“Chìa khóa” giảm nghèo bền vững

02/10/2023 | 19:03 GMT+7

Chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thành phố Vị Thanh xem đây là “chìa khóa” để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Học viên nhận chứng chỉ nghề trang điểm sau khóa học.

Cải thiện cuộc sống gia đình nhờ học nghề

Đã tham gia học xong lớp dạy kỹ năng nuôi ếch được ấp tổ chức, bà Sơn Thị Kim, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, chia sẻ: “Lớp dạy hoàn toàn miễn phí nên tôi tranh thủ thời gian tham gia học để biết cách nuôi ếch cho sản lượng cao là như thế nào, để sau này nuôi cho hiệu quả. Gia đình tôi được xã chọn là 1 trong những hộ thoát nghèo năm 2023, ngoài được tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ kỹ năng nuôi con giống tốt, tôi còn được hỗ trợ nguồn vốn. Khi Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” xã triển khai, tôi sẽ được nhận con giống và bắt đầu nuôi. Được đào tạo kỹ thuật, cộng với tôi học hỏi thêm kinh nghiệm của bà con đã nuôi trước, hy vọng đây sẽ là cách giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững”.

Từ đầu năm đến nay, phối hợp cùng với UBND xã Hỏa Tiến, ấp Thạnh Thắng mở được 2 lớp đào tạo nghề cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo để người dân cải thiện kinh tế gia đình.

Ông Trần Văn Hải, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Thắng, cho biết: “Mở lớp đào tạo nghề cho hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo rất khó đảm bảo số lượng người dân tham gia. Vì người dân đa phần là lao động chân tay nên thời gian hàng ngày đều tranh thủ để đi làm thuê làm mướn lo cơm, áo, gạo, tiền, ít chịu tham gia học tập. Tôi tăng cường tuyên truyền, vận động mọi lúc mọi nơi, tôi cũng tranh thủ đến từng hộ gia đình để chia sẻ, phân tích lợi ích, cái hay khi tham gia các lớp đào tạo kỹ năng này sẽ giới thiệu việc làm phù hợp... Từ ngại, lo mất thời gian, giờ mỗi hộ gia đình sau tham gia học một thời gian rất nhiệt tình, học tập nghiêm túc. Từ các lớp dạy nghề, đã có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo hiệu quả”.

Năm 2023, ấp Thạnh Thắng còn 5 hộ nghèo, không có hộ cận nghèo. Theo kế hoạch, đến cuối năm ấp sẽ thoát 1 hộ nghèo. Ngoài mở lớp đào tạo, ấp cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng nuôi cá, nuôi gà, vịt, heo…  

Cải thiện cuộc sống gia đình nhờ đã được tham gia lớp học nghề nấu ăn. Bà Võ Thị Bích Thủy ở khu vực 6, phường IV, bộc bạch: “Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, tôi sống bằng nghề đi làm thuê làm mướn. Năm nay, qua các thông tin tuyên truyền, biết phường IV có mở lớp dạy nấu ăn cho người dân miễn phí nên tôi đã mạnh dạn đăng ký. Sau 30 ngày học, tôi được giảng viên dạy kỹ năng nấu nướng, cắt tỉa hoa quả, trưng bày món ăn đẹp mắt, cách lựa chọn, bảo quản thực phẩm tươi ngon… Hoàn thành khóa học, với kỹ năng đã có tôi đã mở được 1 xe bán bánh mì, nhờ đó cuộc sống gia đình đã cải thiện hơn trước”. Bà Thủy dự kiến sắp tới khi có thêm ít vốn, sẽ mở quán ăn tại nhà để kiếm thêm thu nhập thoát nghèo trong năm nay.

Có việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống gia đình giúp thoát nghèo bền vững từ học nghề là câu chuyện vui của nhiều lao động trên địa bàn thành phố Vị Thanh, nhất là đối với lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Mở lớp đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế

Không còn trong danh sách hộ nghèo, ông  Lê Thanh Tuân, ở ấp 2A, xã Vị Tân, chia sẻ lý do: “Mấy năm trước, chúng tôi là hộ nghèo ở ấp. Nhờ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội gần 50 triệu đồng, tham gia lớp học nuôi heo, trồng khóm mà giờ đây gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ có kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng, với chí thú làm ăn, gia đình đã tích lũy mua thêm được 2 công đất vườn. Tôi sẽ tiếp tục nhân giống khóm ra để trồng thêm”.

Từ đầu năm đến nay, thành phố Vị Thanh đã mở được 18 lớp đào tạo nghề, với hơn 420 học viên, người học chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và lao động nông thôn khác. Trong 18 lớp, có 2 lớp dành cho người khuyết tật (mỗi lớp 10 người). Các lớp đào tạo chủ yếu là về kỹ thuật nấu ăn, làm tóc, trang điểm, lớp hàn điện, may công nghiệp, đan dây nhựa… Xác định đào tạo nghề cho lao động là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, thành phố Vị Thanh luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số về việc học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Nhờ các hoạt động hỗ trợ học nghề, tạo việc làm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực vượt khó vươn lên của mỗi người dân nên đến nay nhiều hộ nghèo trên địa bàn thành phố đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Trên địa bàn thành phố Vị Thanh hiện có 613 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,9% và 768 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,64%. Tuy thành phố giảm tỷ lệ hộ nghèo đã khá thấp hơn nhiều so với những năm trước, để giảm 0,7% hộ nghèo (tương đương khoảng 147 hộ) trong năm nay là chỉ tiêu không hề dễ, đòi hỏi sự quyết tâm, trách nhiệm, đồng hành phối hợp của cả hệ thống chính trị.

Bà Võ Thị Hồng Lan, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh, nhấn mạnh: “Trong thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, chúng tôi không chạy theo thành tích, số lượng, mà giảm nghèo phải thực chất, bền vững, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp được xem là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả. Khi người dân có nghề sẽ tạo được việc làm, nâng cao thu nhập gia đình, hướng đến thoát nghèo bền vững”.

Thành phố Vị Thanh đã mở được 18 lớp đào tạo nghề, với hơn 420 học viên. Người học chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và lao động nông thôn khác. Trong 18 lớp, có 2 lớp dành cho người khuyết tật (mỗi lớp 10 người). Các lớp đào tạo chủ yếu kỹ thuật nấu ăn, làm tóc, lớp hàn điện, may công nghiệp, đan dây nhựa…

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>