Giải pháp giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững

12/09/2023 | 07:31 GMT+7

Để công tác giảm nghèo thật sự hiệu quả, bền vững, Thành ủy, UBND thành phố Vị Thanh xác định phải thay đổi từ chính nhận thức của người dân.

Các địa phương của thành phố Vị Thanh đã chia sẻ, giới thiệu, hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế, để người dân chủ động phát triển kinh tế, nâng chất lượng cuộc sống.

Tiếp sức hộ nghèo

Năm nay, xã Hỏa Lựu được nhận nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với nguồn hỗ trợ trên 200 triệu đồng từ Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” và Dự án 3, Tiểu dự án 1 “Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp”. Để giúp người dân sử dụng vốn hiệu quả, địa phương tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở lớp tập huấn cách phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt để mọi người thu được hiệu quả cao, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Võ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu, cho biết: “Thực hiện Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, lúc đầu xã Hỏa Lựu giới thiệu hơn chục hộ nghèo tham gia, qua rà soát, có 4 hộ gia đình nghèo đủ điều kiện thực hiện theo dự án. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, căn bản về nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và mỗi hộ gia đình trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững”.

Xã Hỏa Lựu hiện có 64 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,5%, 52 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,84%.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, công tác giảm nghèo của thành phố Vị Thanh đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức để hộ nghèo có quyết tâm thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Ông Dương Minh Tuấn, công chức văn hóa - xã hội UBND phường I, chia sẻ: “Hiện phường I đã giảm đến mức tối đa hộ nghèo (chỉ còn 0,36%, với 6 hộ nghèo) nên không thuộc địa phương được thụ hưởng hỗ trợ từ Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”. Tuy nhiên, phát huy điểm mạnh của phường, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện thường xuyên, liên tục, nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm như thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo”.

Phường giới thiệu Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn sẽ được hỗ trợ phù hợp khi đăng ký thoát nghèo, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo thực tế… Ngoài ra, thông qua hệ thống loa phát thanh, phường cũng tăng cường biểu dương, giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, gương điển hình thoát nghèo để nhân rộng”.

Để giúp hộ nghèo, cận nghèo chủ động vươn lên, trên cơ sở các chương trình, dự án hỗ trợ, thành phố Vị Thanh thực hiện tốt tuyên truyền các nhóm chính sách trợ giúp cho hộ nghèo, cận nghèo có các điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao nhận thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì vậy, công tác giảm nghèo trên địa bàn thời gian qua đã đạt những kết quả tốt.

Đánh giá giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thành phố Vị Thanh giảm hơn 1% hộ nghèo so với năm 2021, hiện còn 613 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,9%, có 768 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,64%, giảm 1,29% so với năm 2021.

Người dân chủ động đăng ký thoát nghèo

Chủ động đăng ký để thoát nghèo vào năm 2023, bà Danh Thị Na, ở khu vực 4, phường I, chia sẻ: “Những năm qua, do chưa có kinh nghiệm làm ăn, nên việc mua bán của tôi không thuận lợi, thu nhập quá thấp, nhà lại không có thêm nguồn thu nhập nào, không đất sản xuất nên rơi vào diện hộ nghèo của phường. Năm nay, từ những thông tin truyền thông bổ ích, giới thiệu cách tìm đầu mối mua bán, tìm nguồn nguyên liệu chất lượng… của địa phương, hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả mà tôi đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Tôi muốn nỗ lực vươn lên bằng chính sức lao động của mình, để giảm nghèo bền vững”.

Đầu năm 2023, gia đình bà Na không nằm trong đối tượng chỉ tiêu giảm 1 hộ nghèo của phường, nhưng nhờ làm ăn hiệu quả, được giới thiệu hỗ trợ vay vốn… bà Na đã đăng ký thoát nghèo vào cuối năm nay.

Ông Phan Thành Lịch, Phó Chủ tịch UBND phường I, cho biết: “Trong giảm nghèo, địa phương quan trọng nhất là tìm giải pháp làm sao nâng cao được ý thức chủ động giảm nghèo cho người dân. Rất mừng là từ các biện pháp tăng cường truyền thông, đi đến từng nhà, rà từng diện hộ nghèo, tìm hiểu từng nguyên nhân khó thoát nghèo, để hỗ trợ kịp thời cho mỗi gia đình hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2023, trong chỉ tiêu thoát nghèo phường chỉ đăng ký thoát 1 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo, nhưng qua rà soát, chúng tôi đang phấn đấu sẽ thoát 2 hộ nghèo vào cuối năm, tăng thêm 1 hộ so với chỉ tiêu”. 

Phường I chỉ còn 6 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,36%, còn 12 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,73%.

Để nâng cao nhận thức của người dân, các cấp, ngành trên địa bàn thành phố chú trọng, đẩy mạnh nhiều hoạt động truyền thông về công tác xóa đói, giảm nghèo thông qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trên đài truyền thanh cấp thành phố, các xã, phường và các hình thức tuyên truyền khác.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, bộc bạch: “Nhà có 3 người con đang trong tuổi ăn học, phải lo việc ăn học các con nên kinh tế gia đình không được ổn định, nhưng tôi có nghề thợ hàn và làm hồ trong tay, tôi nghĩ mình sẽ không tái nghèo. Nhờ có hệ thống loa phát thanh của xã xuống tới tận ấp, vợ chồng tôi cố gắng nỗ lực để vươn lên thoát cận nghèo bền vững. Tôi làm hết sức mình để làm gương cho các con, để các con nỗ lực vươn lên hoàn cảnh, học giỏi, phấn đấu sau này các con có cuộc sống tốt hơn”.

Ông Lưu Văn Dủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: “Tập trung nâng cao nhận thức, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chúng tôi tăng cường truyền thông đến từng hộ gia đình, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, tăng cường công tác vận động hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định cuộc sống, không tái nghèo”.

Triển khai thực hiện Dự án 6: Truyền thông giảm nghèo về thông tin, Tiểu dự án 1 “Giảm nghèo về thông tin” trên địa bàn thành phố Vị Thanh năm 2023 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các xã, phường đã và đang tập trung đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về giảm nghèo. Trong đó, tổ chức tuyển sinh các lớp đào tạo nghề cho người lao động, chú trọng mở các lớp đào tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo bền vững…

Tăng cường truyền thông, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững

 Ông Lưu Văn Dủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi tăng cường truyền thông đến từng hộ gia đình, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tăng cường công tác vận động hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định cuộc sống, không tái nghèo”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>