Sức sống vùng hạn, mặn

13/05/2020 | 23:43 GMT+7

Bài 2: Linh động ứng phó hạn, mặn                     

Chủ động thay đổi mùa vụ trong sản xuất gắn với thực hiện những công trình và phi công trình đã giúp cho nông dân vùng hạn, mặn tại vùng ĐBSCL dần thích nghi với điều kiện thực tại, qua đây góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, với nhiều cây trồng chủ lực.

Nhờ thay đổi thời gian xuống giống sớm nên lúa Đông xuân tại các tỉnh ĐBSCL đều đạt thắng lợi trong điều kiện hạn, mặn gay gắt.

Thay đổi thời vụ

Vùng ĐBSCL có cây trồng chủ lực là lúa và đang là nơi có vựa lúa lớn nhất cả nước, với tổng diện tích xuống giống cả năm đạt khoảng 3,8 triệu héc-ta. Do vậy, nơi đây còn là vùng cung ứng nguồn lương thực và xuất khẩu gạo chủ lực của cả nước. Còn nhớ đợt hạn, mặn lịch sử trong mùa khô năm 2016, diện tích lúa Đông xuân của toàn vùng bị thiệt hại lên đến 150.000ha. Bên cạnh cây lúa, xâm nhập mặn còn gây thiệt hại nhiều đến diện tích cây ăn trái, nuôi thủy sản, rau màu và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân vùng ĐBSCL.

Bộ NN&PTNT cho biết, một trong những điểm nổi bật trong công tác ứng phó hạn, mặn năm nay là việc thay đổi lịch thời vụ xuống giống lúa Đông xuân. Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và qua rà soát thực tế, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tiến hành xuống giống vụ lúa Đông xuân 2019-2020 sớm hơn các năm trước từ 20-30 ngày nhằm ứng phó với tình hình hạn, xâm nhập mặn được dự báo là đến sớm và gay gắt. Có thể khẳng định, đây là sự thay đổi đúng đắn và phù hợp nên nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều hưởng niềm vui khi thu hoạch lúa trúng mùa, bán được giá. Đặc biệt, diện tích lúa bị thiệt hại do hạn, mặn của toàn vùng ĐBSCL chỉ khoảng 33.000ha, giảm hơn 115.000ha so với đợt xâm nhập mặn lịch sử 2016.

Điển hình tại Hậu Giang, vụ lúa Đông xuân vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh tiến hành xây dựng khung lịch thời vụ và khuyến cáo nông dân trong tỉnh gieo sạ từ tháng 11-2019, sớm hơn gần một tháng so với cùng kỳ. Chính nhờ việc xuống giống sớm nên nông dân tại các vùng lúa thường bị xâm nhập mặn nặng ở huyện Long Mỹ không bị thiệt hại như đợt mặn năm 2016 dù độ mặn từ đầu năm đến nay thường dao động ở mức 7-12‰.

Ông Đinh Văn Học, nông dân ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết vùng đất nơi đây luôn chịu ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm nên vụ lúa Đông xuân thường bị ảnh hưởng về năng suất. Riêng năm nay, với giải pháp gieo sạ sớm được thực hiện nên không có ruộng nào bị ảnh hưởng. Nhờ áp dụng biện pháp trên nên nhiều cánh đồng lúa tại vùng xâm nhập mặn nơi đây đạt năng suất từ 1 tấn/công (1.300m2) trở lên, cộng với giá bán dao động từ 5.200-5.400 đồng/kg (giống OM 5451), sau khi trừ chi phí sản xuất thì có nguồn thu nhập từ 25-30 triệu đồng/công.

Đến thời điểm này, nông dân Hậu Giang đã thu hoạch dứt điểm lúa Đông xuân với tổng diện tích 77.820ha; năng suất bình quân 7,68 tấn/ha, tăng 2,7 tấn/ha so với cùng kỳ; tổng sản lượng đạt gần 600.000 tấn, tăng 3,5% (tương đương gần 20.400 tấn). Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhận định: Nhờ việc chỉ đạo nông dân xuống giống sớm nên tại hai vùng lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn của tỉnh là huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh không ghi nhận tình hình thiệt hại do nước mặn gây ra. Mặt khác, với sự quan tâm chỉ đạo từ đầu vụ xuống giống đến khi thu hoạch nên năng suất lúa Đông xuân năm nay trên địa bàn toàn tỉnh được đánh giá là cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chính việc năng suất và sản lượng lúa Đông xuân vừa qua tăng đã góp phần bù lại cho một số mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Qua đây, vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực I của tỉnh khi kết thúc quý I đạt 1,11% và đây được xem là chỉ số GRDP khởi sắc nhất so với khu vực II và III.

Giống như tỉnh Hậu Giang, với việc thực hiện tốt sự chỉ đạo về xuống giống sớm vụ lúa Đông xuân nhằm né hạn, mặn nên nông dân các vùng bị ảnh hưởng thuộc các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều có niềm vui về vụ lúa trúng mùa, bán được giá dù tình hình hạn, mặn từ đầu năm đến nay rất khốc liệt, độ mặn tăng cao bất thường. Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Rút kinh nghiệm đợt hạn, mặn năm 2016, vụ lúa Đông xuân năm nay, nông dân trong tỉnh xuống giống sớm hơn cùng kỳ gần một tháng, với tổng diện tích 183.000ha. Nhờ chủ động sớm nên hạn, mặn gây ảnh hưởng không đáng kể, chỉ với diện tích nhỏ khoảng 1.000ha, giảm rất nhiều lần so với đợt mặn lịch sử năm 2016. Từ thành công này sẽ làm cơ sở cho Sóc Trăng, cũng như các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tiếp tục nhân rộng trong các mùa khô tiếp theo”.

Cùng niềm phấn khởi, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thông tin: “Vụ lúa Đông xuân 2019-2020 được đánh giá là đạt thắng lợi trên các mặt nhất của thành phố trong 4 năm qua. Đặc biệt, khâu chủ động về thời gian xuống giống sớm so với các năm trước đã giúp cây lúa gặp thời tiết thuận lợi và cộng thêm nhiều yếu tố khác nên lúa phát triển tốt, từ đó nông dân Cần Thơ đạt năng suất cao hơn so với cùng kỳ 0,2 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 1,3 triệu tấn”.

Hiệu quả từ những công trình

Bên cạnh sự linh động, nhạy bén trong chỉ đạo sản xuất thì những công trình và phi công trình ứng phó với hạn, mặn đã được đầu tư trước hoặc trong năm nay cũng phát huy tốt. Điển hình tại tỉnh Hậu Giang, để bảo vệ tốt diện tích lúa, vườn cây ăn trái, rau màu, diện tích nuôi thủy sản của bà con trước tình hình xâm nhập mặn gay gắt như từ đầu năm đến nay thì ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện tốt và kịp thời việc vận hành đóng, mở các công trình, phi công trình ngăn mặn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trên tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh, đoạn thuộc địa bàn thành phố Vị Thanh, 13 cống hở nơi đây được vận hành đóng mở khi độ mặn dọc theo tuyến sông Nước Đục và Cái Lớn vượt 1,5‰. Bên cạnh đó, ngành chức năng xã Hỏa Tiến, Tân Tiến đã đóng 20 cống ngầm và 5 đập thời vụ. Còn trên tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh thuộc địa bàn huyện Long Mỹ cũng thường xuyên đóng mở 22 cống hở vào thời điểm cần thiết. Bên cạnh đó, 2 cống lớn tại huyện Long Mỹ gồm cống Năm Căn và cống Hậu Giang 3 cũng phát huy tốt vai trò ngăn mặn. Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho hay: Ngoài các công trình do Nhà nước đầu tư thì phát huy kinh nghiệm trong công tác ứng phó xâm nhập mặn thời gian qua nên từ đầu năm đến nay, địa phương còn đắp 77 đập thời vụ tại những đầu kênh lớn và kênh nội đồng. Nhờ những đập thời vụ mà nước mặn được kiểm soát tốt.

Các công trình ngăn mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đều phát huy tốt chức năng.

Bên cạnh phát huy những công trình thì ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở cùng nông dân Hậu Giang còn triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu trong ứng phó xâm nhập mặn. Cụ thể, hàng ngày, các địa phương đều cử cán bộ đi đo mặn tại một số điểm chính, khi phát hiện nồng độ mặn cao thì kịp thời thông báo cho người dân biết để phòng tránh. Ngoài ra, nhằm cập nhật tình hình độ mặn thường xuyên trong ngày và giảm công đi đo cho cán bộ chuyên môn, năm 2020 này, UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục có chủ trương và đã lắp đặt mới xong 7 trạm đo mặn tự động, nâng tổng số lên 10 trạm trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, huyện Long Mỹ có 4 trạm, thành phố Vị Thanh 3 trạm, thị xã Long Mỹ 1 trạm và huyện Châu Thành 2 trạm.

Đặc biệt, từ mùa khô năm 2018-2019 vừa qua, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ huy) tỉnh Hậu Giang đã thành lập nhóm trên zalo với các thành viên trong Ban chỉ huy từ tỉnh đến cơ sở và một số sở, ngành có liên quan của tỉnh. Thông qua nhóm zalo, mọi diễn biến có liên quan đến hạn, mặn trên địa bàn tỉnh đều được các ngành và địa phương thông tin, từ đó Ban chỉ huy tỉnh nắm bắt sớm và có hướng xử lý kịp thời. Từ hiệu quả đó, mô hình nhóm zalo được tiếp tục phát huy trong mùa khô năm nay. “Nhờ chủ động triển khai sớm nhiều giải pháp trong ứng phó xâm nhập mặn nên đến thời điểm này, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đảm bảo ngăn chặn kịp thời, từ đó bảo vệ tốt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang nhận định.

Nếu Hậu Giang phát huy hiệu quả các công trình ngăn mặn thì nhiều địa phương khác của vùng ĐBSCL cũng đã triển khai cấp bách không ít giải pháp để cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Cụ thể, tỉnh Bến Tre đã trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn RO cho các trạm cấp nước trong tỉnh, đồng thời Hải đội Bộ Tư lệnh 2 đã dùng tàu hải quân chở hơn 250m3 nước ngọt dự trữ cho người dân tại 3 xã của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; tỉnh Tiền Giang cũng dùng nhiều xà lan chở nước ngọt cứu vườn cây ăn trái cho người dân. Còn tỉnh Sóc Trăng đã mở rộng thêm được 115km đường ống cấp nước cho khoảng 4.000 hộ dân… Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước và thiết bị xử lý nước hộ gia đình để kịp thời đưa đến tay nhiều bà con vùng bị ảnh hưởng hạn, mặn.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phấn khởi cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi để kịp tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô năm nay, Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương trong vùng ĐBSCL thường xuyên quan tâm kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án do bộ quản lý. Nhờ vậy, có nhiều công trình thực hiện vượt kế hoạch từ 6-13 tháng. Phấn khởi là có 5 dự án tạm thời đưa vào vận hành để phòng, chống xâm nhập mặn được kịp thời ngay từ cuối năm 2019 là cống Âu Ninh Quới (thuộc hệ thống thủy lợi Quản Lộ Phụng Hiệp), trạm bơm Xuân Hòa (Tiền Giang), cống Tân Dinh, Vũng Liêm (Vĩnh Long), 18 cống kiểm soát mặn thuộc dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1.

Với việc chủ động và đưa vào vận hành nhiều công trình và phi công trình trong phòng, chống hạn mặn đã giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả. Đặc biệt, nhiều mô hình làm nông bền vững trước biến đổi khí hậu được triển khai và đạt những tín hiệu tích cực.

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL vừa thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân 2019-2020, với tổng diện tích hơn 1,54 triệu héc-ta, năng suất đạt 6,9 tấn/ha, tăng 1,2 tấn/ha so với cùng kỳ, tổng sản lượng đạt hơn 10,6 triệu tấn. 

 

Bài, ảnh: H.THU - H.PHƯỚC

----------------

Bài 3: Sản xuất nông nghiệp bền vững

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>