Giúp người nghèo bằng những việc làm thiết thực

01/10/2018 | 08:23 GMT+7

Cắt tóc tình nguyện cho học sinh khuyết tật, hay tặng quần áo cho người nghèo... là những việc làm được anh Trần Thanh Tú, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Thanh Tú, ở phường I, thành phố Vị Thanh thực hiện thời gian qua.

Anh Tú trong một lần hớt tóc miễn phí cho trẻ em nghèo.

Đều đặn hàng tháng, cả “thầy và thợ” ở Công ty TNHH TM-DV Thanh Tú lại cùng nhau đi làm đẹp cho các em nhỏ và những người nghèo khó ở các vùng quê. Anh Tú chia sẻ, công việc này đã trở thành thói quen trong cuộc sống của tôi và mấy anh, chị, em ở công ty. Một số lần, khi vừa tới nơi, thấy các em nhỏ mừng rỡ, chúng tôi cảm thấy rất vui và chẳng thấy mệt mỏi, mất công với việc mà mình đã và đang làm.

Vốn sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, năm nghỉ hè lớp 8 anh được gia đình cho học nghề cắt tóc. Sau 3 tháng học, đến đầu năm học lớp 9 anh đã biết nghề. Anh mở tiệm hớt tóc nhỏ tại nhà, tự mình kiếm tiền để lo chuyện học hành. Khi tốt nghiệp lớp 12, vì lý do sức khỏe, anh không thể tiếp tục đi học. Vì vậy, anh tiếp tục theo học nghề tóc. Khoảng năm 2007, sau khi thạo nghề, anh Tú phụ cắt tóc ở salon của người chị. Do chị anh bị bệnh nên anh tiếp nhận lại salon và phát huy tay nghề của mình. Đến năm 2012, anh phát triển salon thành Công ty TNHH TM-DV Thanh Tú, khi đó anh vừa cắt tóc, vừa nhận mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Công việc ổn định, anh Tú mong muốn có thể chia sẻ giúp đỡ những người khó khăn bằng cây kéo, đôi tay của mình. Cho nên, từ năm 2012, anh bắt đầu cắt tóc miễn phí cho những người nghèo khó và các em nhỏ ở nông thôn. Cứ thế, suốt ngần ấy năm, anh Tú cùng nhân viên của mình đã hớt tóc miễn phí cho nhiều người. Theo anh Tú, từng trải qua những năm tháng vất vả, nên anh hiểu hết những khó nhọc của người lao động nghèo, do đó, anh mong muốn có thể làm việc gì đó, để chia sẻ với mọi người. “Có người hỏi, nếu đi hớt tóc cả ngày cho người nghèo, liệu thu nhập giảm sút thì sao? Lúc đó, tôi chỉ cười và trả lời, nếu ngày này mình không làm, thì hôm sau mình ráng làm nhiều hơn. Với lại, với những gia đình nghèo thì việc bỏ ra mấy chục ngàn đồng mỗi tháng để đi hớt tóc cũng là chuyện khó, vì vậy, có người để 2, 3 tháng mới đi hớt tóc một lần. Tuy việc hớt tóc chẳng giúp gì nhiều, nhưng có thể chia sẻ phần nào với người nghèo, tôi thấy vui với việc mình làm được”, anh Tú cho hay.

Được hớt tóc cho nhiều người nghèo và có cơ hội trò chuyện với họ, anh Tú hiểu thêm nhiều câu chuyện của cuộc đời. Trong những “vị khách đặc biệt” của mình, có nhiều người đã để lại cho anh nhiều cảm xúc khó quên. Anh Tú chia sẻ: “Khi đến Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh hớt tóc, nhìn các em học sinh khuyết tật vui vẻ, ngồi ngay ngắn để tôi và các anh em cắt tóc, tôi thấy thương các em lắm. Rồi khi từng em hớt xong, miệng cười hớn hở, bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi tiếp tục công việc thiện nguyện này”.

Ngoài thời gian đi cắt tóc miễn phí cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, anh Tú còn tích cực vận động quần áo để trao tặng những hoàn cảnh khó khăn. Khi được hỏi “Thời gian đâu anh vừa làm ở công ty, vừa làm công tác từ thiện”. Anh Tú tươi cười cho biết: “Có lòng là sẽ làm được. Trước hết là vận động người thân, bạn bè. Nhiều người thấy những việc làm thiết thực, hiệu quả nên sẵn lòng ủng hộ”.

Hiện nay, anh Tú đã vận động được nhiều quần áo, anh dự định sẽ trao tặng cho hộ nghèo và tổ chức đợt hớt tóc miễn phí ở những xã vùng sâu. Những việc làm giản dị như “hớt tóc miễn phí”, “tặng quần áo cho người nghèo” của anh Tú, đã góp thêm những hành động đẹp giữa đời thường. Và những hành động đẹp ấy sẽ được nhiều người tiếp tục thực hiện, vừa chia sẻ khó khăn với những người nghèo khó, vừa góp phần làm cho tình người ngày càng lan tỏa…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>