Nỗ lực giảm nghèo

09/10/2018 | 07:52 GMT+7

Xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ được thành phố Vị Thanh thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Đối thoại với hộ nghèo là một trong những giải pháp để thành phố Vị Thanh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để có hướng giúp đỡ, hỗ trợ.

Lắng nghe hộ nghèo nói

Bên hiên nhà, chị Thị Cẩm Duyên, ở khu vực 4, phường III, đang trò chuyện cùng các chị em ở xóm, chị kể về việc mình được tham gia buổi đối thoại với hộ nghèo và đặt câu hỏi với ngành chức năng. Chị Duyên chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng biết hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên vẫn chưa được rõ lắm. Tham gia hội nghị đối thoại với hộ nghèo lần này, tôi đã được ngành chức năng thông tin rõ ràng về các chính sách giảm nghèo hiện nay”. Nhân buổi gặp gỡ, chị Duyên đã kiến nghị ngành chức năng tạo điều kiện để gia đình chị vay 20 triệu đồng để mua đất. Theo chị Duyên, nhà nghèo, không có đất đai, hàng ngày chồng chị đi làm mướn, còn chị ở nhà trông con nhỏ. Vì vậy, chị mong muốn vay tiền mua mảnh đất nho nhỏ để trồng trọt hoặc chăn nuôi. “Chỉ có một mình chồng đi làm, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Vì vậy, tôi muốn mình làm việc gì đó, góp thêm thu nhập cho gia đình, để có thể vươn lên thoát nghèo”, chị Duyên bày tỏ.

Đối thoại với hộ nghèo là cách làm không chỉ giúp lãnh đạo thành phố, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn của người dân, để có hướng giúp đỡ. Đồng thời, các hộ nghèo cũng cảm nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với đời sống của mình. Từ đó, mọi người nỗ lực để có thể vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hơn. Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức 2 cuộc đối thoại với hộ nghèo. Qua các buổi đối thoại, giúp ngành chức năng biết được những vấn đề mà hộ nghèo còn gặp khó, để có hướng hỗ trợ. Theo đó, đối với hộ có đất sản xuất, có phương án làm ăn cụ thể, sẽ tạo điều kiện vay vốn. Những hộ có mô hình làm ăn, thì hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, để mọi người có thể thu được hiệu quả cao trong quá trình sản xuất. Những hộ già yếu, bệnh tật, không đủ sức lao động, thì thực hiện bảo trợ xã hội…”.

Nâng cao ý thức người trong cuộc

Ngoài thực hiện đối thoại với hộ nghèo, thành phố Vị Thanh còn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân, để mọi người chủ động vươn lên thoát nghèo. Nhờ được mọi người tuyên truyền, tạo điều kiện, ông Phạm Văn Út Em, ở khu vực 4, phường III đã tự nguyện đăng ký thoát nghèo trong năm 2018.

Gia đình ông Út Em là hộ nghèo đã nhiều năm nay, dẫu gia đình cố gắng lao động sản xuất, nhưng cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Trước khó khăn đó, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để gia đình vay 20 triệu đồng, đầu tư vào mô hình làm ăn. Hiện nay, ông đang thả nuôi cá lóc, cá trê… với diện tích 1.000m2. Ngoài ra, con trai ông còn đi làm hồ, nhờ đó, đời sống cũng tạm ổn. Vì vậy, gia đình ông đã dành dụm cất lại căn nhà. Ông Út Em chia sẻ: “Là hộ nghèo, gia đình tôi cũng mang mặc cảm với mọi người. Mỗi lần hội họp, người ta cứ kêu nhà mình là hộ nghèo, vừa buồn vừa ngại với xóm giềng. Do đó, chúng tôi cố gắng vươn lên để có thể thoát nghèo”.

Chuyện người dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo không còn là chuyện hiếm hay bất ngờ, bởi tư tưởng trông chờ, ỷ lại dần được thay thế bằng ý chí cố gắng lao động sản xuất, để vươn lên thoát nghèo. Để có được kết quả như ngày hôm nay tất cả là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động hộ nghèo nỗ lực vươn lên được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ông Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, cho biết, để thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, trước hết địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức hộ nghèo, bởi chỉ khi nào hộ nghèo chủ động vươn lên, tránh được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thì mới có thể vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nói về kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo, bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh, cho biết thêm: “Năm 2018, thành phố Vị Thanh phấn đấu giảm 1,5% tỷ lệ hộ nghèo. Để thực hiện đạt kết quả được giao, địa phương đã xây dựng mô hình giảm nghèo, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo được vay vốn ưu đãi, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… Nhờ đó, thu nhập của người dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày một nâng lên về vật chất lẫn tinh thần...”.

Thành phố Vị Thanh hiện có 1.287 hộ nghèo, chiếm 6,4% và 1.432 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ trên 7%.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>