Kiên quyết ngăn chặn các hoạt động liên quan đến tín dụng đen

13/08/2018 | 11:45 GMT+7

Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Vị Thủy, vừa mở đợt cao điểm rà soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về cho vay nặng lãi, siết nợ và đòi nợ thuê trên địa bàn. Thượng tá Mai Ngọc Hà (ảnh), Phó trưởng Công an huyện Vị Thủy, cho biết:

- Mục đích của đợt cao điểm này là nhằm tuyên truyền rộng rãi về phương thức, thủ đoạn, các hành vi cho vay nặng lãi trên địa bàn để người dân nâng cao cảnh giác, đồng thời tích cực tham gia tố giác hành vi quảng cáo, rao vặt liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Trong đó, tập trung rà soát, phân loại các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện thực hiện cam kết lồng ghép với việc giáo dục không tiến hành những hoạt động này.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức ra quân tháo gỡ toàn bộ tờ rơi, quảng cáo trên các tuyến đường, nơi công cộng, khu dân cư có nội dung liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi; xử lý các hành vi quảng cáo trái với quy định của pháp luật, góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị. Cụ thể trong 2 ngày ra quân (9 và 10-8), chúng tôi đã tháo gỡ 445 tờ rơi, biển quảng cáo…

Thời gian qua, Vị Thủy đã phát hiện bao nhiêu trường hợp liên quan đến tín dụng đen, thưa ông ?

- Gần 2 năm qua, trên địa bàn huyện đã phát hiện 8 trường hợp cho vay nặng lãi, tập trung chủ yếu là ở thị trấn Nàng Mau và các đối tượng phần lớn ở địa phương khác. Đáng nói là thủ đoạn, hành vi của chúng rất tinh vi, thủ tục cho vay đơn giản, thực hiện nhanh chóng, nhưng người dân đã vướng vào thì khó trả được nợ. Thực tế đã có nhiều người không trả nổi dẫn đến bỏ địa phương đi nơi khác sinh sống.

Thưa ông, những hệ lụy của tội phạm liên quan đến tín dụng đen đối với tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện như thế nào ?

- Phải thừa nhận rằng, từ hoạt động liên quan đến tín dụng đen đã phát sinh nhiều loại tội phạm, hành vi phạm pháp khác. Thực trạng nhức nhối đang diễn ra hiện nay là các đối tượng sai “đàn em” đến nhà “con nợ” để đe dọa, đánh đập buộc phải trả tiền.

Như vậy việc phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm liên quan đến tín dụng đen sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thưa ông ? 

- Qua điều tra của lực lượng công an, có thể xác định hiện nay nhu cầu vay tiền của người dân, nhất là những người buôn bán nhỏ rất lớn. Nhiều trường hợp vay tiền khám chữa bệnh, đầu tư kinh doanh... với số tiền nhỏ, nhưng khi đến ngân hàng đòi hỏi thủ tục khá rườm rà. Lợi dụng cơ hội này, các đối tượng hoạt động theo kiểu tín dụng đen đã mồi chài, lôi kéo người dân vay tiền với thủ tục đơn giản.

Trong khi đó, các đối tượng hoạt động không có trụ sở, địa điểm cụ thể mà biến tướng theo dạng câu kết với nhau ở nhiều địa bàn, nên gây khó khăn cho lực lượng công an ở cơ sở trong việc điều tra, xác minh và xử lý. Việc phát hiện hành vi vi phạm của các đối tượng cũng khá phức tạp vì bản thân người bị hại và người vay tiền thường không trình báo.

Còn các chế tài xử lý đối với những đối tượng này chưa nghiêm, chưa thống nhất. Các đối tượng phần lớn ở địa phương khác đến, nên chúng tôi rất khó quản lý.

Thưa ông, để phòng, chống vấn nạn tín dụng đen trong thời gian tới, đơn vị đã đề ra những biện pháp nào ?

- Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo về tác hại của tín dụng đen; kết hợp công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ, chủ động đề phòng, tránh rủi ro cho bản thân, gia đình.

Tham mưu với lãnh đạo huyện xử lý nghiêm các trường hợp dán, treo quảng cáo sai quy định; thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn những người có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn chính đáng. Vận động người dân khi phát hiện hoạt động tín dụng đen trên địa bàn phải kịp thời báo cho chính quyền địa phương và công an theo dõi, xem xét, xử lý.

Xin cảm ơn ông !

NHẬT TÂN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>