Đóng góp dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

30/08/2024 | 18:29 GMT+7

(HGO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố cả nước về dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, vào chiều ngày 30-8.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cùng các sở, ngành liên quan tham dự trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gồm có 4 chương, 36 điều. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (bao gồm hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm đang thực hiện), hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, đối tượng bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai.

Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 2 năm. Quy định đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì không xử lý theo quy định tại Nghị định này. Đồng thời, quy định cụ thể mức xử phạt và khắc phục hậu quả.

Tại cuộc họp, các Bộ, ngành, địa phương đã đóng góp thêm cho dự thảo, trong đó lưu ý đóng góp các hành vi vi phạm, đồng thời cũng đề nghị bổ sung những trường hợp xử lý vi phạm hành vi phạm như lấn chiếm đất, quy định xử phạt không đăng ký đất đai, buộc thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục.

Qua nghe ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các Bộ, ngành ngồi lại với nhau để bàn và làm kỹ hơn nữa, trong đó tập trung hành vi, hậu quả gây ra vi phạm; xem xét rõ hành vi, đối tượng. Theo đó, tất cả vấn đề của địa phương chưa giải quyết được, chưa sâu liên quan đến đất trồng lúa, đất rừng cần kiểm tra lại, nghiên cứu kỹ hơn. Cần xem lại các hành vi để có quy định và xử lý phù hợp. Nên tính toán nhiều hành vi vi phạm khác nhau trên cùng một thửa đất. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến đóng góp và phối hợp với các Bộ, ngành làm thật kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo.

T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>