Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị

26/02/2024 | 07:50 GMT+7

Hậu Giang có thế mạnh phát triển nông nghiệp, nhưng hàng hóa nông sản hầu như chỉ tiêu thụ nội địa nên giá trị mang lại không cao. Ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang xây dựng được nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, đây là điều kiện để đưa hàng nông sản của tỉnh vươn xa hơn.

Năm 2024, huyện Phụng Hiệp từng bước nâng cấp mô hình sản xuất lúa an toàn lên hướng hữu cơ. Ảnh: D.KHÁNH

Sau hơn 2 năm xây dựng và phát triển mô hình lúa an toàn, đến nay huyện Phụng Hiệp đã có gần 3.000ha lúa sản xuất theo hướng an toàn từng bước tiến đến hữu cơ. Gắn bó với mô hình gần 4 mùa vụ, đến nay ông Đặng Huy Dũng, ở thị trấn Cây Dương, đã phát triển được gần 2ha lúa an toàn. Theo ông Dũng, trước đây tham gia mô hình nông dân được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí giống, phân thuốc và quy trình canh tác lúa theo hướng sạch nên trình độ canh tác lúa của gia đình cũng từng bước được cải thiện. Vụ này 2ha lúa của gia đình sử dụng giống chất lượng cao, đang ở giai đoạn đòng trổ, thương lái cho giá hơn 9.000 đồng/kg nên rất phấn khởi.

Ông Dũng cho biết thêm: “Sản xuất lúa theo hướng an toàn ngoài năng suất ổn định, giảm được chi phí trong quá trình canh tác, hạt lúa làm ra có phẩm chất cao hơn nên giá bán từ đó cũng có phần nhỉnh hơn so với phương thức sản xuất truyền thống trước đây. Đặc biệt vụ này, giá lúa Đông xuân đang ở mức cao nên nông dân đang kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu”.

Nhờ được bao tiêu nên đầu ra của cây khóm được thuận lợi. Ảnh: T.TRÚC

Không riêng gì trên cây lúa, thời gian qua huyện Phụng Hiệp cũng khuyến khích nông dân đầu tư xây dựng những mô hình nông nghiệp theo hướng sạch. Điển hình là mô hình trồng chuối Nam Mỹ theo hướng toàn vệ sinh thực phẩm sạch của anh Lê Vũ Lâm. Ban đầu chỉ trồng thử nghiệm với diện tích 2ha, đến nay anh Lâm đã liên kết với nông dân trong vùng phát triển lên diện tích gần 20ha. Trung bình hiện nay cơ sở của anh cung ứng hơn 4 tấn chuối cho các hệ thống bán lẻ ở khu vực ĐBSCL. Định hướng của cơ sở đến năm 2025 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lên khoảng 100ha để có đủ sản phẩm xuất khẩu.

Anh Lê Vũ Lâm chia sẻ: “Vùng đất Hòa An, Phương Bình rất phù hợp để trồng cây chuối Nam Mỹ, do đó định hướng của cơ sở là tiếp tục vận động liên kết với nông dân khu vực này mở rộng diện tích. Tham gia mô hình nông dân sẽ được hỗ trợ cây giống, phân thuốc trong quá trình canh tác, đến vụ thu hoạch sẽ trả dần bằng sản lượng chuối. Giá sàn bao tiêu được cơ sở liên kết với người dân là 5.000 đồng/kg chuối”.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, toàn huyện hiện có gần 40.000ha đất sản xuất, gồm: 20.000ha lúa, 3.000ha mía, 11.000ha cây ăn trái, 6.000ha rau màu và thủy sản. Trong đó có gần 30% diện tích sản xuất theo hướng an toàn từng bước tiến đến hữu cơ. Toàn huyện hiện có 19 mã số vùng trồng cho nông sản xuất sang Trung Quốc và EU, 165 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 10 mô hình theo VietGAP gắn với chuỗi giá trị, 3 sản phẩm OCOP đề xuất công nhận 5 sao cấp quốc gia. Theo đó, định hướng trong năm 2024 này, huyện Phụng Hiệp sẽ nhân rộng những mô hình hiệu quả này trên địa bàn toàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: Năm 2024, huyện Phụng Hiệp sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Để thực hiện được mục tiêu này phải có thời gian và lộ trình phù hợp. Nhưng một điểm thuận lợi là thời gian qua huyện đã định hình và phát triển được các mã số vùng trồng trên một số loại nông sản. Song song đó cũng xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả để trình diễn cho nông dân tham quan học tập và tới đây huyện sẽ tiến hành sơ tổng kết, đánh giá và nhân rộng trên cây trồng như: Khóm MD2, cây ăn trái, lúa an toàn và tới đây sẽ phát triển thêm trên thủy sản. Mục tiêu hướng đến hàng hóa nông sản của nông dân trong huyện sản xuất tới đâu sẽ tiêu thụ tới đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Với những bước đi phù hợp, kết thúc năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện Phụng hiệp cán đích hơn 4.000 tỉ đồng, tăng 3% so với năm 2022. Điều đó cho thấy nông nghiệp của huyện Phụng Hiệp đang có bước chuyển mình mạnh mẽ và phát triển đúng định hướng.

Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, chỉ riêng trong năm qua toàn tỉnh có 32 doanh nghiệp, 38 HTX liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản với 39.870 lượt hộ tham gia, diện tích 38.656ha, sản lượng 334.105,4 tấn. Trong đó, cây lúa có 25 doanh nghiệp, 30 HTX liên kết sản xuất và bao tiêu lúa với 39.145 lượt hộ tham gia, diện tích 37.808ha, sản lượng 316.966,4 tấn. Hình thức là bao tiêu cuối vụ, cung ứng giống kết hợp bao tiêu hoặc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu. Giá bao tiêu được chốt trước thu hoạch 7-10 ngày, theo giá thị trường hoặc cao hơn từ 50 đến 1.000 đồng/kg tùy theo chủng loại giống và đơn vị bao tiêu. Đối với cây ăn trái có 7 doanh nghiệp, 8 HTX liên kết bao tiêu với 725 hộ tham gia, diện tích 848ha, sản lượng 17.139 tấn. Cụ thể, chanh không hạt có 3 doanh nghiệp, 3 HTX liên kết bao tiêu với 123 hộ tham gia, diện tích 220ha, sản lượng 3.332 tấn; cây bưởi liên kết bao tiêu 2 HTX với 70 hộ, diện tích 53ha, sản lượng 785 tấn, mít có 2 doanh nghiệp, 1 HTX liên kết báo tiêu với 8 hộ tham gia, diện tích 55ha, sản lượng 720 tấn và cây khóm có 2 doanh nghiệp, 2 HTX liên kết bao tiêu với 524 hộ tham gia, diện tích 520ha, sản lượng 12.302,2 tấn.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết qua triển khai thực hiện sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, đến nay tình hình sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đã dần đi vào nề nếp, giá bán sản phẩm chuỗi nông sản cao hơn so với giá thị trường. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chuỗi, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn được mở rộng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 17 chuỗi được cấp xác nhận sản phẩm an toàn gồm sản phẩm cam xoàn, sản phẩm cá thát lát, lúa gạo, rau ăn lá, trà mãng cầu, chanh không hạt, mít và lươn. Tới đây, ngành sẽ phối hợp tổ chức lại hệ thống thương mại nông sản nội vùng; nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường; kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn quốc; nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản. Đổi mới công tác xúc tiến thương mại, xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp phát triển thị trường phù hợp bảo đảm phát triển tổng thể thương mại hài hòa, bền vững. Tiếp tục phối hợp thúc đẩy xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu để ổn định đầu ra nông sản cho nông dân.

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>