Nơi người dân gọi tên nhau bằng tiếng huýt sáo

30/03/2021 | 16:56 GMT+7

Những tiếng huýt sáo vang vọng khắp khu rừng quanh ngôi làng hẻo xa xôi Kongthong, thuộc Ấn Độ. Tưởng như tiếng chim hót nhưng thật ra đây là cách mà dân làng ở đây gọi tên nhau và mỗi người đều sở hữu giai điệu của riêng mình.

Mỗi người làng Kongthong đều có một giai điệu tương ứng với tên gọi của riêng mình.  Nguồn: THE STRAITS TIMES

Kongthong nằm lọt thỏm trong những cánh rừng rậm rạp phía Đông Bắc bang Meghalaya, Ấn Độ. Nơi đây người dân sống gắn bó với thiên nhiên và chủ yếu làm nông nghiệp hoặc săn bắt. Ngay từ khi mới sinh ra, mỗi đứa trẻ được mẹ đặt cho một giai điệu như một tên gọi riêng và giai điệu này sẽ gắn bó với đứa trẻ đến suốt cuộc đời. Tiếng huýt sáo đặc trưng này được gọi là Jingrwai lawbei. Thông thường, mỗi “cái tên” đầy đủ có giai điệu kéo dài khoảng 15-20  giây, cái tên dài có thể lên đến 60 giây, nhưng cũng có lúc người ta sẽ gọi tắt bằng một giai điệu ngắn hơn kéo dài khoảng 5-6 giây.

Nguồn gốc của phong tục này hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng người dân địa phương cho rằng, nó đã tồn tại ở đây khoảng 5 thế kỷ. Hiện nay, những đứa trẻ vẫn có những tên gọi trên giấy tờ, nhưng ở làng, hiếm khi những cái tên này được sử dụng. Khi con cái ra ngoài hoặc đi chơi xa, người mẹ cất tiếng huýt sáo để gọi, thường là gọi tên đầy đủ chứ không gọi tên tắt để chúng sẽ biết đường mà quay về.

Không đứa trẻ nào có cùng một giai điệu, bởi đây là sáng tác riêng, thể hiện tình yêu của người mẹ với con được lấy cảm hứng từ những âm thanh thiên nhiên. Những người phụ nữ lớn tuổi trong làng còn có thể nhớ hàng trăm giai điệu tương ứng với hàng trăm cái tên khác nhau. Ở thời hiện đại, khi nhiều thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại thông minh len lỏi trong đời sống của làng Kongthong, một số cái tên giai điệu sau này bắt đầu được truyền cảm hứng từ âm nhạc hay những bài hát trong phim của Bollywood.

  T.NGỌC (theo Straits Times, Atlas Obscura)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>