Nâng chất đồng bộ - Kết quả thiết thực

09/10/2020 | 07:39 GMT+7

Chú trọng nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa đang được ngành chức năng và các địa phương đặc biệt quan tâm.

Mô hình cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp là điểm nhấn trong Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh.

Chỉ đạo sâu sát, hiệu quả

Hậu Giang hiện có 32 xã văn hóa nông thôn mới, 19 phường văn minh đô thị. Để giữ vững và nâng chất các danh hiệu này, các kế hoạch nâng chất được triển khai đồng bộ, có kiểm tra, đánh giá cụ thể, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tập trung nâng cao chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) tỉnh, cho biết: Sự sâu sát của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện và việc triển khai thực hiện các biện pháp nâng chất một cách hiệu quả của ban chỉ đạo ở cấp xã đã tạo nên sự thống nhất, đồng bộ. Từ đó, việc xây dựng và nâng chất các danh hiệu của phong trào đi vào chiều sâu, thể hiện bằng những con số, việc làm thật cụ thể.

Hàng năm, tỉnh đều có những đợt kiểm tra, giám sát việc nâng chất các danh hiệu của phong trào ở các địa phương. Từ đó, những mô hình vừa manh nha được phát hiện và chăm bồi kịp thời để tạo thành một mô hình điểm của phong trào, tạo những điểm nhấn. Mô hình về cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp rồi nâng chất lên thành tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu cũng vun bồi từ đây.

Trong các nội dung của phong trào, xây dựng môi trường văn hóa là một trong những tiêu chuẩn quan trọng, không dễ thực hiện và đòi hỏi liên tục. Từ đó, để làm được, cần có sự hỗ trợ, cộng đồng trách nhiệm và cùng chung tay thực hiện của người dân. Để người dân hiểu, không có cách nào khác ngoài việc tuyên truyền, vận động. Đây là điều đòi hỏi những cán bộ tuyên truyền phải đi nhiều, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để tuyên truyền đúng lúc, đúng nơi, đặc biệt là phải thật tâm lý, khuyến khích người dân thực hiện.

Ông Bùi Văn Sách, công chức văn hóa, xã hội UBND phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Là phường trung tâm, nên tôi luôn thấy trách nhiệm của mình trong việc vận động người dân cùng nâng chất các danh hiệu của Phong trào TDĐKXDĐSVH. Đa phần người dân buôn bán, nên mình phải lựa thời gian thích hợp tuyên truyền. Mình phải phối hợp mở nhiều đợt ra quân dọn dẹp cảnh quan kết hợp tuyên truyền để khuyến khích người dân cùng làm. Tôi quan niệm đây là trách nhiệm của mình, nên làm hết sức, để góp sức cùng mọi người giữ gìn và nâng chất các danh hiệu văn hóa, góp phần vào thành tích chung của phong trào toàn tỉnh”.

Sắp tới đây, Ban chỉ đạo Phong trào cấp tỉnh sẽ có đợt khảo sát việc nâng chất các danh hiệu của phong trào, ít nhất là mỗi huyện, thị, thành sẽ được chọn ngẫu nhiên một đơn vị để kiểm tra. Việc kiểm tra này là cơ sở để đánh giá, thống nhất việc tiếp tục công nhận các danh hiệu vào dịp cuối năm. Ông Đào Văn Nghị, Trưởng phòng Xây dựng đời sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Trước khi Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đi khảo sát, chúng tôi chọn và khảo sát trước các xã, phường, thị trấn đã đạt và chưa đạt danh hiệu văn hóa nông thôn mới, văn minh đô thị. Từ đó, hỗ trợ chuyên môn trước một bước, đồng thời phát hiện những khó khăn của các đơn vị để kịp thời đề xuất”...

Thiết chế được đầu tư, cảnh quan thay đổi

Một kết quả mang lại thiết thực trong việc xây dựng và nâng chất các danh hiệu văn hóa là hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Hậu Giang hiện có 7/8 trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện, 41/45 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cấp xã, 505/526 nhà văn hóa - khu thể thao ấp.

Những năm qua, khi Hậu Giang đẩy mạnh tiến độ xây dựng xã nông thôn mới, cũng là lúc hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư hoành tráng hơn, hoàn thiện hơn. Hệ thống thiết chế văn hóa hoàn thiện, tạo thêm nhiều điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh dưới hình thức câu lạc bộ, mang lại những giá trị tinh thần cho người dân ở các địa phương. Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư, Hậu Giang còn có một số thiết chế văn hóa, thể thao từ nguồn xã hội hóa như khu vui chơi giải trí, thể thao ở Trà Lồng, Thuận An (thị xã Long Mỹ)…

Cảnh quan môi trường cũng là điểm nhấn trong Phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh. Từ Cuộc thi Mô hình có cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp được tổ chức 2 năm/lần. 14 năm qua, đã có hàng ngàn mô hình đẹp và con số này đang ngày càng nhiều thêm. Năm nay, cuộc thi lần thứ VII sẽ được tổng kết. Thời điểm này, các địa phương đã hoàn tất tổ chức ở cấp tổ nhân dân tự quản, cấp ấp và cấp xã, đang chuẩn bị tổ chức cấp huyện để chọn mô hình tiêu biểu nhất dự thi ở cấp cuối cùng.

Mỗi lần tổ chức là một sự đổi thay rõ nét, đồng bộ cảnh quan ở từng địa phương. Rõ nhất là ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Không chỉ quan tâm chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, mà người dân còn đặc biệt quan tâm đến môi trường sống xung quanh, trồng hoa kiểng để làm hàng rào trước nhà, dọn dẹp nhà ở gọn gàng, ngăn nắp, tạo môi trường sống ngày càng sạch sẽ, văn minh. Đây chính là thành quả quan trọng từ phong trào mang lại.

Để có được kết quả trên là cả một quá trình hàng chục năm qua của các ngành, các cấp, địa phương trong việc tuyên truyền vận động để có được lòng dân, được dân chung tay góp sức thực hiện. Công việc này sẽ được tiếp tục và ngày càng đi vào chiều sâu, xây dựng được những mô hình đẹp từ trong dân để tiếp tục làm đẹp làng quê Hậu Giang...

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>