình mạnh dạn chuyển đổi hẳn sang trồng bưởi da xanh. Hiện giờ cây cho trái đã hơn hai mùa, thu nhập hàng năm gần 200 triệu đồng. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình cũng thoải mái và khấm khá”.

Vừa mới đi ngoài vườn vào, bà Đoan cũng tiếp lời chồng: “So với lúa thì bưởi da xanh cho lợi nhận cao hơn gấp ba, bốn lần. Tuy nhiên, để cây đạt năng suất tôi rất kỹ trong khâu chọn giống, bón phân, cắt tỉa cành, bảo vệ trái ngay khi ra hoa cho đến thu hoạch”. Có thể nói, bưởi da xanh đã mang đến một luồng sinh khí mới cho người dân vùng quê nghèo Long Mỹ khởi sắc về kinh tế.

 Thông tin từ Hội Nông dân xã Vĩnh Viễn, toàn xã hiện có khoảng 90ha trồng bưởi da xanh, nhưng phần lớn đang trong giai đoạn phát triển. Trong hai năm qua, xã cũng tạo điều kiện hỗ trợ cây con giống cho bà con nông dân, hơn 6.000 cây/năm. Ngoài Vĩnh Viễn, xã Thuận Hưng cũng đã chuyển đổi nhiều vườn tạp kém hiệu quả và bưởi da xanh là lựa chọn hàng đầu. Từ đầu năm đến nay, huyện đã cải tạo được 11,78/46,79ha vườn tạp; 38,51/153,46ha vườn kém hiệu quả.

Còn ở xã Thuận Hòa, từ lâu được biết đến với thế mạnh cây mãng cầu xiêm, tuy nhiên để đưa loại trái này đến gần hơn với các tỉnh, thành khác trong khu vực thậm chí là nước ngoài, nhiều nông dân đã mạnh dạn tận dụng nguyên liệu sẵn có này để làm trà. Đây được xem là hướng đi hiệu quả, mang lại nhiều tín hiệu khả quan, tránh trường hợp mãng cầu ùn hàng, dội chợ. Ông Đỗ Văn Vỹ, chủ cơ sở sản xuất trà mãng cầu Thuận Hòa, ở ấp 2, là một điển hình. Ông Vỹ chia sẻ: “Tôi bắt đầu trồng mãng cầu từ năm 2014, diện tích 13.000m2, sản lượng trái cao nhưng dễ bị thương lái ép giá. Vì vậy, tôi quyết định chuyển sang làm thêm trà mãng cầu hơn 1 năm qua, nguồn thu nhập cũng khá, với giá bán 500.000 đồng/kg”.

Gia đình ông Vỹ sản xuất trà dưới hình thức thủ công, đảm bảo an toàn vệ sinh, do làm theo đơn đặt hàng nên trà không bị tồn đọng. Để làm ra trà ngon, quan trọng từ đầu phải chọn trái mãng cầu hột mới đen, đem gọt vỏ, xắt sợi nhỏ, phơi nắng (nếu nắng gắt khoảng 2 nắng) và sấy đúng nhiệt độ thì trà mới thơm, đạt chất lượng. Bình quân hơn 10kg mãng cầu tươi mới cho ra 1kg trà. Việc làm trà đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận để tránh làm trà quá khô, mất mùi vị. Ông Lê Văn Nắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hòa, cho biết: “Xã hiện có 1.344 hội viên, đời sống đều được cải thiện nhiều nhờ những mô hình kinh tế hiệu quả. Địa phương cũng mở nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân để áp dụng dễ dàng hơn trong sản xuất. Hiện diện tích mãng cầu của toàn xã là hơn 62ha, từ cây trồng này đã giúp đời sống người dân ngày càng ổn định”.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã giúp đời sống người dân Long Mỹ ngày càng có nhiều khởi sắc, đặc biệt là trong hội viên Hội Nông dân. Các hội viên đã chủ động đổi mới phương thức canh tác, nắm bắt tình hình nông nghiệp và áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn. Ông Lê Hoàng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Mỹ, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên thoát nghèo bằng những mô hình kinh tế hiệu quả gắn với thế mạnh địa phương. Bưởi da xanh, khóm, mãng cầu,… được xem là những loại cây trồng chủ lực cần được phát huy và nhân rộng. Phong trào nông dân tiếp tục phát triển sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương theo hướng tích cực”.

Huyện Long Mỹ có 12.882 hội viên Hội Nông dân, trong đó có 50 chi, 309 tổ hội. Hiện còn 764 hội viên nghèo.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>