Tất bật chuẩn bị xuống giống lúa Đông xuân

14/11/2017 | 08:25 GMT+7

Hiện nước lũ trên đồng đang dần rút, ngày xuống giống theo lịch thời vụ cũng đến gần nên ngành chức năng và nông dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ đang tất bật chuẩn bị các khâu để sẵn sàng xuống giống vụ lúa Đông xuân 2017-2018.

Vụ lúa Đông xuân năm nay, nông dân thị xã Long Mỹ ưu tiên sử dụng giống lúa chất lượng cao để gieo sạ. 

Theo kế hoạch, vụ lúa Đông xuân 2017-2018, nông dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ sẽ xuống giống khoảng 10.000ha và chia ra làm 2 đợt. Đợt 1, từ ngày 6 đến 16-12-2017; đợt 2, từ ngày 4 đến 12-1-2018. Như vậy, ngày xuống giống đang cận kề cũng là lúc nông dân tất bật chuẩn bị các khâu. Một trong những công việc đầu tiên được bà con ở thị xã Long Mỹ nói riêng và của tỉnh nói chung luôn chú trọng trước khi vào đợt xuống giống của vụ lúa quan trọng nhất trong năm là lựa chọn giống lúa phù hợp để canh tác. Bởi, giống là khâu quan trọng, quyết định một phần đến thắng lợi của một vụ mùa. Chính vì vậy, sau khi nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu gạo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và chính quyền địa phương nên gia đình anh Phạm Thanh Thương cũng như nhiều bà con ở cánh đồng lúa khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, quyết định chọn giống RVT để gieo sạ trong vụ này.

Anh Thương thông tin: “Mấy năm trước, cánh đồng lúa nơi đây chủ yếu làm giống OM 5451, riêng vụ này có công ty đến cho nông dân mượn giống để gieo sạ với giá 17.000 đồng/kg (giống lúa RVT), đến khi thu hoạch lúa bà con mới trả tiền. Ngoài ra, hiện công ty giao giống cũng cam kết thu mua lại toàn bộ lúa hàng hóa với giá sàn là 5.500 đồng/kg, nhưng vào thời điểm thu hoạch sẽ mua theo giá thị trường, trường hợp giá giảm thì cũng không thấp hơn giá sàn. Từ những yếu tố trên nên tôi quyết định chọn giống RVT để gieo sạ cho 5 công ruộng của gia đình trong vụ này”.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Mẫn, có ruộng cặp ranh anh Thương, chia sẻ: “Thấy đây là giống lúa nằm trong nhóm các giống được doanh nghiệp ưu tiên thu mua trong vụ Đông xuân năm nay để xuất khẩu nên tôi đã mạnh dạn cùng nông dân nơi đây trồng thử trong vụ này, nếu đạt hiệu quả sẽ duy trì trong những vụ sau”. Cũng theo anh Mẫn, do đây là lần đầu sản xuất giống mới nên bà con cũng lo lắng về kỹ thuật canh tác, trong đó nghe nói đây là giống lúa thơm nên dễ bị nhiễm rầy nâu. Tuy nhiên, phía công ty hứa sẽ có hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn thuốc cho bà con xịt phòng trừ rầy nâu và sâu bệnh 2 lần/vụ, từ đó mà phần nào cũng an tâm.

Theo nhận định của ngành chức năng thị xã Long Mỹ và nông dân, mặt thuận lợi là năm nay trên địa bàn thị xã có lũ tương đối lớn và mang về lượng phù sa nhiều, đây được xem là yếu tố quan trọng đầu vụ giúp cho việc sản xuất lúa của nông dân trong vụ Đông xuân sắp tới gặp nhiều thuận lợi, trước mắt là nhẹ bón phân, giảm phần nào chi phí đầu tư. Ngoài ra, có một tín hiệu phấn khởi khác là sau khi ngành chức năng thị xã Long Mỹ làm việc với các công ty, doanh nghiệp thì hiện có 6 đơn vị hứa sẽ thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu lúa với nông dân của thị xã trong vụ Đông xuân này. Mặc dù chưa có văn bản chính thức, nhưng ước tính sẽ có từ 4.000-5.000ha lúa của bà con sẽ được bao tiêu. Bên cạnh đó, qua nắm thông tin sơ bộ của cán bộ chuyên môn của ngành nông nghiệp thị xã thì thứ tự giống lúa bà con ưu tiên gieo sạ trong vụ này gồm: RVT, OM 5451, OM 7374, OM 4900… đây là lý do quan trọng trong việc thu hút doanh nghiệp đến hợp tác cùng nông dân.    

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết: Vụ lúa Đông xuân quyết định rất lớn đến sản lượng lúa cả năm của thị xã. Vì vậy, ngoài yếu tố giống thì để đảm bảo đạt thắng lợi trên các mặt về diện tích, năng suất, sản lượng… cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp nhằm gia tăng chất lượng lúa, gạo để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. 

Theo đó, giải pháp tổng hợp trước tiên là ngành nông nghiệp thị xã Long Mỹ khuyến cáo bà con cần theo dõi tình hình rầy nâu vào đèn tại mỗi địa phương, kết hợp với chế độ thủy văn để lựa chọn ngày xuống giống phù hợp với từng cánh đồng. Bên cạnh đó, khi bố trí thời vụ phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là “gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng”, không để cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau. Ngoài ra, nông dân cần chú ý vệ sinh đồng ruộng và trục bừa thật kỹ để có mặt ruộng phẳng; đồng thời tu sửa kỹ bờ bao sau khi lũ rút để thực hiện tốt giải pháp né rầy khi cần thiết là đưa nước vào ruộng nhằm che chắn lúa non không để bị rầy nâu di trú chích hút, truyền bệnh.

Trong quá trình canh tác, ngành nông nghiệp thị xã Long Mỹ khuyến cáo người dân áp dụng tốt quy trình thâm canh tổng hợp nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Cụ thể, nông dân trồng lúa nên gieo sạ bằng công cụ sạ hàng hoặc sạ thưa, lượng giống từ 80-100kg/ha (giống xác nhận hoặc nguyên chủng) để tiết kiệm hạt giống, hạn chế sâu bệnh, cỏ dại... Song song đó, là áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, mô hình “sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh vi-rút trên lúa”...

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết thêm: Nhìn chung, mọi công tác chuẩn bị từ giống, kế hoạch diện tích, khung lịch thời vụ đến các khuyến cáo trước khi xuống giống vụ lúa chính trong năm của ngành đến với nông dân hiện đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng chờ ngày gieo sạ. Hy vọng với những mặt thuận lợi ngay đầu vụ thì vụ lúa Đông xuân năm nay, nông dân trên địa bàn thị xã sẽ đạt thắng lợi về mọi mặt.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>