Đóng góp tâm huyết với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

23/10/2023 | 07:34 GMT+7

Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà chỉ hỗ trợ đương sự là người yếu thế thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Đây là một trong những nội dung mới trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) vừa được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đưa ra đóng góp ý kiến.

Lãnh đạo TAND tỉnh tham gia góp ý kiến dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 151 điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014, dự thảo giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều.

Theo đánh giá của ban soạn thảo, sau nhiều năm thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại những vướng mắc, bất cập. Đơn cử như về tổ chức của tòa án các cấp chưa đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ độc lập trong xét xử, việc phân chia các ngạch thẩm phán còn bất cập; còn thiếu quy định bảo vệ đối với thẩm phán trong quá trình giải quyết các vụ án,…

Tại dự thảo lần này, nhiều quy định mới đối với hoạt động của tòa án đã được sửa đổi, bổ sung. Như quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 15 trong dự thảo quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà chỉ hỗ trợ đương sự là người yếu thế thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Đồng tình với nội dung này, theo ông Phạm Hoàng Lâm, Phó Chánh án TAND tỉnh, việc bỏ trách nhiệm thu thập chứng cứ của tòa trong vụ án hình sự và trong cả vụ việc dân sự, vụ án hành chính là phù hợp với thực tiễn.

Theo ông Lâm, trong vụ án hình sự nghĩa vụ thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm là của cơ quan điều tra, viện kiểm sát; còn trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đương sự có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Việc tòa tiến hành thu thập chứng cứ có thể dẫn tới việc không khách quan.

 “Riêng quy định tại khoản 4, Điều 15: “Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính…”, cần quy định rõ đối tượng người yếu thế gồm những đối tượng nào”, ông Lâm phân tích.

Cùng đồng tình với việc bỏ trách nhiệm thu thập chứng cứ của tòa án, tuy nhiên luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, còn băn khoăn, bởi theo ông Hùng, thực tế kiến thức pháp luật của một số bộ phận người dân còn chưa cao, khả năng tự thu thập chứng cứ rất khó khăn. Hơn nữa, dù các bộ luật tố tụng hiện hành đều có quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của cơ quan tổ chức khi đương sự có yêu cầu nhưng thực tiễn khi đương sự yêu cầu cơ quan tổ chức cung cấp chứng cứ cũng rất khó khăn.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, việc quy định tòa án chỉ hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong việc thu thập chứng cứ sẽ gây nhiều khó khăn trong việc áp dụng trên thực tiễn, bởi khó xác định như thế nào là người yếu thế.

Đối với quy định đổi tên tòa án cấp huyện, cấp tỉnh thành tòa án sơ thẩm và tòa án phúc thẩm cũng được rất nhiều đại biểu tham gia góp ý kiến.

Cụ thể, theo ông Trần Thanh Lâm, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, theo dự thảo, dù đổi tên nhưng tòa án sơ thẩm, tòa án phúc thẩm vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; thẩm quyền xét xử và tổ chức của tòa không thay đổi nhiều. Do vậy, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”. Ngoài ra, việc đổi tên các tòa án dẫn tới không tương thích với cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự,…

Còn theo luật sư Phan Văn Hùng, việc thay đổi tên gọi của cả hai cấp tòa án dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật tư pháp có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự..., gây vấn đề phức tạp và tốn kém ngân sách nhà nước.

“Do đó, theo tôi việc đổi tên nhưng nhiệm vụ quyền hạn chỉ sửa đổi, bổ sung rất ít và không làm thay đổi bản chất, vì thế cần xem xét kỹ để tránh gây lãng phí ngân sách như phải đổi bảng tên, con dấu…”, ông Hùng kiến nghị.

Theo bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, dự thảo Luật Tổ chức TAND sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tổ chức vào cuối năm, do đó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết, đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến gởi về ban soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đoàn sẽ tiếp tục lắng nghe các đóng góp của đại biểu để tổng hợp, nêu ý kiến tại nghị trường.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>