Tập trung giám sát những nội dung người dân quan tâm

08/11/2018 | 16:13 GMT+7

(HGO) - Đó là lưu ý của ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217 về ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Quyết định số 217) và Quyết định số 218 ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền (Quyết định số 218) của Bộ Chính trị khóa XI do UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức vào sáng ngày 8-11.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại hội nghị.

Ông Lê Tiến Châu đánh giá cao kết quả mà Mặt trận và đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh đạt được trong thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị. Nhờ vậy, đã bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của người dân, phát huy dân chủ rộng rãi và giúp chính quyền các cấp nhận ra những mặt còn hạn chế, yếu kém trong quá trình điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Phát huy kết quả đạt được, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Mặt trận và các tổ chức thành viên tiếp tục lựa chọn những nội dung giám sát phù hợp, tập trung vào những vấn đề gây bức xúc trong dư luận; quan tâm đến kết quả hậu giám sát. Bên cạnh đó, dù việc thực hiện công tác phản biện xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Mặt trận và các đoàn thể cố gắng tăng cường hơn nữa công tác này, qua đó góp ý giúp cấp ủy, chính quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong quản lý lãnh đạo, điều hành trên các lĩnh vực…

Nhìn chung, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nghiêm túc công tác giám sát theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị trên cơ sở các hướng dẫn và định hướng công tác giám sát hàng năm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đồng thời, chủ động bám sát tình hình thực tế tại địa phương và những vấn đề bức xúc mà người dân kiến nghị để xây dựng kế hoạch giám sát. Kết quả, 5 năm qua, MTTQ và đoàn thể các cấp đã chủ trì giám sát 833 nội dung, vụ việc.

Đối với công tác phản biện xã hội, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức được 2 nội dung với hình thức tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo “Đề án cấp nước nhỏ lẻ phục vụ nông thôn” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo và tổ chức phản biện xã hội bằng hình thức gửi văn bản góp ý với dự thảo “Dự án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì soạn thảo. Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện tổ chức thực hiện phản biện xã hội được 11 nội dung với hình thức gửi văn bản góp ý vào các dự thảo kế hoạch, đề án, dự án; MTTQ và các đoàn thể cấp xã thực hiện công tác này thông qua hình thức góp ý vào nghị quyết đại hội đảng bộ cấp xã và chi bộ, các dự thảo nghị quyết, chương trình, kế hoạch của đảng ủy, HĐND, UBND cùng cấp.

Trong thực hiện công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh ban hành kế hoạch lắng nghe ý kiến Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và triển khai thực hiện trong hệ thống Mặt trận các cấp và tổ chức thành viên. Đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức đối thoại với Nhân dân để trực tiếp lắng nghe và kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị, vấn đề bức xúc mà người dân đặt ra.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện cho thấy công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể là một việc khó; một số đoàn thể, Mặt trận cấp huyện, cấp xã vẫn còn lúng túng trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội; số lượng, chất lượng giám sát và phản biện xã hội chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân. Trong khi đó, việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền…

Tin, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>