Thư viện xiềng xích thời Trung cổ

26/06/2018 | 08:23 GMT+7

Những quyển sách thời Trung cổ được xem là của quý hiếm, đến mức tại các thư viện công cộng, người ta phải bảo vệ chúng bằng những sợi dây xích và ổ khóa.

Thư viện nhà thờ Hereford ở Anh được xem là là thư viện xiềng xích lớn nhất còn tồn tại đến ngày nay. Nguồn: AMUSING PLANET

Vào thời Trung cổ, công nghệ in ấn chưa phát triển nên việc phát hành và lưu trữ sách không dễ dàng như hiện nay, sách được xem là vật hiếm và quý giá. Không thể làm ra hàng loạt bản in, mỗi cuốn sách chỉ được sao chép cẩn thận bằng tay và có thể mất đến cả ngàn giờ đối với người đã thành thạo công việc này. Giai đoạn cuối của thời Trung cổ, các thư viện công cộng được mở ra để phục vụ nhu cầu của người dân. Để bảo vệ những cuốn sách quý giá này khỏi việc bị mất trộm, chú thường được cột bằng dây xích thậm chí có khóa trên kệ sách.

Một đầu dây xích được cố định vào một góc của bìa sách, đầu còn lại được khóa vào kệ sách hoặc vào bàn đọc sách. Dây xích đủ dài để người đọc có thể lấy xuống khỏi kệ và đọc tại chỗ chứ không thể mang ra khỏi thư viện. Chỉ có thủ thư mới là người giữ chìa khóa để mở khóa dây xích của những cuốn sách.

Với sự ra đời và phát triển của kỹ thuật in ấn hiện đại, việc tạo ra các bản sao trở nên dễ dàng hơn. Đến cuối những năm 1800, việc “trói” sách trên kệ đã không còn nữa. Hiện nay các thư viện xiềng xích sách này còn tồn tại vì mục đích bảo tồn và nghiên cứu văn hóa, tri thức thời Trung cổ.

Một trong số các thư viện xiềng xích nổi tiếng có thể kể đến là thư viện nhà thờ Hereford ở Anh. Đây là thư viện lớn nhất còn sót lại với dây xích, kệ sách và ổ khóa còn nguyên vẹn. Được thành lập từ năm 1611, thư viện sở hữu nhiều quyển sách, các bản thảo chữ viết tay cùng với hình minh họa nhiều màu sắc. Hầu hết những cuốn sách trong thư viện được thêm vào từ năm 1100, cuốn sách cổ nhất ra đời khoảng năm 800. Theo thống kê, bộ sưu tập sách của thư viện có hơn 1.500 cuốn sách hiếm, bao gồm 229 bản thảo thời Trung cổ được bảo quản trong tình trạng tốt để phục vụ cho việc tham quan, học tập và nghiên cứu.

THIÊN NGỌC (tổng hợp từ Atlas Obscura, Amusing planet)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>