Chuyển biến từ thực hiện Đề án 06

31/05/2023 | 08:43 GMT+7

Đề án số 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, chuyển đổi số. Với quyết tâm chính trị cao, lực lượng Công an Hậu Giang đã nỗ lực tiên phong, đi đầu trong triển khai thực hiện hiệu quả Đề án.

Công an xã Đông Phú, huyện Châu Thành hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh nhằm triển khai thực hiện Đề án 06, ngay khi đề án được ban hành, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác Đề án 06 tỉnh để tạo tiền đề và cơ sở pháp lý triển khai đề án. Trên cơ sở vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, tỉnh đã gắn việc triển khai Đề án 06, xem đây là mục tiêu quan trọng, là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số.

Để tập trung nhân lực, phương tiện phục vụ triển khai Đề án 06, hơn một năm qua, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm triển khai thực hiện đề án như chiến dịch 15 ngày “làm sạch dữ liệu dân cư” và cao điểm “90 ngày đêm” với tinh thần quyết liệt, không ngại khó, ngại khổ để làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip và mã định danh cá nhân cho công dân. Đồng thời, đến nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập 609 tổ công tác triển khai Đề án 06 từ tỉnh đến ấp, khu vực, với hơn 3.500 thành viên và duy trì hoạt động hiệu quả từ khi thành lập.

Tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06, địa phương đã cho ra mắt mô hình “Hỗ trợ cài đặt định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, nhằm hỗ trợ cũng như tuyên truyền người dân trong việc cài đặt ứng dụng VNeID và sử dụng tài khoản định danh điện tử và tài khoản dịch vụ công trực tuyến.

Anh Đỗ Văn Phúc, trú ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, trước nay phải đem nhiều giấy tờ đến Công an xã làm thủ đăng ký tạm trú. Sau khi được Công an xã hướng dẫn đăng ký định danh điện tử, anh tiết kiệm rất nhiều thời gian.

 Anh Phúc chia sẻ: “Giấy tờ cất lâu nhiều khi sẽ bị hỏng, mất, phai màu, nên khi có tài khoản điện tử, cán bộ hướng dẫn tôi có thể đăng ký trực tuyến, làm việc cũng mau lẹ hơn, giúp tôi thêm nhiều thời gian rảnh để làm những công việc khác”.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay trên địa bàn xã Đông Phú đã có trên 3.500 tài khoản định danh điện tử, dịch vụ công. Khi có tài khoản định danh điện tử, người dân có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến như: Thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, khai báo tạm trú, tạm vắng… thay thế các giấy tờ cá nhân truyền thống.

Thiếu tá Nguyễn Phú Phi, Phó trưởng Công an xã Đông Phú, cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về lợi ích dịch vụ công trực tuyến đến từng hộ dân, từng đối tượng con người cụ thể, đảm bảo người dân có thể tiếp cận, sử dụng các tiện ích của dịch vụ công quốc gia.

Theo thượng tá Nguyễn Bá Thành, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, với vai trò là Cơ quan thường trực Tổ công tác triển khai Đề án số 06 tỉnh, Công an tỉnh xác định rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của đề án này. Qua đó, chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong đề án.

Qua hơn một năm triển khai thực hiện đề án, đến nay tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Đã kết nối thành công Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tiến hành khai thác; đăng ký thành công 1.137 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; người dân bắt đầu tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngày càng nhiều, riêng đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, chỉ riêng trong tháng 5-2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 19.500 hồ sơ (tăng gần 3 lần so với năm 2022), tỷ lệ nộp trực tuyến đạt 81,5%,…

Bên cạnh đó, tỷ lệ dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và số lượng người dân trên địa bàn tỉnh được cấp CCCD ngày càng tăng cao, tính đến nay toàn tỉnh đã thu nhận hơn 784.000 hồ sơ cấp CCCD và hiện chỉ còn khoảng 6.000 trường hợp thường trú có mặt trên địa bàn chưa được thu nhận hồ sơ cấp CCCD (chiếm 0,78% tổng số công dân thường trú từ 14 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh).

Vừa qua, Đoàn kiểm tra của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an vừa kiểm tra thực tế công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, qua kiểm tra Đoàn đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm của từng thành viên Tổ Công tác, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của UBND tỉnh và tinh thần trách nhiệm cao của lực lượng công an trong công tác tham mưu thực hiện Đề án 06 ở địa phương, từ đó góp phần mang lại nhiều kết quả quan trọng.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đề nghị trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục kiện toàn Tổ Công tác Đề án 06 từ tỉnh đến ấp, khu vực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa các thành viên trong thực hiện các nhiệm vụ và kết nối, khai thác, chia sẻ, cập nhật, bổ sung làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đặc biệt, đối với Công an tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Tổ trưởng Tổ Công tác trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của tổ công tác và thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các sở ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác làm sạch dữ liệu dân cư và hoàn thành cấp CCCD cho tất cả công dân đủ điều kiện có mặt trên địa bàn.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>