Hội thảo về cơ hội hợp tác Việt – Trung sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc

08/11/2017 | 15:56 GMT+7

Sáng 8-11, tại Hà Nội, Hội thảo “Diễn đàn học giả Việt Nam Trung Quốc: Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX và quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc trong khuôn khổ APEC”, đã được Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Chiến lược toàn cầu (NIGS), thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc phối hợp tổ chức.

Các học giả của hai nước đã cùng nhau làm rõ các nội dung mới được đưa ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc; một số điều chỉnh chính sách, biện pháp đối ngoại mới trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trên thế giới, khu vực và với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam mong muốn những ý kiến, sự phân tích của các học giả, nhà khoa học hai nước sẽ được chia sẻ, trở thành kênh thông tin quan trọng góp phần gợi mở đối với các nhà hoạch định chính sách của hai nước; là cầu nối hữu nghị và hợp tác, giúp giới học thuật và người dân hai nước thêm hiểu biết về nhau, tin tưởng lẫn nhau.

Quang cảnh hội thảo.

Chia sẻ về những nét mới sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nghiên cứu viên cao cấp Vương Linh Quế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết, Đại hội 19 đã xác định Trung Quốc bước vào thời đại mới của tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc với những nội hàm, định vị mới. Đại hội 19 đã sửa đổi Điều lệ Đảng, điểm quan trọng nhất là đã xác lập Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình. Nghiên cứu viên cao cấp Vương Linh Quế đã chỉ rõ bốn thay đổi quan trọng về thời đại mới, đó là: Thay đổi về mâu thuẫn chủ yếu trong nước và giai đoạn phát triển; thay đổi về địa vị quốc tế của Trung Quốc; thành quả mới về lý luận chỉ đạo của Đảng; bố cục mới về mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước.

Mục tiêu của những thay đổi này là xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020; năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa XHCN; năm 2050 hoàn thành mục tiêu xây dựng cường quốc hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp. Nhằm thực hiện mục tiêu này, Đại hội 19 đã đề ra nhiều nội dung liên quan, trong đó có chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời đại mới như: tích cực, chủ động tham gia vào các công việc quốc tế; thúc đẩy ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc; xây dựng khung tổng thể quan hệ nước lớn phát triển ổn định, cân bằng; làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nước xung quanh, trong đó có các nước láng giềng; đẩy mạnh quan hệ với các nước đang phát triển; tăng cường ngoại giao chính đảng, mở rộng kênh ngoại giao Quốc hội, ngoại giao Chính hiệp, ngoại giao nhân dân....; tích cực hợp tác quốc tế thực hiện Sáng kiến Vành đai và con đường.

Về Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn mới, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn cho rằng: “Trong bối cảnh Trung Quốc bước vào thời kỳ phát triển mới, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện nay cũng đang bước vào giai đoạn phát triển mới cần có những chính sách, biện pháp mới để tiếp tục đưa quan hệ hai nước phát triển thực chất, lành mạnh, có hiệu quả, hướng tới tăng cường hơn nữa trong hợp tác chia sẻ kinh nghiệm phát triển, cân bằng trong quan hệ kinh tế, đẩy mạnh giao lưu trên tất cả các phương diện chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, quốc phòng...”.

GS,TS Đỗ Tiến Sâm trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc.

Đồng tình với ý kiến phát biểu của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, ông Quách Vệ Dân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc khẳng định, hiện nay, tình hình phát triển quan hệ Trung - Việt đang tốt đẹp, niềm tin chính trị không ngừng tăng lên, hợp tác thực chất tiếp tục được đi sâu, tình hữu nghị truyền thống không ngừng được củng cố và tăng cường. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập cân Bình sẽ tham dự Hội nghị không chính thức các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đồng thời tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc nâng tầm mối quan hệ láng giềng hữu nghị Trung – Việt, tạo dựng khối cộng động chung vận mệnh với các nước xung quanh, làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời cũng sẽ đặt nền móng vững chắc hơn cho sự phát triển của quan hệ Trung –Việt trong tương lai.

Liên quan tới vai trò của Việt Nam, Trung Quốc và các nền kinh tế thành viên trong APEC, cũng như cơ hội hợp tác Việt – Trung trong khuôn khổ APEC, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thái Quốc, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, cả Việt Nam và Trung Quốc đều là những nền kinh tế mở, vì vậy trong khuôn khổ APEC, triển vọng hợp tác Việt Nam – Trung Quốc là rất sáng sủa. Việt Nam và Trung Quốc, với cam kết về tự do hóa thương mại, cả hai nước đều đã đạt được tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa cho các hợp tác trong tương lai, vì vậy, trong khuôn khổ APEC cũng như nhiều diễn đàn khác, hai nước luôn ủng hộ sáng kiến của nhau, góp phần thiết thực mang lại lợi ích không chỉ hai nước, mà rộng hơn là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, qua gần 40 năm cải cách mở cửa ở Trung Quốc và hơn 30 năm đổi mới ở Việt Nam, tuy cách gọi khác nhau, nhưng CNXH ở hai nước đều ở trong giai đoạn then chốt, đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục đi sâu tìm hiểu nghiên cứu và trao đổi về mặt lý luận lẫn tổng kết thực tiễn. Tăng cường hợp tác, trong đó có hợp tác nghiên cứu lý luận về CNXH và đổi mới, cải cách giữa hai nước có ý nghĩa thiết thực và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới, tình hình mỗi nước và mỗi Đảng đang có những biến đổi mới sâu sắc, thậm chí trước nay chưa từng có.

Theo HOA HUYỀN/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>