Tiếp tục tạo đà tăng trưởng cho ngành nông nghiệp

11/02/2018 | 08:13 GMT+7

Năm 2017, trong điều kiện bất lợi về thời tiết và thị trường, nhưng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nên nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong niềm phấn khởi của năm mới, ông Nguyễn Văn Đồng (ảnh), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, cho biết:

- Điều đáng phấn khởi là tăng trưởng khu vực I đã vượt chỉ tiêu đề ra. Đó là nhờ sự nỗ lực của toàn ngành và sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các sở, ngành và chính quyền địa phương đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Trên cây lúa, sản lượng cả năm đạt 1.283.054 tấn, tăng 1,46% so với cùng kỳ. Cây mía, rau màu, cây ăn trái, thủy sản đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Công tác quản lý dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được thực hiện chặt chẽ nên không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn. Ngành còn chủ động phối hợp tốt với các cấp, các ngành giải quyết được một số vấn đề bức xúc của Nhân dân trên lĩnh vực vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp nước sạch nông thôn…

Ngoài ra, công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật được ngành thực hiện quyết liệt, từ đó đã đem lại hiệu quả khá thiết thực khi trình độ sản xuất của người dân được nâng lên rõ nét. Công tác kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, phòng trừ sâu bệnh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật canh tác được thực hiện khá đồng bộ. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung chỉ đạo với nhiều nội dung, nhằm mang lại hiệu quả và nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.

Thưa ông, thời gian qua đơn vị đã thực hiện nhiều đề án để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vậy đến nay kết quả ra sao ?

- Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến 2020 đã có hàng ngàn hộ dân tham gia và ngân hàng đã giải ngân cho 769 hộ, với số tiền hơn 41,5 tỉ đồng. Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020 đang được triển khai và đã lập dự án “Khai thác 2 khu đất sản xuất tự túc thuộc xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A” với tổng mức đầu tư được duyệt 19 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án 2017-2019. Đề án phát triển trạm bơm điện ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020, bằng nguồn vốn WB6, tỉnh đang triển khai thi công 10 trạm bơm điện ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, lập dự án đầu tư, xây dựng 5 trạm bơm điện, ưu tiên đầu tư tại các xã của huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ với tổng nguồn vốn giai đoạn 2017-2019 là 27 tỉ đồng. Đối với Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai thực hiện tốt góp phần hạ giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Năm 2018, sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn cho ngành nông nghiệp, vậy ngành đã xác định mục tiêu nào để phấn đấu ?

- Năm 2018, nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem là lĩnh vực trọng tâm chỉ đạo của tỉnh. Các cơ chế, chính sách trên lĩnh vực này tiếp tục hỗ trợ tích cực cho nông dân và tạo cơ hội thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên cơ sở những định hướng lớn của ngành nông nghiệp đã được phê duyệt. Các nội dung về tái cơ cấu nông nghiệp sẽ đi vào chiều sâu hơn, tạo đà cho tăng trưởng ngành nông nghiệp trong nhiều năm tới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mục tiêu được ngành đề ra là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng đất đai; chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh; an toàn vệ sinh nông sản; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu được trên giao; nâng cao thu nhập cho người dân; ổn định tổ chức bộ máy và đời sống công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực I là 2,2%; giá trị sản xuất (GO) tăng 3% so với cùng kỳ; tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 96%; xây dựng và công nhận 4 xã nông thôn mới…

Sản lượng lúa của tỉnh tăng đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm qua khá vượt bậc.

Để tiếp tục đưa ngành nông nghiệp phát triển hơn nữa và đạt mục tiêu đề ra, ông có định hướng gì ?

- Tới đây ngành sẽ tiếp tục đầu tư theo chiều sâu, phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới giống cây trồng, phát triển 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Mở rộng diện tích cánh đồng lớn trên mỗi vụ sản xuất. Vận động liên kết, thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và các tổ hợp tác trong cánh đồng lớn; đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại theo hướng sinh học. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với thị trường, các mô hình liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Khuyến khích mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, cũng như các mô hình chăn nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị. Tăng cường công tác quản lý các nguồn thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, góp phần giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường; quản lý, kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm, hóa phẩm và các vật tư khác, duy trì ổn định vùng nguyên liệu xuất khẩu…

Một trong những yếu tố góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành là tái cơ cấu nông nghiệp. Vấn đề này ngành có giải pháp nào tới  đây, thưa ông ?

- Ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030 thuộc lĩnh vực. Đồng thời, tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt, đúng tiến độ các chương trình, đề án, dự án trọng điểm về nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn mặn, như: Đề án Nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016, định hướng đến năm 2020; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020; Đề án phát triển Trạm bơm điện tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020, để thực hiện tốt việc tái cơ cấu, cũng như góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng của ngành trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực I tăng 2,57% so với cùng kỳ và đạt 100,47% kế hoạch (kế hoạch 2,1%). Cơ cấu kinh tế khu vực I chuyển dịch đúng định hướng của tỉnh, chiếm 30,9% (kế hoạch 30,9%). Xây dựng và công nhận 4 xã nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 21/54 xã, đạt 38,88% tổng số xã, các xã còn lại đạt trên 10 tiêu chí. Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh 95,5%, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ che phủ rừng 1,89%, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 0,03% so với cùng kỳ.

 

Xin cảm ơn ông !

HOÀI THANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>