Tích lũy kỹ năng từ công việc làm thêm

12/08/2019 | 08:28 GMT+7

Hè là khoảng thời gian sinh viên nghỉ ngơi sau những giờ học tập căng thẳng, nhưng với nhiều bạn đây là cơ hội để kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí cho năm học mới và tích lũy kỹ năng sống cho bản thân.

Sinh viên Huỳnh Thị Kim Huyền, đang tư vấn cho học viên tại trung tâm ngoại ngữ.

Hình ảnh sinh viên phát tờ rơi, phục vụ quán ăn, bán hàng ở các shop quần áo, giày dép… dường như đã không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Những hình ảnh này, không chỉ dễ dàng bắt gặp trong thời gian tựu trường, khi nhiều sinh viên tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau giờ học để đi làm thêm, mà hiện còn có thể thấy trong cả những dịp hè. Phạm Thị Ngọc Thi, sinh viên năm 4, ngành văn học, Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ), quê ở thị xã Ngã Bảy, nói: “Hè năm nào cũng vậy, em thường tranh thủ ở lại Cần Thơ để xin đi làm thêm. Hiện tại, em đang làm cộng tác viên tuyển sinh tại trường, công việc chủ yếu là trực tiếp hướng dẫn tân sinh viên khóa mới làm hồ sơ nhập học. Đối với em, làm thêm không chỉ để kiếm thêm thu nhập, mà được trải nghiệm ở nhiều công việc khác nhau, còn giúp bản thân em học hỏi thêm các kỹ năng giao tiếp và cách xử lý các tình huống dễ xảy ra trong cuộc sống”.

Với công việc hiện tại, trung bình Thi kiếm được thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày. Không ngại vất vả, từ khi bước vào cánh cửa đại học, hè mỗi năm Thi đều xin gia đình được ở lại trường để làm thêm, thay vì sẽ về quê nghỉ ngơi. Gần 4 năm đại học, Thi đã làm qua những công việc như: phục vụ nhà hàng, bán hàng giày dép và làm cộng tác viên cho trường, trung tâm… Theo Thi, hiện nay việc làm thêm dành cho sinh viên ở các thành thị khá đa dạng, với mức thu nhập từ 10.000-35.000 đồng/giờ, tùy vào công việc khác nhau.

Cũng tranh thủ thời gian nghỉ hè xin đi làm thêm ở xưởng cơ khí trên địa bàn thành phố Vị Thanh, học viên Phạm Văn Khải, đang theo học nghề cắt gọt kim loại, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh, quê ở huyện Vị Thủy, tâm sự: “Hiện tại, em là học viên năm cuối của ngành cắt gọt kim loại. Vì muốn trực tiếp áp dụng những gì đã học vào thực tiễn, nên hè năm nay, em đã xin vào xưởng cơ khí để làm thêm. Qua thời gian làm ở xưởng, em thấy mình nâng cao được kỹ năng chuyên môn, tự tin hơn khi sau này đi làm hay mở tiệm cơ khí nhỏ tại nhà”.

Với khả năng chuyên môn đang theo học ngành giáo dục mầm non, cũng mong muốn được tích lũy thêm kỹ năng giao tiếp, cách chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với năng lực, nên thường mỗi dịp hè sinh viên Huỳnh Thị Kim Huyền, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, quê ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, đều tranh thủ tìm việc làm thêm. Huyền cho biết: “Để kiếm thêm ít thu nhập phụ giúp gia đình và trang trải chi phí cho năm học mới, từ khi bước vào thời gian nghỉ hè, em đã xin vào làm tư vấn viên cho trung tâm ngoại ngữ. Hè mấy năm trước, em cũng từng xin đi phụ quán cafe, giữ trẻ, bán quần áo, giày dép ở các hội chợ… Tuy làm thêm có hơi vất vả, nhưng được thử sức mình với nhiều công việc khác nhau, dần giúp em tự trang bị được nhiều kỹ năng mềm, mà trong sách vở không hề có được”.

Hiện tại, công việc tư vấn viên tại trung tâm ngoại ngữ của Huyền được bắt đầu từ 17 giờ chiều và kết thúc vào 20 giờ đêm. Trung bình, mỗi tháng sẽ kiếm được thu nhập khoảng 1,6 triệu đồng. Bên cạnh đó, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Huyền còn xin đi phụ bán quần áo tại các hội chợ được tổ chức trên địa bàn thành phố Vị Thanh.

Có thể thấy, mỗi công việc làm thêm đều giúp sinh viên có một trải nghiệm cuộc sống, từ đó tích lũy cho bản thân những bài học, kỹ năng cần thiết. Những kỹ năng mềm, những cách xử lý tình huống được trang bị thông qua công việc làm thêm… là những yếu tố cần thiết đang được các nhà tuyển dụng đòi hỏi cần phải có trong quá trình tuyển dụng hiện nay.

 Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích