“Chạy nước rút” về đích xã văn hóa nông thôn mới

12/06/2017 | 10:03 GMT+7

Xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, đang chạy nước rút để hoàn thành các tiêu chí của xã văn hóa nông thôn mới và xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuyến đường ấp Xẻo Cao, một trong những tuyến đường có cảnh quan khá đẹp của xã Thạnh Xuân.

Những ngày này, người dân xã Thạnh Xuân đang nô nức hoàn thành các tiêu chí còn lại, tiếp tục cải thiện cảnh quan môi trường để tạo một diện mạo mới, đón nhận danh hiệu văn hóa nông thôn mới. Về ấp Trầu Hôi, hỏi nhà ông Phạm Văn Phi hay bà Nguyễn Thị Nén, nhiều người dân biết. Họ luôn miệt mài làm việc để ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, rồi trồng hoa kiểng làm hàng rào, tạo cảnh quan và động viên, hướng dẫn người dân trong ấp trồng, để tạo thành phong trào lan rộng. Người dân chia sẻ, mình chỉ góp chút sức cho gia đình, chòm xóm, có thấm vào đâu so với nhiều người khác…

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư Chi bộ ấp Trầu Hôi, cho biết: “Trong quá trình xây dựng xã văn hóa nông thôn mới, dù mới được triển khai, nhưng người dân nhiệt tình hưởng ứng. Để có được điều này là cả một quá trình “mưa dầm thấm sâu”, chúng tôi đã tuyên truyền vận động, trước hết là trong nội bộ gia đình đảng viên, hội, đoàn thể ấp. Rồi tìm và nhân rộng những mô hình trong dân làm cảnh quan môi trường, ý thức xây dựng nếp nhà, mô hình làm ăn nổi bật… để nhân rộng”.

Việc chăm lo đời sống kinh tế của người dân cũng được địa phương quan tâm, tạo điều kiện, từ đó, hộ nghèo giảm dần, hộ giàu tăng hàng năm. Giờ thu nhập bình quân đầu người đã trên 33 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo còn gần 4%. Ông Đặng Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, chia sẻ, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi được phát động rộng rãi. Người dân còn được tạo điều kiện để được tập huấn, phổ biến những kiến thức, phương pháp mới ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; tạo điều kiện để 2 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác kinh tế phát triển, thu hút người dân tham gia ngày càng nhiều. Từ đó, ngày càng có nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, như mô hình trồng cam mật, cam xoàn của ông Lê Phú Kiệt ở ấp Láng Hầm B, ông Trần Minh Hiển ở ấp Láng Hầm C, mô hình xoài cát Hòa Lộc của ông Nguyễn Văn Nghiệm ở ấp Trầu Hôi…

Cùng với đó, địa phương còn tập xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để người dân vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe. Việc tuyên truyền, phát động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, tiệc tang, xây dựng lối sống lành mạnh, ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo; vận động những hộ kinh doanh quét dọn vê sinh nơi mình buôn bán, đổ rác thải đúng nơi quy định. Đặc biệt, phát động rộng rãi, thường xuyên người dân làm hàng rào, cột cờ, trồng hoa và cây xanh trước nhà, dọc tuyến lộ…

Dù có nhiều cố gắng, nhưng đến nay ở Thạnh Xuân, một số tuyến đường xuống cấp, đang chờ sửa chữa thì cảnh quan vẫn còn nhiều điều hạn chế, cần tiếp tục ráo riết ra quân, phát động và có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. 8 năm được công nhận danh hiệu văn hóa, xã luôn phát huy sức dân để giữ vững và nâng chất danh hiệu.

Trong chuyến khảo sát các tiêu chí của xã văn hóa nông thôn mới vừa qua, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh, nhấn mạnh: “Dù còn nhiều cố gắng, nhưng để tạo nên diện mạo mới, nhất là sự thay đổi đồng bộ về cảnh quan môi trường - điều mà Thạnh Xuân đang cần tập trung quyết liệt từ bây giờ, cần có kế hoạch tuyên truyền phát động người dân làm cảnh quan, có chọn những điểm nhấn là các tuyến đường chính. Hệ thống thiết chế nhà văn hóa ấp sắp được khởi công, cần theo sát để kịp thời báo cáo về tiến độ, để hoàn thành đúng tiến độ, tạo nên một hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn để tiếp tục phục vụ tốt cho người dân”.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>